Thị trường chuyển nhượng chưa chính thức mở cửa, nhưng đã sôi động dần lên về cuối mùa. Các cầu thủ trong diện chuẩn bị hết hợp đồng cũng vì thế mà trở thành mục tiêu cho nhiều thương vụ. Với các tuyển thủ của đội tuyển quốc gia, họ càng được quan tâm, bởi giá trị về chuyên môn đã được thể hiện.
|
Huy Hùng sẽ có đội bóng mới ở mùa giải 2020? Ảnh: Thuận Thắng. |
4 tuyển thủ sắp hết hợp đồng
Chỉ tính riêng thành phần đội tuyển Việt Nam ở 2 trận đấu gặp Malaysia và Indonesia, có tới 4 cầu thủ trong diện được nhiều CLB săn đón bởi hợp đồng sắp tới ngày hết hạn.
Đức Huy sau mùa giải 2019 sẽ có hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời khi đủ 25 tuổi, theo điều khoản đã ký với CLB Hà Nội. Anh cũng là cầu thủ được đánh giá cao nhất trong nhóm này khi thường xuyên được HLV Park Hang-seo trọng dụng.
Một số đội bóng đã đánh tiếng việc chiêu mộ Đức Huy. Tuy nhiên, anh từ chối trả lời cụ thể. "Hợp đồng của tôi với CLB Hà Nội tới cuối năm sẽ hết hạn. Cá nhân tôi ưu tiên ở lại đội bóng. Tuy nhiên, nhiều biến số khác có thể xảy ra. Lúc này, tôi sẽ tập trung vào 2 trận tại cúp quốc gia trước", Đức Huy úp mở về việc thương thảo.
Huy Hùng, Tuấn Mạnh và Nguyên Mạnh nhiều khả năng cũng sẽ chọn đội bóng mới sau mùa này. Trước đó, Tuấn Mạnh gia hạn thêm một năm với CLB Khánh Hòa sau khi có ý định ra đi.
Năm 2018, anh trở thành mục tiêu của Viettel, Đà Nẵng và Bình Dương. Giá trị hợp đồng được đồn đoán lên tới 1,5 tỷ mỗi mùa. Giữa mùa này khi được đề cập về vấn đề chuyển nhượng, Tuấn Mạnh trả lời Zing.vn: "Trước mắt, tôi muốn giúp đội bóng trụ hạng thành công. Sau đó, việc đi hay ở còn tùy duyên. Lúc này, tôi bỏ đội bóng từng cưu mang mình là không đẹp".
Thủ thành gốc Thanh Hóa được coi là công thần ở đội bóng phố biển. Anh cũng có ơn nghĩa sâu nặng với CLB Khánh Hòa, nhưng đây là thời điểm thủ môn của đội tuyển quốc gia tính đến chuyện chấm dứt mối lương duyên này. Nhiều khả năng anh sẽ đầu quân cho CLB Đà Nẵng với giá trị không nhỏ hơn con số một năm trước được đồn đoán.
Thủ môn có chất lượng tốt khác tại V.League là Nguyên Mạnh, gần như chắc chắn chia tay SLNA. Điểm đến tiếp theo có thể là Viettel, nơi có những đồng đồng đội cũ Trọng Hoàng và Quế Ngọc Hải. Vài thông tin khác lại cho rằng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ tìm mọi cách đưa Nguyên Mạnh về cho V.League 2020.
Huy Hùng cũng là cái tên xứng đáng được nhắc đến. Sau thời gian dài gắn bó với nhà cựu vô địch Quảng Nam, tiền vệ gốc Đông Anh, Hà Nội đang muốn tìm bến đỗ mới.
Hồ Khắc Ngọc có thể sẽ chia tay SLNA khi mùa giải kết thúc. Ảnh: Lê Minh. |
Thị trường chuyển nhượng sôi động
Theo Quy định về Địa vị pháp lý và Chuyển nhượng cầu thủ của FIFA (2016), cầu thủ có quyền tự do đàm phán và ký hợp đồng với CLB khác trong vòng 6 tháng trước khi hợp đồng hiện tại hết hạn. Đó cũng là lúc các đội bóng chạy đua nhằm có chữ kỹ của cầu thủ mình mong muốn.
Thị trường chuyển nhượng sẽ thực sự sôi động ở giai đoạn mở cửa và tiếp nhận đăng ký thi đấu từ các CLB. Để được cấp phép thi đấu, CLB và cầu thủ bắt buộc phải có hợp đồng lao động đúng luật và quy định của từng giải đấu.
Cùng với quy định về thời gian, chất lượng cầu thủ ở giai đoạn tới cũng góp phần cho cuộc chay đua trở nên thú vị và sôi động hơn. Rất có thể, nhiều "bom tấn" sẽ được công bố.
SLNA có khoảng 10 cầu thủ hết hạn hợp đồng. Thời gian gần đây, đội bóng này vẫn được coi là nguồn cung cấp cầu thủ nội chất lượng cho V.League và nhiều khả năng đội bóng của HLV Đức Thắng chỉ giữ lại một vài cái tên thực sự phù hợp với túi tiền và tính toán của CLB.
Hồ Khắc Ngọc cùng Nguyên Mạnh được cho là sẽ đầu quân cho Viettel. Bên cạnh đó, Đình Hoàng, Đình Đồng, Văn Bình đang có những tính toán khác nhau cho chặng đường sắp tới.
Thủ môn Phí Minh Long có thể sẽ "nam tiến" và khoác áo CLB Quảng Nam. HLV Vũ Hồng Việt là thầy cũ của anh, và việc hai người tái hợp có thể là phương án tốt để cựu thủ môn U23 Việt Nam tìm lại phong độ.
Tại V.League, 2 điều khoản quan trọng là tiền lót tay và lương tháng. Tiền thưởng (ghi bàn, kiến tạo, đội thắng... ) đã có quy định chung, tùy theo điều kiện mỗi đội.
Đó cũng là yếu tố khiến thị trường sôi động hơn, khi các cầu thủ có nhiều lựa chọn hơn và thúc đẩy cuộc chạy đua tìm về những cầu thủ chất lượng cho đội bóng.
Trọng Hoàng chấp nhận trái đắng từ SLNA khi về Viettel. Ảnh: Kiệt Trần. |
Tiền bạc quyết định tất cả?
Có thể nói tiền lót tay đóng vai trò quyết định tới thành công của bản hợp đồng. Tâm lý của hầu hết cầu thủ đều muốn có "của để dành", bởi một cầu thủ chuyên nghiệp thông thường không có nhiều lần chuyển nhượng.
Trao đổi về giá trị mong muốn ở hợp đồng mới, Đức Huy trả lời: "Tôi nghĩ làm sao để hài hòa lợi ích giữa đôi bên là được. Cầu thủ nói chung cũng cần được đảm bảo tương xứng với trình độ và đóng góp".
Hồi đầu mùa, Trọng Hoàng được đăng ký giai đoạn một ở SLNA. Anh thiết tha trở về đội bóng quê hương và hai lần chấp nhận giảm lương cùng lót tay. Cuối cùng, cầu thủ chạy cánh chịu quả đắng phải ngồi ngoài 13 vòng đấu khi không đạt thỏa thuận về kinh tế và đầu quân cho Viettel.
Để đi đến quyết định thiệt thòi cho bản thân, Trọng Hoàng gần như không còn lựa chọn khi những chia sẻ của mình về mặt kinh tế với đội bóng quê hương đã tới giới hạn. "Hai bên không tìm được tiếng nói chung sau 2 lần tôi đồng ý chia sẻ khó khăn với đội bóng. Vậy nên, tôi quyết định về CLB Viettel”, Hoàng nói.
Trường hợp khác tương tự Trọng Hoàng là Tuấn Mạnh. Cựu thủ môn HAGL được Khánh Hòa cưng chiều trong nhiều mùa giải. Vợ anh cũng đang làm việc tại đơn vị tài trợ cho đội bóng.
Bởi vậy, khi hết hợp đồng vào cuối mùa giải 2018, Tuấn Mạnh lăn tăn mãi về việc nên đi hay ở. Cuối cùng, anh chấp nhận hy sinh quyền lợi về kinh tế để có sự ổn định cùng gia đình và cũng là trả ơn cho đội bóng phố biển với việc gia hạn một năm.
Tuy nhiên, đến nay, Tuấn Mạnh gần như sẽ ra đi, chứ không gắn bó thêm với Khánh Hòa.