Những văn bản vô lý trước quy định sinh viên bán dâm

Thứ tư - 31/10/2018 11:23
Trước quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học, giáo dục Việt Nam cũng từng có nhiều lệnh cấm, nội quy, dự thảo quy định gây tranh cãi khác.

Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.

Theo đó, nếu sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Lần đầu vi phạm sẽ bị khiển trách, lần thứ 2 cảnh cáo, lần 3 bị đình chỉ có thời hạn. Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn là buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm.

Những văn bản vô lý trước quy định sinh viên bán dâm - Ảnh 1.

Dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT đã bị xóa sau đó

Quy định này gây tranh cãi dữ dội vài giờ qua vì môi trường giáo dục không cho phép sinh viên, thậm chí cả giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống nghề nghiệp, huống hồ là chuyện bán dâm gây ô uế học đường. Lẽ ra, quy định phải nêu rõ nếu sinh viên vi phạm phải bị đuổi học, nghỉ việc ngay từ lần đầu, chứ không thể để 4 lần mới bị đuổi.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên nền giáo dục Việt Nam xuất hiện một dự thảo quy định gây "dậy sóng" dư luận. Trước đó, giáo dục Việt Nam cũng từng có nhiều lệnh cấm, quy định, dự thảo quy định gây tranh cãi khác.

Phạt tiền giáo viên dạy thêm

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền từ 8 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Và phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thế của nhà giáo, người học.Nhiều giáo viên cho rằng quy định này xúc phạm danh dự của giáo viên, cho thấy Bộ GD-ĐT không có niềm tin vào các thầy giáo.

Về quy định xử phạt 10 triệu đồng ép học sinh học thêm, nhiều người thắc mắc Bộ GD-ĐT sẽ khó có cơ sở pháp lý để xác định. Ngoài ra, làm sao để phân biệt việc học thêm còn xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh và ép uổng.

Cấm giáo viên bận váy khi lên lớp

Năm 2017,  Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã có văn bản quy định áp dụng đối với trang phục giáo viên khi đứng lớp, tham gia các hoạt động có học sinh, đó là cấm giáo viên nữ mặc váy.

Theo đó, trang phục của giáo viên nữ là: Quần tây, áo cổ bẻ, không mặc áo bó quá sát người, vải quá mỏng, không mặc váy khi tham gia các hoạt động giáo dục của học sinh; giày hoặc dép có quai hậu.

Quy định bị cư dân mạng và nhiều cô giáo phản đối vì cho rằng quá khắt khe, cứng nhắc, xâm phạm nhân quyền. Thay vì cấm mặc váy thì nên quy định là giáo viên chỉ được mặc váy công sở bởi giáo viên tự biết nên mặc gì phù hợp khi đứng trước học sinh.

Trước đó, năm học 2013-2014, Trường THCS và THPT Việt Trung (tỉnh Quảng Bình) ra văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp nhằm đảm bảo tác phong của giáo viên và giúp học sinh tập trung trong học tập.

Cấm trẻ dưới 5 tuổi học chương trình nước ngoài

Quy định "Trẻ dưới 5 tuổi không được học chương trình nước ngoài" nằm trong Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mà Bộ GD-ĐT ban hành bị cho là vô lý, không đúng thực tế, không có cơ sở khoa học, ảnh hưởng chiến lược thu hút vốn đầu nước ngoài…

 

Tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa

Ngày 3-10-2017, Bộ GD-ĐT ban hành Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Theo đó, văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học, trong đó có nội dung yêu cầu "cập nhật thông tin mới", đồng thời, "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa". Văn bản này gây chấn động khi chứa đầy mâu thuẫn, làm khó các nhà trường, giáo viên và hơn nữa không đúng với phương pháp, truyền đạt trong thời đại công nghệ 4.0. Sau khi đưa ra văn bản, Bộ GD-ĐT đổ thừa: "Việc diễn đạt đã gây hiểu lầm".

Học sinh viết, vẽ vào SGK thì giáo viên bị xử lý

Cuối tháng 9-2018, Bộ GD-ĐT có chỉ thị về sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, bộ yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK.Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các trường học khiến học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.... 

Chỉ thị này lập tức gây tranh cãi. Nhiều giáo viên cho rằng, SGK là tài sản của học sinh, do cha mẹ, gia đình học sinh mua nên không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào sách.

Theo Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây