Nhiều khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão trên Biển Đông

Thứ hai - 12/10/2020 15:12
Ngày 12-10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng rất cao mạnh lên thành bão số 7 vào trưa hoặc chiều nay. Trong khi đó, tại vùng biển Nam Philippines đang có vùng thấp, khoảng ngày 15-10 sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới gây thời tiết xấu trên biển.
T2020101107 1
Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp. Ảnh: Bích Nguyên

Sáng 12-10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và tình hình mưa, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9, cấp 10

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, 7 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Hiện nay, khả năng mạnh lên thành bão trong ngày 12-10. Sau đó cơn bão này giữ hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km-20km. Đến 7 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 111,0 đến 118,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Đến 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
 
T2020101107 2
Hình ảnh tàu cá còn hoạt động trên biển từ hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Bích Nguyên

Cũng theo ông Lâm, bộ phận không khí lạnh vẫn đang duy trì nhiều ngày nay với cường độ ổn định ở phía Nam Trung Quốc. Do đó, sự tương tác giữa các hình thái thời tiết hiện tại sẽ khiến diễn biến của bão số 7 tương đối phức tạp.

Có 2 kịch bản, thứ nhất, bão đi chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và qua đảo Hải Nam xuống vịnh Bắc Bộ. Do không khí lạnh và sự tương tác với đảo Hải Nam, bão số 7 sẽ có quỹ đạo và diễn biến về cường độ khó lường, lúc đổi tâm, lúc thì thay đổi về cường độ.

Khả năng thứ 2, thấp hơn một chút. Đó là nếu không khí lạnh được bổ sung mạnh hơn, sớm hơn thì khả năng bão số 7 sẽ đi vào phía dưới vào đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ. Với khả năng thứ hai này thì ảnh hưởng mưa của Trung Bộ sẽ nhiều hơn. Kịch bản thứ nhất thì mưa ở Đồng bằng Bắc Bộ sẽ nhiều hơn.

Với tình huống hiện tại như vậy, chúng tôi nhận định khả năng cao vịnh Bắc Bộ sẽ có gió cấp 8, cấp 9, không loại từ cấp 10, gió giật cấp 11. Trong 2 ngày tới, vùng Trung Bộ vẫn mưa, mở rộng ra Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to. Khi bão vào gần bờ, mưa sẽ tập trung ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
 
T2020101107 3
Dự kiến hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7. Ảnh: Bích Nguyên

Trong khi đó, trên phía Nam Philippinnes đang có vùng thấp, khoảng ngày 15-10 sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó có khả năng mạnh lên thành bão. Cơn bão này kết hợp với không khí lạnh và địa hình Trung Bộ sẽ gây mưa rất lớn ở khu vực Trung Bộ.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết , các đơn vị Biên phòng đang triển khai kêu gọi, thông báo cho các tàu thuyền biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7. Trong đó, BĐBP đã kêu gọi, hướng dẫn 139 tàu thuyền tại khu vực Hoàng Sa tiếp tục neo đậu tránh trú bão số 6, tiếp tục neo đậu, không được ra biển để khai thác. BĐBP các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đã yêu cầu chủ các tàu, thuyền neo đậu tại bến không cho tàu ra hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.
 
T2020101107 4
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng báo cáo đang triển khai các biện pháp kêu gọi tàu thuyền tránh trú áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Ngọc Hà

Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Bộ

Ông Lâm cho biết, đêm qua, tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn mưa rất to, trong 6 tiếng đã lên tới 200mm. Nhận định hiện Quảng Trị tình hình lũ vẫn đang rất nguy hiểm. Khả năng trưa và chiều nay, nước sông Thạch Hãnh lên 7,4m vượt lũ lịch sử năm 1999 (7,29m).

Mưa sẽ tập trung vào ngày hôm nay, 12-10, sau đó giảm dần. Theo dự báo sau khi bão số 7 vào vịnh Bắc Bộ, miền Trung sẽ có mưa to trở lại vào ngày 15 và 16-10. Và ngày 17, 18-10 sẽ là cao điểm mưa.

Ngày 11-10, mưa ở khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi đã giảm, tuy nhiên, đêm qua mưa đã gia tăng tại khu vực này, tập trung chủ yếu ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, phổ biến từ 300-400mm.

Theo cơ quan khí tượng, từ ngày 12 đến 13-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến: Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 200-400mm, có nơi trên 500mm; các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng từ 100-200mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng từ 80-150mm.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, lũ trên các sông ở miền Trung vẫn đang ở mức cao và được dự báo sẽ tiếp tục lên. Trong đó, lũ trên các sông Thừa Thiên Huế dao động ở mức cao và lên chậm; các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Quảng Ngãi, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống. Lũ trên sông Đắkbla tại Kon Tum đã đạt đỉnh là 521,16m (20 giờ ngày 11-10), dưới báo động 3 0,34m và đang xuống.

Trong khi đó, tính đến sáng 12-10, vẫn còn 176 xã, phường/94.277 hộ bị ngập (giảm 30 xã, phường/14.757 hộ so với ngày 10/10), độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m, cá biệt có nơi ngập sâu đến 3m (Quảng Bình 32 xã; Quảng Trị 80 xã; Thừa Thiên Huế 54 xã/phường; Đà Nẵng 10 xã/phường, Quảng Nam 16 xã).
 
T2020101107 5
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết lũ tại miền Trung nhất là Quảng Trị vẫn rất căng thẳng. Ảnh: Bích Nguyên

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng còn kéo dài, đặc biệt tại: Quảng Bình (Lệ Thủy, Quảng Ninh); Quảng Trị (Đắkrông, thị xã Quảng Trị); Thừa Thiên Huế (Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà); Quảng Nam (Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, TP Tam Kỳ); Quảng Ngãi (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi).

Tổ chức nhắn tin cảnh báo mưa lũ cho người dân

Để chủ động ứng phó với nhiều hình thái thiên tai phức tạp ảnh hưởng trên phạm vi rộng, trên các tuyến biển, đồng bằng và miền núi; áp thấp nhiệt đới trên biển đông có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Ông Trần Quang Hoài đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, tình hình mưa lũ đặc biệt thông tin kịp thời và cụ thể hơn tại các địa phương có thể bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó.
T2020101107 6
BĐBP Thừa Thiên Huế giúp người dân di chuyển tới nơi an toàn để tránh lũ. Ảnh: Khắc Giáp

Đối với tuyến biển và ven bờ, ông Hoài yêu cầu Tổng cục Thủy sản thông tin cho các địa phương tiếp tục thông tin hướng dẫn, kiểm đếm các tàu thuyền về diễn biến áp thấp nhiệt đới để đảm bảo an toàn; hướng dẫn chỉ đạo địa phương và các cơ quan chuyên môn có giải pháp đảm bảo an toàn cho các khu vực nuôi trồng thủy sản, sơ tán người dân ở trên các chòi canh, lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy hải sản.

Có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân và khách du lịch tại khu vực ven biển, khu du lịch, các đảo và ven biển. Xem xét việc tổ chức cấm biển.

Bộ Giao thông vận tải thông tin, giám sát hoạt động đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải, tàu vãng lai ở các cửa sông, cửa biển.

Bộ Ngoại giao theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các nước trong khu vực để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú đảm bảo an toàn.

Đối với khu vực đất liền, cần đảm bảo an toàn cho người dân, tăng cường theo dõi thông tin và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc y tế cho người dân tại các khu vực sơ tán.

Bố trí lực lượng kiểm soát, phân luồng, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy siết khi mưa lũ.

Chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu.

Giám sát, hướng dẫn các địa phương đảm bảo vận hành xả lũ theo quy định, đặc biệt cần quan tâm tới các hồ chứa thủy điện nhỏ, kiểm tra rà soát vận hành các liên hồ chứa bao gồm 10 liên hồ chứa khu vực miền Trung và hệ thống liên hồ chứa lưu vực sông Hồng. Cần thông tin kịp thời cho hạ du khi xả lũ.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ về trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cần tổ chức nhắn tin thông tin hướng dẫn, cảnh báo tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới tới người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bích Nguyên

Theo bienphong.com.vn


Link gốc: https://www.bienphong.com.vn/nhieu-kha-nang-xuat-hien-lien-tiep-2-con-bao-tren-bien-dong-post433951.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây