Hiện vật tác phẩm “Đường Kách mệnh” (BVQG)
Bài trí công phu, ấn tượng, gần 200 hình ảnh, hiện vật quý, trưng bày chuyên đề “90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử (3.2.1930 – 3.2.2020)” đã khai mạc ngày 3.2 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Những mốc son lịch sử
Tại đây, công chúng được tiếp cận, chiêm ngưỡng nhiều hiện vật quý hiếm trong hành trình 90 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những hiện vật như: Bảo vật quốc gia, tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đèn tọa đăng, chiếc vali đặc biệt, các kỷ vật của các đồng chí Tổng Bí thư, sưu tập các văn kiện, nghị quyết của Đảng, bức huyết thư gửi Bác Hồ… Nhóm hiện vật của nhân dân dùng để nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng trước năm 1945 cũng là những hiện vật mang lại nhiều cảm xúc với người xem.
TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, với hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, những người thực hiện trưng bày mong muốn công chúng có thêm hiểu biết lịch sử ra đời, phát triển cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt 90 năm đấu tranh, giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Các hình ảnh và hiện vật tại triển lãm được chia làm ba phần: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930; Những mốc son lịch sử (1930 - 2020); Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh. Một phần quan trọng giới thiệu các tài liệu, hiện vật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt hành trình 90 năm qua đã được thể hiện ấn tượng ở triển lãm, thu hút người xem.
Một trong những hiện vật đặc biệt nhất tại triển lãm là bảo vật quốc gia, cuốn Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm ra đời năm 1927, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Đường Kách mệnh tập hợp những bài giảng cho đội ngũ cán bộ hoạt động Cách mạng Việt Nam từ 1925-1927 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác-Lênin, phương hướng phát triển của Cách mạng Việt Nam theo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu nhất.
Một trong số những hiện vật thiêng liêng, khiến nhiều người xem dừng bước là chiếc đèn tọa đăng, kỷ vật đánh dấu một trong những mốc son đầu tiên của Đảng. Chiếc đèn dầu vào năm 1928 được sử dụng trong cuộc họp quan trọng của đại biểu Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam Cách mạng thanh niên. Nơi họp là nhà của cụ thân sinh đồng chí Ngô Gia Tự tại Bắc Ninh. Sau cuộc họp mật, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thống nhất chủ trương “vô sản hóa” nhằm đưa hội viên trí thức, tiểu tư sản tự nguyện bước vào cuộc sống gian khổ ở các vùng công nghiệp, hầm mỏ và nhà máy nhằm đẩy nhanh quá trình giác ngộ của giai cấp công nhân. Chiếc vali bằng da màu nâu sờn cũ nằm trong sưu tập về Đảng và các tổ chức tiền thân của Đảng là một hiện vật đặc biệt khác ở triển lãm. Chiếc vali do đồng chí Bùi Ngọc Thành mua ở Quảng Châu năm 1925, sử dụng tham gia lớp huấn luyện đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Rời lớp học, ông Bùi Ngọc Thành sử dụng chiếc vali để tài liệu cách mạng, trên đường đi Nam Ninh công tác ông bị cảnh sát lục soát và bắt giữ. May thay, Cảnh sát trưởng Chu Bình Nam ở Nam Ninh khi ấy có cảm tình và thả các nhà yêu nước bị bắt giữ sau vài ngày. Trong đoàn công tác có ông Nguyễn Thức Thiệp làm bài thơ chữ Hán bày tỏ sự biết ơn đối với vị cảnh sát này. Ông Thiệp sau đó cũng nhận chiếc vali từ ông Thành. Năm 1965 ông Thiệp trao chiếc vali và bài thơ chữ Hán cho Bảo tàng lưu giữ.
Chiếc xe đạp thồ, hiện vật được nhiều người xem quan tâm tại triển lãm. Đây là chiếc xe ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Trong số văn kiện Đảng trưng bày có Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là bản in thạch chữ màu tím có dấu của Đảng bộ Thạch Hà (Hà Tĩnh), chỉ còn 24 trang nội dung do Đảng bộ Thạch Hà in ấn và bí mật phổ biến trong tỉnh. Không phải bản gốc do Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo năm 1930 nhưng đây là hiện vật thể hiện vai trò và sự lãnh đạo của Đảng ngay từ thời thành lập đối với hoạt động cách mạng ở Hà Tĩnh.
Bên cạnh những hiện vật thiêng liêng gắn với quá trình thành lập Đảng, những kỷ vật của các đời Tổng Bí thư, trưng bày cũng giới thiệu những tư liệu thể hiện tình cảm đặc biệt của nhân dân, văn nghệ sĩ dành cho Hồ Chủ tịch và Cách mạng.
Một không gian triển lãm tại BTLS quốc gia
Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam
Khai mạc cùng ngày 3.2 tại Hà Nội, triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam” là hoạt động do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức. Triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; những mốc son chói lọi của Đảng, thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua; khơi dậy, bồi đắp niềm tin, lòng tự hào đối với Đảng, Bác Hồ và công cuộc đổi mới, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu và hiện vật. Phần mở đầu thể hiện sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam và QĐND Việt Nam. Ngoài ra, triển lãm gồm bốn nội dung chính: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam; Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc (1945-1975); Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975- 2019).
Triển lãm đang mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.
HÀ PHƯƠNG
Theo
Văn Hóa
Link gốc: http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/26122/nhung-hien-vat-vo-gia-ve-dang-cong-san-viet-nam