Đêm đó, tin sập dàn giáo khiến hàng chục người chết và bị thương đổ về, cả Hà Tĩnh rúng động, cánh báo giới rúng động, tìm mọi cách vào Fomosa tiếp cận hiện trường để đưa tin. Nhưng có một sự thật là báo chí không thể tiếp cận hiện trường, ngoài cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu thương.
“Chỉ còn một cách” – Duy Tuấn, báo Vietnamnet nói và gọi người bạn của chúng tôi: Bùi Tân, được mệnh danh là “người vận chuyển cấp cứu”.
Đúng lúc Tân đang nhận lệnh chạy xe cứu thương chở bác sỹ, y tá và trang thiết bị vào ngay hiện trường vụ sập dàn giáo để ứng cứu người bị nạn. Tôi, Duy Tuấn, Minh Thùy – Báo Tiền phong nhảy lên thùng xe cứu thương do Tân điều khiển, nhoáng cái đã vào đến hiện trường.
Bùi Tân - "Người vận chuyển cấp cứu" trong lần trả lời phỏng vấn của VTV.
Xe cứu thương được ưu tiên vào tận nơi để cứu người, vận chuyển người đi cấp cứu. 3 phóng viên chúng tôi trở thành 3 người làm báo đầu tiên, có mặt sớm nhất ở hiện trường để chụp ảnh, đưa tin, khiến ai cũng ngỡ ngàng không hiểu cách gì để 3 chúng tôi vào được tận đây.
Hay như tác nghiệp tại sự kiện lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Tại khu vực Vũng Chùa, báo chí rất khó để có vị trí thuận lợi để tác nghiệp, tôi cũng tìm cách bám theo xe cứu thương của Tân, khi Tân được Sở y tế Hà Tĩnh điều động lái xe cứu thương vào Quảng Bình để hỗ trợ sự kiện.
Trước đó và sau này, thêm rất nhiều lần nữa, tôi “bí mật” xin theo xe cứu thương của Tân để tiếp cận hiện trường một số vụ việc mà có người bị thương, cần cấp cứu. Từ những chuyến Tân đi theo “lệnh” chạy xe cứu thương, hay những chuyến Tân chạy xe tự nguyện, khám chữa bệnh thiện nguyện ở biên giới hay vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào lũ lụt…. Những chuyến “bám càng” như thế, người làm báo như tôi luôn dễ có được thông tin, hình ảnh sớm nhất, nóng hổi nhất.
Một buổi phát cơm miễn phí do Phòng công tác xã hội Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.
Tân đến với “nghề” vận chuyển cấp cứu cũng như một cơ duyên, khi ban đầu chỉ là một nhân viên hành chính ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, lại có bằng lái xe, đủ điều kiện lái được xe cứu thương.
Tân lại là một tay lái cứng cựa, cộng với một thần kinh thép, phản xạ nhanh nhẹn của một tay thể thao cừ khôi… Tân bén duyên với lái xe cứu thương từ đó.
Cũng từ đó, tuyến QL 1A từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, đến các Bệnh viện tuyến Trung ương, Tân có thể “nhắm mắt đi cũng tới”.
Tân vẫn hay tâm sự: “Phải rèn, phải nhớ, phải quen, phải nhắm mắt cũng biết được cung đường đó như thế nào, để chạy xe chở người ra Hà Nội cấp cứu ngoài việc nhanh, kịp thời, còn phải đảm bảo an toàn. Chậm 1 phút là người bệnh nguy 1 phút. Nhưng sơ sẩy 1 chút, là không chỉ người bệnh gặp nguy”.
"Người vận chuyển cấp cứu" trong một lần phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Tân có vẻ ngoài xù xì, nhưng tấm lòng rất mượt, hay thương người! Ngày còn chạy xe cứu thương cho bệnh viện, chuyện Tân móc tiền túi ra cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân phải ra Hà Nội điều trị là chuyện bình thường, nếu như thấy họ nghèo quá, khổ quá, Tân không bao giờ tiếc đồng tiền cuối cùng của mình.
Chuyện Tân kêu gọi, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng trở nên quen thuộc. Nhất là khi Tân được chuyển sang công tác tại phòng công tác xã hội của Bệnh viện tỉnh. Tân đã cùng đồng nghiệp thiết kế, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đến với bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện, từ cắt tóc miễn phí, bát cháo tình thương, hay những bữa cơm bồi dưỡng cuối tuần, cuối tháng, những dịp lễ, tết… Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh luôn có những chương trình làm ấm lòng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Gia đình cháu Trần Thị Hồng Khuyên ở Can Lộc được Tân vận chuyển miễn phí vào Bệnh viện TW Huế để điều trị.
“Nghiệp” vận chuyển cấp cứu gần như định mệnh gắn liền với Tân, để rồi mới đây, Tân đã đồng hành lập nên Công ty TNHH cấp cứu Hà Tĩnh, với cơ sở vận chuyển cấp cứu Thành Sen đã được Sở y tế Hà Tĩnh cấp phép.
Cơ sở vận chuyển cấp cứu Thành Sen có 8 đầu xe với đội ngũ y, bác sỹ lành nghề, trang thiết bị y tế hiện đại, cùng dàn lái xe thiện chiến này là cơ sở vận chuyển cấp cứu thứ 2 được cấp phép tại Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân tại nhà, vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu, cũng như sẵn sàng tham gia các chuyến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân thiện nguyện ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.
Ngày khai trương, tôi không nhận ra Tân – “người vận chuyển cấp cứu” với áo trắng sơ mi, bỏ thùng đĩnh đạc, bởi tôi đã quen với hình ảnh bạn tôi trong trang phục đời thường, luôn sẵn sàng lao vào những “điểm nóng” để vận chuyển người đi cấp cứu nhanh nhất.
Link gốc: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/nguoi-van-chuyen-cap-cuu-va-ky-niem-2-lan-vao-diem-nong-99079.html