Đó là lối về chầm chậm mà sâu sắc của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong (TNXP). Đó là lối về đầy náo nức nhưng rất lặng lẽ của thế hệ trẻ. Và ở đó cũng có một lối về thâm trầm, nhưng đầy tha thiết của những tấm lòng thiện nguyện…
Đồng Lộc linh thiêng - Muôn triệu trái tim hướng về.
Ký ức linh thiêng
50 năm đã trôi qua kể từ những trận đánh ác liệt của giặc Mỹ, những dấu tích đau thương của chiến tranh đã dần mờ phai trên những toạ độ lửa năm xưa nhưng trong ký ức người lính đã từng sống và chiến đấu ở đây thì tất cả đã trở thành cuốn phim âm bản.
Với vị trí chiến lược quan trọng nối hậu phương và tiền tuyến miền Nam, Đồng Lộc đã bị Mỹ biến thành “tọa độ chết” hòng cắt đứt huyết mạch giao thông của quân và dân ta. Tại đây, không kể ngày đêm, đế quốc Mỹ đã ném xuống 42.900 quả bom phá, 12.000 bom từ trường, 96 bom bi các loại và 94 quả rốc két.
Đáp trả lại hành động dã man đó, quân và dân ta đã ngày đêm chiến đấu anh dũng, bắn rơi 9 máy bay Mỹ, phá 1780 quả bom, hiến hàng trăm ngôi nhà, góp hàng ngàn ngày công để thông đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong 8 năm liền (1964 - 1972), góp phần quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cũng tại đây hàng trăm chiến sỹ bộ đội, TNXP đã hy sinh anh dũng để đất nước này ghi danh như anh hùng La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tiến Tuẩn, Uông Xuân Lý…
Đặc biệt sự hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một huyền thoại đáng tự hào của tuổi trẻ Việt Nam. Đau thương, mất mát và sự hy sinh lẫm liệt đã làm nên một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, một ngã ba anh hùng, một ngã ba có máu và hoa…
Trên lối về ký ức Đồng Lộc của mình, bà Thái Thị Cương - Nguyên Bí thư Chi bộ, Tổng đội phó Tổng đội TNXP 55 đã không thể cầm lòng được khi nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ của lực lượng TNXP.
Bà cho biết: “Những ngày tháng ấy, chỉ có bom đạn tránh người chứ người thì không thể nào tránh được bom đạn. Là những người may mắn sống sót, những dịp như thế này, dẫu tuổi cao, sức yếu nhưng những cựu TNXP nơi tuyến lửa Đồng Lộc chúng tôi vẫn động viên nhau trở lại chiến trường xưa, trở về thắp hương cho đồng đội”.
Lối về chầm chậm mà sâu sắc của các cựu chiến binh, cựu TNXP.
Một nửa thế kỷ đã trôi qua, người thanh niên năm xưa nay đã lưng còng, tóc bạc nhưng bà Cương và những TNXP còn sống vẫn nhớ như in những đêm trăng cùng đồng đội đào đường, đào ngầm, phá bom, gỡ mìn trên trận tuyến khốc liệt.
Vẫn không thể quên được những khoảnh khắc bàng hoàng, đau đớn khi mỗi sáng sớm đều phải cần mẫn đi tìm xác đồng đội. Người may mắn thì thi thể còn nguyên vẹn nhưng hầu hết đều trong tình trạng thịt nát, xương tan. Đặc biệt, bà Cương không thể quên được khoảnh khắc tập hợp thi thể 10 nữ anh hùng Tiểu đội 4 - C552 - Tổng đội TNXP 55 ngay sau đêm họ bị bom vùi.
Bà rưng rưng kể: “Mặc dù đã quen với cảnh hy sinh, chết chóc mỗi ngày, đã quen với việc làm lễ truy điệu, chôn cất đồng đội mỗi ngày nhưng việc cả tiểu đội bị bom vùi như thế là điều chúng tôi không ngờ tới. Dẫu vô cùng đau đớn nhưng chúng tôi vẫn phải nén đau thương để an táng các chị em chu đáo. Sau khi tìm được chị Cúc, chúng tôi lấy vải trắng bọc thi thể các chị lại và xếp cạnh nhau. Đó là hình ảnh đau thương mà vô cùng vĩ đại đã khắc sâu trong ký ức chiến trận mà mãi mãi trong cuộc đời này tôi không thể nào quên được”.
Ở đâu trên suốt tuyến lửa Đồng Lộc này cũng đậm dấu tích chiến tranh. Dầu thời gian và vạn vật có thể xoá nhoà hay phủ lấp thì trong ký ức người lính vẫn không bao giờ mất đi được.
Vẫn còn đó trong tâm tư đồng đội một cầu Tùng Cóc đầy hiểm nguy, nơi các chiến sỹ TNXP kiên cường bám trụ, ghi dấu sự hy sinh lẫm liệt của anh hùng Võ Triều Chung. Vẫn chưa phai dấu một cầu Tối nơi câu chuyện về sự hy sinh của hai dũng sĩ phá bom Lê Đăng Dương và Phan Văn Tài còn thầm thì trong từng mạch đất, ngọn cây…
Và nhiều, nhiều không kể xiết những sườn đồi, thửa ruộng, những tuyến đường suốt từ ngã ba Lạc Thiện qua Đồng Lộc đến Khe Giao, lên ngã ba Thình Thình… đâu đâu cũng thấm đẫm máu xương của những người đã nguyện hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Muôn triệu trái tim hướng về
Có một Đồng Lộc anh hùng trong quá khứ nên ngày nay mới có một Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc linh thiêng và huyền thoại. Đó là nơi đi về tri ân, học tập của muôn triệu trái tim các thế hệ trẻ Việt Nam; là địa chỉ tham quan của rất nhiều bạn bè quốc tế.
Đó cũng là địa chỉ đỏ để những tấm lòng thiện nguyện tỏ bày niềm biết ơn, sẻ chia khó khăn với những cựu TNXP, với thân nhân các anh hùng liệt sỹ. Và như thể, ở đây luôn có một dòng chảy linh thiêng mơ hồ đưa chân những con người đến với Đồng Lộc. Để những bước chân ấy, dẫu với mục đích gì cũng đều rất lặng lẽ, rất chân thành và cung kính.
Đồng Lộc linh thiêng một huyền thoại.
Chia sẻ với phóng viên, Anh Trần Đình Ước – Trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Trong những dịp như thế này, chúng tôi phải đón một lượng khách vô cùng lớn. Từ sáng sớm đến chiều hôm không lúc nào ngớt khách. Mặc dù đông và rất nhiều thành phần từ trẻ nhỏ đến người già, từ cán bộ công chức đến lao động tự do, từ lực lượng vũ trang đương nhiệm đến cựu chiến binh… nhưng tất cả đều một lòng cung kính, biết ơn sâu sắc. Chưa bao giờ ở Đồng Lộc xảy ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự. Ngược lại, nhiều người đến Ngã ba Đồng Lộc rồi cứ lưu luyến mãi. Và những cảm xúc khi viếng mộ 10 cô gái, khi tiếp cận với những kỷ vật cũng chính là động lực để họ trở lại đây nhiều lần, thậm chí còn kêu gọi lập quỹ để hỗ trợ, chia sẻ với các cựu TNXP và thân nhân các anh hùng liệt sỹ”.
Hình ảnh Đồng Lộc oai hùng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cũng chính là động lực dựng xây quê hương của thế hệ trẻ. Những toạ độ chết năm nào giờ đây đã vun xanh cây trái. Cùng với công cuộc xây dựng Nông thôn mới, nhân dân các xã Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc, Trung Lộc… đang nỗ lực học tập và lao động để đánh thức tiềm năng, lợi thế của núi đồi miền Trà Sơn.
Những hố bom năm xưa nay đã được san bằng, thay vào đó là những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Chưa thực sự giàu có nhưng những mùa vàng bội thu, những đồi cây ăn quả sum suê đã chứng minh sức sống bất diệt trên mảnh đất này.
Lối về đầy náo nức nhưng rất lặng lẽ của thế hệ trẻ.
Trên lối về hiện tại, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đang ngày càng được đầu tư tôn tạo, xây dựng thêm nhiều hạng mục, công trình xứng tầm quốc gia. Bên cạnh đó, xã Đồng Lộc cũng được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân.
Những hoạt động ý nghĩa đó không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của hậu thế đối với một thế hệ đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc sinh mạng, nguyện nằm xuống cho đất nước đứng lên mà còn thể hiện quyết tâm dựng xây quê hương của thế hệ trẻ. Rồi đây, thị trấn Đồng Lộc sẽ trở thành trung tâm thương mại của cả vùng Trà Sơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch cho các xã lân cận.
Ông Trần Văn Vương - Bí thư Đảng ủy Đồng Lộc cho biết: “Cùng với việc phát huy tốt vận động nội lực, lãnh đạo xã đã biết khai thác các nguồn lực bên ngoài, đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi như trường học, trụ sở, trạm y tế, đường giao thông.
Chỉ riêng trong đợt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, chúng tôi đã huy động được hơn 70 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục công trình cho Đồng Lộc. Nhờ đó, Đồng Lộc một thời đạn bom càng trở nên đẹp đẽ hơn trong diện mạo mới”.
Thành kính dâng hương trước mộ 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Đồng Lộc – tên gọi một miền quê nay đã trở thành địa chỉ đi về cho muôn triệu người trong và ngoài nước. Ở đó, mỗi ngày, những câu chuyện một thời đạn bom vẫn đang được kể một cách thâm trầm trong tiếng chuông linh thiêng, trong vi vút gió về trên rặng thông, trong trầm mặc khói hương lan toả.
Và ở đó, một câu chuyện mới cũng đang được viết lên bằng bàn tay, khối óc, trách nhiệm của mỗi người con quê hương cách mạng. Để Đồng Lộc mãi mãi là huyền thoại thiêng liêng cho cháu con muôn đời soi mình học tập.
Tác giả bài viết: Tuyết Mây
Nguồn tin: Báo Xây dựng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn