Nghĩa tình muối mặn đằm thắm hương vị món nhút

Thứ tư - 21/07/2021 13:38
Những ngày này, người dân TP.HCM đang phải gồng mình trong đại dịch COVID-19, khi mỗi ngày xuất hiện hàng nghìn ca bệnh. Hướng về miền Nam, người dân Hà Tĩnh đang sôi nổi phong trào “nhường cơm, sẻ áo”, cùng đồng hành với người dân thành phố mang tên Bác vượt qua đại dịch.
820210721009
820210721010
 Người dân Hà Tĩnh chung tay quyên góp, ủng hộ nhân dân miền Nam phòng chống dịch Covid-19.

Trời Hà Tĩnh đang nắng như “đổ lửa”, thế nhưng khi nghe loa phát thanh của thôn, xã, thông báo lời kêu gọi quyên góp, ủng hộ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19, người dân các xã miền núi huyện Hương Sơn hưởng ứng nhiệt tình ngay. Những quả bí, đu đủ, buồng chuối xanh ngon nhất trong vườn được người nông dân chọn hái; vào nhà đong thêm ít gạo quê, dăm cân lạc (đậu phộng) để mang ra UBND xã gửi vào miền Nam.

Không tự trồng được rau củ, các thầy, cô giáo, công nhân viên chức của huyện Hương Sơn sáng kiến bằng việc đóng góp ngày lương, trực tiếp đi mua nguyên liệu và tự tay chế biến món cá khô rim lạc, đóng gói trong hộp để gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo của các cô giáo, đóng thành hộp cá khô rim lạc với lời nhắn gửi yêu thương “Thành phố Hồ Chí Minh ơi, cố lên! Chiến thắng đại dịch COVID-19” bốc lên xe tải chuyển vào miền Nam.

Những chị em vùng nông thôn với truyền thống canh tác nông nghiệp, đã dùng những sản phẩm trong vườn nhà để chế biến những sản phẩm truyền thống bao đời để lại…

Món Nhút, nói ra với người chưa từng ăn thì họ khó nhớ, nhưng chắc rằng mỗi khi đã ăn khó quên.
 
820210721011
820210721012
 Cùng với các nhu yếu phẩm khác, món nhút được bà con đựng trong các bình nhựa 3-5 lít để chuyển vào Nam.
 
820210721013
 Bằng cả tấm lòng, người dân xã miền núi Hương Sơn chế biến sản phẩm truyền thống bao đời gửi vào cho đồng bào miền Nam cũng như cho những người con Hà Tĩnh xa quê đang chống chọi với đại dịch.

Người Hương Sơn chế biến món nhút từ nguyên liệu chính là mít. Người ta lấy trái mít xanh sắp đến tuổi chín, gọt vỏ, xử lý nhựa rồi dùng dao bén băm, cắt xung quanh. Băm, cắt đến đâu, tách hạt ra đến đó rồi ngâm nguyên liệu vào nước muối pha loãng để giữ màu sắc, hương vị. Rau mít sau khi sơ chế có màu trắng vàng, trộn với các loại gia vị theo bí quyết gia truyền rồi cho vào hũ, muối như muối dưa. Sau khoảng 1 tuần, sẽ cho thành phẩm được gọi là "Nhút". Nhút dậy mùi thơm mát dịu, vị chua, cay, mặn, ngọt… hấp dẫn. Nhút xào với nước chấm cua đồng là ăn kèm cùng rau thơm, lá Canh giới…món ăn dân dã. Về Hương Sơn, vào bất cứ quán ăn, nhà hàng nào cũng không thể thiếu các món từ Nhút.! và trở thành món quà quê, ai về quê hương lúc ra đi cũng mang theo làm quà cho người thân.

Chia sẻ về lí do bằm nhút gửi về miền Nam chống dịch, chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Hàm Giang, xã Sơn Hàm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) nói: "Ngàn đời nay người dân Hà Tĩnh chống đói bằng nhút mít, nhờ vị mặn và chua thanh nên rất có tác dụng trong tăng cường sức đề kháng. Thường, mỗi khi cảm cúm thường chỉ cần một nắm nhút chấm nước mắm ớt hoặc nấu bát canh chua ăn vào đỡ hẳn nên chúng tôi tin nhút sẽ có ích trong phòng chống dịch. "Ăn chưa quen không vấn đề gì, chỉ cần ăn một lần là ứng cái bụng ngay".
 
820210721014
 "Nhút" là sản phẩm mang đậm hương vị đặc biệt, là tình yêu của người dân Hà Tĩnh gửi gắm với niềm tin miền nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.
 
Nhút được đựng trong các bình nhựa loại 3-5 lít, xếp chồng cao ngất. Cùng với đó là rất nhiều loại hàng nông sản như: Gạo, nếp, đậu, lạc, bầu, bí, khoai, chuối xanh… do bà con trong xã gom góp, đóng gói, tập kết lên UBMTTQ huyện để chuyển vào miền Nam. Những gia đình có bí quyết làm nhút ngon nhất được huy động để làm. Bà con tập trung ở từng thôn, làm suốt ngày đêm làm cẩn thận, tránh để hàng hóa hư hỏng…cho kịp để vận chuyển vào Nam.

Bầu không khí của tình nghĩa đồng bào lúc hoạn nạn, khó khăn thật đáng trân quý. Người dân Hương Sơn có câu “Ai về Hương Sơn qua cầu Linh Cảm/ Vị nhút ngọt đằm hương vị tình thân…” là hai câu ca dao của người quê, lạc quan về hướng phát triển du lịch ẩm thực Hương Sơn. Cũng như vùng miền Thanh Chương - Nghệ An có câu “Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà…”. Qua hoạn nạn, khó khăn, nhịp sống lại rộn vang thanh âm sinh sôi, tình nghĩa…

Thế hệ những người sinh ra, lớn lên trong thời bao cấp ở làng, ai cũng quen với hình ảnh hũ cà, vại nhút trong nhà. Đời sống nhà nông khó khăn, người ta phải muối cà, muối nhút làm nguồn thức ăn dự trữ quanh năm. Tuổi thơ tôi những mùa lụt lội, từng chứng kiến ông bà, chú bác, khi lũ vào nhà có thể bỏ nhiều thứ, nhưng không thể bỏ hũ cà, vại nhút gánh gồng lên núi chạy lũ. Núi che bão, ngăn giông. Núi là ngôi nhà chung cho bà con những mùa chạy lụt. Các thế hệ con người từ chân núi sinh ra, uống nước khe suối, ăn sắn khoai trồng trên núi mà lớn lên, tựa dáng núi mà trưởng thành, ngóng đỉnh núi mà nuôi đạo học… Sống nhờ núi, thác về lòng núi!...

Đã bao năm rồi, khi quê tôi gặp thiên tai, lũ lụt, hàng ngàn gia đình đói ăn, thiếu mặc, luôn được đồng bào miền Nam mở rộng vòng tay nhân ái, sẻ chia. Hàng cứu trợ từ miền Nam gửi ra. Những đoàn người, xe từ miền Nam tìm về. Từ cơm ăn, áo mặc, từ trang giấy học đường đến tấm tôn lợp nhà, từ cụ già đến trẻ thơ ai ai, đâu đâu cũng mang nặng ân nghĩa đồng bào miền Nam…Nay, Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam đang bước vào "cuộc chiến" khốc liệt chống đại dịch Covid-19.

Trong lòng miền Nam ruột thịt cũng đang có hàng vạn con em có gốc gác từ các làng quê bên bờ sông Ngàn Phố, dưới chân núi Nầm huyền thoại. Trong hơn 90 tấn hàng gói ghém thương yêu chuyển vào miền Nam đợt này, có cả làn trong veo của nước sông Ngàn Phố, có vị ngọt đằm của mít Hương Sơn, có hương thơm ngát của kẹo Cu đơ bên vị trà thơm Tây Sơn, Nước Sốt… Và cao hơn cả, đáng trân quý hơn cả, đó là ân nghĩa đồng bào và niềm tin tất thắng!

Những chuyến xe chở hàng hỗ trợ đồng bào miền Nam đã bắt đầu lăn bánh. Bà con lại sẵn sàng tiếp tục cho những chuyến hàng tiếp theo hướng về miền Nam ruột thịt.
QUỐC THÁI - PHI LONG
Theo thoivietbao.vn
 
Link gốc: https://thoivietbao.vn/nghia-tinh-muoi-man-dam-tham-huong-vi-mon-nhut-d150288.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây