Tình cảnh quá đỗi éo le, bi đát ấy là của 5 chị em Nguyễn Thị Hải Huyền, (trú tại thôn Dương Phòng, xã Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Nằm sát mép biển, nhưng tiết trời đứng gió khiến cái nắng miền Trung thêm gay gắt, hơi nóng cứ thế phả hầm hầm vào mặt. Trời oi nồng rất khó chịu, ấy thế mà khi chúng tôi đến, cả 5 đứa con nhỏ vẫn om mình trong căn nhà rộng chừng hơn 40 m2.
Chiếc quạt điện cũ chạy hết công suất không đủ xua tan hơi nóng đang phả hầm hập trong căn nhà. Cả 5 đứa trẻ, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 5 tháng tuổi mồ hôi nhễ nhai, mặt mũi lấm loem.
Nhìn 5 đứa trẻ, trong đó cháu trai nhỏ nhất mới 5 tháng tuổi nằm giữa tấm chiếu trải trên nền nhà đang khát sữa khóc ngằn ngặt, không ai cầm được lòng mình.
Theo cán bộ xóm Dương Phong, năm 2011, anh Nguyễn Văn Danh (SN 1973, quê xã Xuân Hải) và chị Nguyễn Thị Liên (SN 1982, quê huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đều bị bệnh tật và họ nên duyên vợ chồng.
Anh Danh mắc chứng bệnh suy thận, tháng nào cũng phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà để chạy thận. Còn chị Liên người không bình thường, tính tình ít nói, thiếu hoạt bát, gần như chỉ ở nhà chăm con.
Cũng vì thiếu hiểu biết, vỡ kế hoạch, nên chỉ sau 8 năm đến với nhau, đôi vợ chồng thuộc diện hộ nghèo này lần lượt sinh 5 đứa con. Con nhỏ nheo nhóc, vợ không nghề nghiệp, toàn bộ 7 miệng ăn trông cậy vào đồng tiền phụ hồ ít ỏi mà anh Danh kiếm được. Nghề khó nhọc này việc bữa có bữa không, nên bữa ăn của mấy đứa con nhỏ cũng rất bấp bênh, bữa no, bữa đói.
Những đứa con nhỏ của đôi vợ chồng nghèo khó lớn lên trong sự thiếu thốn đủ bề.
Cuộc sống đang yên bình thì cách đây hơn 1 tuần, khi đang đi phụ hồ ở làng kế bên, nghe tin con nhỏ sốt cao, thương con, anh Danh tức tốc chạy xe về để mua thuốc cho con.
Thế nhưng, khi chưa kịp về đến nhà, do xe mất lái, anh Danh ngã mạnh xuống đường và ngất xỉu tại chỗ. Sau đó, anh được người thân đưa sang Bệnh viện Chỉnh hình Nghệ An (TP Vinh) cấp cứu. Người cha của 5 đứa trẻ được xác nhận bị chấn thương sọ não, sốc tủy, chấn thương đốt sống cổ, liệt tứ chi.
Anh Danh bị chấn thương sọ não nặng,
Theo bác sỹ Trần Đình Ân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chỉnh hình Nghệ An: “Bệnh nhân bị thương rất nặng, sau hơn 1 tuần điều trị nhưng tiến triển rất chậm, khả năng cao là sống thực vật. Nếu có “phép màu” xảy ra, quá trình điều trị mất rất nhiều thời gian và rất tốn kém”.
Chồng nằm viện thập tử nhất sinh, cần tiền chữa trị, nhưng chị Liên không một xu dính túi. Anh Danh được phẫu thuật là nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, bà con lối xóm, sự hỗ trợ của chính quyền và của phía bệnh viện. Đã khánh kiệt, nên giờ chị Liên chỉ còn cầu mong phép màu, nhờ sự giúp đỡ của phía bệnh viện để duy trì sự sống cho chồng.
Đứng ngoài cửa thấp thỏm lo cho sự sống của chồng ở trong phòng cấp cứu, chị Liên bồn chồn không biết các con nhỏ ở nhà sống ra sao. Nhà neo người, chị đành phải gửi 5 con nhỏ cho người chị gái của anh Danh và bà con lối xóm để lên bệnh viện túc trực.
Những đứa trẻ đã đỡ nhớ bố mẹ, đã bớt đi khó khăn khi được bà con lối xóm, người thân đùm bọc.
Đã bao lần chị rớt nước mắt vì các con chỉ lót dạ bằng cơm trắng chan tí nước mắm, hay kèm tí nước rau, nay nghĩ cảnh vì bố gặp nạn, mẹ vắng nhà bụng con thiếu đói, chị lại thêm sốt ruột.
Càng nghĩ, nước mắt chị lại cứ chực trào. Thật may, thương hoàn cảnh éo le của vợ chồng chị Liên, hằng ngày, những người hàng xóm nấu thêm cơm và thức ăn rồi mang sang cho các cháu.
Từ khi bố gặp nạn nguy kịch, mẹ bận vào viện chăm sóc bố, cuộc sống của bé Huyền và 4 em nhỏ lâm vào những chuỗi ngày đói khát, cơ cực. Là chị lớn trong nhà, dẫu mới là cô bé mới chưa đầy 10 tuổi, nhưng bé Huyền đã bất đắc dĩ trở thành trụ cột. Cô bé nhỏ thó đã làm đủ mọi việc, từ tắm rửa cho các em, đến giặt giũ, bón cơm, pha sữa cho em ăn.
Từ ngày mẹ lên viện chăm bố, bé Huyền đã thay mẹ tắm rửa cho những đứa em của mình.
Nhìn cô bé chưa đầy 10 tuổi đút từng thìa cơm cho các em nhỏ, ai trong xóm Dương Phong cũng thán phục.
Nhìn cô bé chưa đầy 10 tuổi đút từng thìa cơm cho các em nhỏ, nhìn bé vỗ về, làm trò vui để các em quên đi phút giây bố mẹ vắng nhà, ai trong xóm Dương Phong cũng thán phục. Nói vậy thôi, chứ Huyền cũng nhớ bố mẹ như các em. Cô bé mong từng phút từng giây bố mẹ trở về nhà.
“Nhiều đêm các em cháu cứ khóc đòi bố mẹ khiến cháu cũng khóc theo. Đã rất nhiều lần như thế rồi, cháu chỉ biết ôm các em chờ trời sáng để được thấy bố mẹ trở về. Nhưng chờ đến bao giờ hả chú, những ngày tới em phải làm sao khi các em nhỏ cứ luôn đòi bố, đòi mẹ?”, Huyền vừa cho em tu bình sữa vừa nói với chúng tôi.
Tính mạng bố đang rất nguy kịch, còn cấp cứu, điều trị lâu dài, nên chuỗi ngày chăm em như thế này chưa biết bao giờ dừng lại. Huyền và em cũng khó có thể đến trường khi dịp hè khép lại.
Bà Đậu Thị Huyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hải rưng rưng khi nói về tình cảnh đầy bi đát, cám cảnh của bé Huyền và gia đình em: "Thật tội nghiệp cho gia đình cháu Huyền. Hôm trước tôi đại diện cho chính quyền, đoàn thể trong xã ra thăm bố các cháu nơi bệnh viện. Tình cảnh của bố các cháu là quá nguy kịch, sống thực vật, bác sĩ thông tin chấn thương quá nặng. Việc chữa trị còn kéo dài, nên hoàn cảnh gia đình sẽ còn rất nhiều khó khăn".
Bà Huyền cho biết, để sẻ chia với vợ chồng anh Danh và 5 cháu nhỏ, chính quyền địa phương đã phát động địa phương, các nhà hảo tâm chung tay góp sức hỗ trợ các cháu. Tuy nhiên, số tiền đóng góp, giúp đỡ không đáng kể, chỉ hỗ trợ được một phần khó khăn trước mắt.
Bà Đậu Thị Huyền trao hộp sữa của một người dân gửi cho đứa con út 5 tháng tuổi khát sữa do mẹ phải chăm bố đang gặp nạn nguy kịch.
"Hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng anh Danh, 5 cháu nhỏ thật sự quá khó khăn. Địa phương mong rằng qua Nhịp cầu nhân ái của báo Dân trí, các nhà hảo tâm mở rộng vòng tay yêu thương, hãy cùng chia sẻ, che chở, giúp cứu lấy sự sống của người bố cho 5 con thơ, giúp những đứa trẻ bớt đi cảnh lay lắt, đói khát...".
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/thuong-5-dua-tre-song-lay-lat-doi-khat-sau-ngay-bo-gap-nan-nguy-kich-20200812195523091.htm?fbclid=IwAR1Yqm9Ane5bXN2rBArvGu6S3gFzlNk0fmXwssEZJNIkJt7xQo-U9Eejlc4