Tượng đài Chiến thắng và Tháp Chuông trong Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: Đức Hùng)
53 năm máu và hoa trên vùng đất lửa
Ngã ba Đồng Lộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được ví là điểm huyết mạch giao thông từ Bắc vào Nam. Nằm giữa lòng chảo của hai ngọn núi là con đường độc đạo đi qua. Trong kháng chiến có hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, với lớp lớp quân đi chi viện cho tiền tuyến. Vì thế khi đánh phá miền Bắc Việt Nam, một vị tướng thuộc hạm đội 7 Mỹ nói: “phải cắt đứt điểm yết hầu Ngã ba Đồng Lộc Bắc Việt mới hết đường chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Nắm được vị trí hiểm yếu như vậy, đế quốc Mỹ liên tiếp tổ chức đánh phá Đồng Lộc suốt ngày đêm với hàng vạn tấn bom đạn. Một số nhà quân sự cho biết mỗi mét vuông đất ở Ngã Ba Đồng Lộc phải hứng chịu trên 3 quả bom. Chỉ tính riêng 240 ngày từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã trút xuống hơn 48.000 quả bom các loại, hòng biến Ngã Ba Đồng Lộc thành một “tọa độchết”.
Với tinh thần bất khuất anh dũng quân và dân nơi đây đã chiến đấu làm thất bại âm mưu của kẻ thù. Tăng cường các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong (TNXP) có những lúc lên tới 16.000 người, với 974.240 lượt ngày công phục vụ chiến đấu, san lấp hố bom. Với phương châm “Địch phá một ta làm mười”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, Hà Tĩnh đã huy động tổng lực về sức người, sức của, tháo dỡ hàng ngàn ngôi nhà ở của dân để lót đường cho xe ra tiền tuyến; vừa giữ vững giao thông thông suốt, vừa sẵn sàng chiến đấu.
Với tinh thần đó, quân dân Ngã Ba Đồng Lộc đã bắn rơi 19 máy bay giặc Mỹ, rà phá 1.780 quả bom từ trường nổ chậm. Trong chiến đấu gian khổ ngoan cường ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ, tên tuổi của họ đã gắn liền với núi sông, đi vào huyền thoại. Đó là “người con gái Sông La” La Thị Tám, chiến sỹ tự vệ giao thông hiên ngang đếm từng loạt bom rơi, lăn xả cắm tiêu; là Anh hùng Vương Đình Nhỏ, Đội trưởng đội rà phá bom mìn; Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, Tiểu đội trưởng, tiểu đội cảnh sát giao thông ngày đêm đội mưa bom, bão đạn phân luồng cho từng đoàn xe ra tiền tuyến; là 10 cô gái TNXP thuộc tiểu đội 4, Đại đội 552, Trung đội 55 TNXP do Võ Thị Tần 24 tuổi làm Tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ của các cô là sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng san lấp hố bom, mở đường cho xe ra tiền tuyến. Ngày bất tử của 10 cô gái là ngày 24 tháng 7 năm 1968, vào lúc 15h30 sau đợt bom thứ 14 khi tiếng bom dứt các chị vội vã xuống đường lao ra san lấp hố bom để giải phóng đoàn xe bị ách tắc vì bom Mỹ. Các chị đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ riêng Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc sau ba ngày đào bới tìm kiếm dưới làn bom đạn, đồng đội đã tìm thấy chị nằm dưới đống đổ nát, 10 ngón tay vẫn còn rớm máu. 10 cô gái Đồng Lộc kiên cường, dũng cảm đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Và còn rất nhiều những gương anh hùng lẫm liệt trong số hơn 4.000 người con anh dũng hi sinh nằm lại nơi mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc này.
Bởi vậy, dù đã 53 năm đi qua, nhưng Ngã ba Đồng Lộc vẫn là địa chỉ đỏ cho hàng triệu trái tim hướng về mỗi dịp tháng 7 tới.
Xanh lên từ đất lửa
Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống mới lại tiếp tục sinh sôi trên “tọa độ chết” năm xưa. Về thăm lại Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chắc những người đã từng đội mưa bom, bão đạn thời ấy sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay của mảnh đất này. Những ngọn đồi cằn trơ sỏi đá, chi chít hố bom năm xưa, bây giờ đã “lợp” kín những mùa hoa trái. Dưới chân những đồi thông xanh ấy là làng nối làng, ruộng nối ruộng trải dài. Từ một vùng đất hoang tàn trong chiến tranh, giờ là cả một quần thể khu di tích lịch sử được xây dựng khang trang với những công trình hiện đại như: Tháp chuông, Tượng đài chiến thắng, Đền thờ, vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc ghi danh 4.000 liệt sĩ TNXP hy sinh trên toàn quốc và Khu mộ 10 liệt nữ TNXP… Và hiện nay, để góp phần tạo nền nếp, gìn giữ sự tôn nghiêm trong khu di tích, hạn chế ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và đảm bảo an toàn giao thông, Ban Quản lý khu di tích đã bố trí bãi đỗ xe miễn phí, hoàn thành 3 cổng vào khuôn viên khu di tích và đưa dịch vụ xe điện vào phục vụ du khách khi đến thăm quan.
Du khách thắp hương tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong. Ảnh chụp ngày chưa bùng phát dịch COVID-19 - Đ.M.P
Ông Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cho biết:
“Nhiều năm nay, Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ tâm linh có sức hút đối với Nhân dân và du khách quốc tế. Ngoài các hạng mục, công trình được cấp ngân sách, nhiều điểm tham quan ở đây được trùng tu, xây dựng nhờ nguồn đóng góp xã hội hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Những tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, lượng du khách về với ngã ba Đồng Lộc giảm hẳn nhưng chúng tôi vẫn cắt cử cán bộ nhân viên túc trực, khói hương và đảm bảo khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Chỉ mong dịch bệnh COVID-19 sớm đẩy lùi để tiếp tục được đón du khách về thăm Ngã ba Đồng Lộc”.
Tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ, kỷ niệm 53 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc sắp đến, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân khắp mọi miền Tổ quốc không về thắp được nén tâm nhang cho những người đã hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, nhưng chắc rằng trong trái tim họ vẫn luôn hướng về đây với niềm thành kính và biết ơn vô hạn./.
Trà Giang - Mai Linh
Theo dangcongsan.vn
Link gốc: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/muon-trieu-trai-tim-huong-ve-dong-loc-585827.html