Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện
Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở thành mối lo lắng, quan ngại thường trực của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội như hiện nay. Bất cứ ở đâu, đô thị hay nông thôn, không khó để bắt gặp những hành vi “chướng tai gai mắt” được người dân vô tư thể hiện. Nhưng trong bối cảnh ấy, những câu chuyện về sự tử tế lại là chỗ dựa tinh thần để nhiều người thấy rằng, cuộc sống này vẫn có rất nhiều điều tốt đẹp để mọi người có thêm động lực nghĩ và làm nhiều hơn những việc có ích.
Câu chuyện cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở Thường Xuân (Thanh Hóa) nhiều lần viết đơn xin trả lại sổ nghèo để nhường suất cho gia đình khác khó khăn hơn đã làm bao người cảm phục.
Với lời lẽ mộc mạc, cụ cho biết, lý do xin ra khỏi hộ nghèo là vì hàng ngày cụ vẫn tự nuôi gà, trồng rau mang ra chợ bán lấy tiền chi tiêu, sinh hoạt. Cụ tự chăm lo được cuộc sống vật chất, tự lo được cái ăn, cái mặc không ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Đặc biệt, cụ Mơ cảm thấy mình không còn nghèo mà muốn giúp cho nhiều người khác còn nghèo hơn mình.
Sự chân thành của cụ bà 83 tuổi làm cả hội trường lặng đi, còn Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng ngồi ở dưới khán đài thì lặng lẽ lấy tay lau nước mắt.
Cụ Đỗ Thị Mơ nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Internet)
Rồi mới đây nhất là chuyện anh tài xế đăng tin tìm người lái container đã tông vào xe của mình để trả lại số tiền thừa sau khi sửa xe. Sự việc xảy ra vào ngày 11/10, tại ngã tư Ngô Quyền, Hải Dương, trong lúc dừng đèn đỏ, xe container do anh Vũ Văn Luyện (47 tuổi, ở huyện Kim Thành, Hải Dương) cầm lái đã va vào đuôi xe 7 chỗ do anh Lê Quang Khải (36 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) điều kiển.
Ngay lập tức, tài xế container đã xuống nhận lỗi và xin bồi thường số tiền sửa xe. Nhưng sau khi sửa xe xong, còn thừa ra 12 triệu đồng. Do không lưu số điện thoại của anh Luyện nên anh Khải đã đăng tin lên Facebook cá nhân tìm người tài xế container để trả lại số tiền thừa.
Nhờ các nguồn tin trên mạng, sau 2 ngày anh Khải đã tìm ra số điện thoại của anh Luyện. Chiều 21/10, họ gặp nhau để trao trả tiền mặt. Lý do anh Khải trả lại tiền thừa cũng rất đơn giản, vì số tiền 12 triệu đồng đối với nhiều người có thể là nhỏ, còn với cánh lái xe thì đó là mồ hôi, nước mắt, là những đêm mất ngủ đường trường…
Hay câu chuyện có hành động cao đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất của 2 học sinh lớp 9 Trường THCS Hồng Tân ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng rất đáng biểu dương.
Theo đó, trưa 16/10, trên đường đi học về qua đường liên xã Hồng Lộc - Tân Lộc, 2 em Phạm Thị Hoài và em Nguyễn Thị Lan đã bất ngờ phát hiện và nhặt được 5 triệu đồng của người đi đường đánh rơi. Sau khi nhặt được tiền, hai em đã mang về nhà sau đó nhờ người lớn thông báo, tìm kiếm người mất và tiến hành hành trao trả. Được biết, số tiền nói trên là của chị Bùi Thị Anh Đào (trú tại xã Hồng Lộc), hiện đang công tác tại một công ty viễn thông trên địa bàn.
Ngày 21/10, Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh và Trường THCS Hồng Tân đã tổ chức trao tặng giấy khen và tuyên dương hai em vì đã có hành động cao đẹp, xứng đáng là tấm gương sáng cho các bạn học sinh noi theo.
Còn rất nhiều câu chuyện cảm động về sự tử tế. Nhưng ba câu chuyện gần đây nhất cho thấy xã hội vẫn còn rất nhiều điều nhân nghĩa, việc thiện. Những hành động tốt đẹp của bà cụ 83 tuổi, của anh lái xe, cũng như của hai bạn nhỏ khiến bất cứ ai cũng cảm thấy tĩnh tâm, cảm thấy được nâng đỡ rất lớn về tinh thần giữa sự bức xúc, mệt mỏi và nhiều hành động xấu xí, phản cảm trong cuộc sống hàng ngày.
Sự cần thiết của việc lan tỏa lối sống tử tế
Xã hội hiện nay bên cạnh những con người tử tế thì vẫn có những con người vô cảm, vô văn hoá thậm chí cả xấu xa. Điển hình như chuyện xảy ra đúng vào cái ngày 20/10, cái ngày đáng ra phụ nữ được trân trọng, được tôn vinh thì 4 thanh niên lên xe buýt, chỉ vì lời nhắc nhở nhẹ nhàng đã xông vào hành hung nữ phụ xe. Người phụ nữ bất lực chịu đòn của kẻ côn đồ mà không có sự can thiệp của bất kỳ ai trên xe.
Hay những hành vi côn đồ, vô văn hóa, đánh người đi đường của nam nhân viên xe buýt số 47B trên cầu Vĩnh Tuy chỉ vì người này nhắc xe buýt phải đi đúng làn đường.
Dù sự việc đã được cơ quan chức năng, đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc xử lý nhưng có lẽ nỗi ám ảnh sẽ khó quên đối với cả người trong cuộc lẫn người chứng kiến và cộng đồng. Sự manh động, liều lĩnh của những kẻ côn đồ xảy ra ở khắp mọi nơi trong thời gian dài vừa qua đã làm cho mọi người sợ hãi, không dám lên tiếng.
Đặc biệt, trong nửa tháng qua, hàng vạn người dân Hà Nội bức xúc, mệt mỏi vì phải tự xoay sở nhiều ngày để có nước ăn uống trong vụ việc đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà. Những kẻ bất lương đã đổ hàng ngàn tấn dầu thải làm nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm độc. Trong khi đó người dân vẫn phải ăn, uống thứ nước bẩn đó cả tuần trời mới có sự cảnh báo từ công ty cung cấp nước và chính quyền.
Rồi hàng loạt các vụ cung cấp thực phẩm bẩn vào trường học, vào các bữa ăn công nhân... bị phát hiện trong thời gian qua, cho thấy nhiều người bất chấp tất cả, sức khỏe, mạng sống của đồng loại, sẵn sàng hủy hoại cả sức khỏe, tính mạng của cả trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Vì thế, những câu chuyện như của bà cụ 83 tuổi xin thoát nghèo, anh tài xế trả lại tiền thừa…hay nhiều câu chuyện tử tế khác, không chỉ là liều thuốc nâng đỡ tinh thần, niềm tin của mọi người, mà còn đọng lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ, nhắc nhở chúng ta sống có ích. Bởi văn hóa ứng xử được xây dựng từ ý thức của mỗi cá nhân.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn