Mô hình hội quán ở Hà Tĩnh: Gắn kết để phát triển

Thứ tư - 26/08/2020 23:37
Hội quán sản xuất - mô hình thành công ở Đồng Tháp đang được Hà Tĩnh học tập, thí điểm triển khai, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
20200827014
Hội Chế biến thủy hải sản ra đời, đi vào hoạt động, là là cầu nối để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường…
 
Nơi tập hợp các thành viên 3 cùng

Thực hiện chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm 2020, Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh được thành lập và từng bước đi vào hoạt động.

Sau lễ ra mắt, Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh tổ chức sinh hoạt phiên thứ nhất. Tại phiên sinh hoạt, các thành viên đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sau khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Từ 30 thành viên ban đầu, đến nay hội đã kết nạp được 150 hội viên tham gia. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, toàn thể hội viên đã chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tổ chức tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm. Hội còn là nơi để hội viên chia sẻ tâm tư tình cảm, tham gia các hoạt động xã hội.

Hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, là cầu nối giữa hội viên, cộng đồng, với chính quyền, các nhà khoa học, nhà đầu tư và các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường… Đặc biệt, mục tiêu cốt lõi của hội là hỗ trợ nhau duy trì, phát triển cả về số lượng, chủng loại và nâng tầm các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh.

Bà Trần Thị Hà, Chủ nhiệm Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh, cho biết, Hội quán ra đời và đi vào hoạt động trên cơ sở điều lệ, quy chế và các quy định cụ thể, rõ ràng, được bàn bạc, thảo luận và thống nhất cao của các hội viên; là nơi sinh hoạt tự nguyện của những người cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và chế biến thủy hải sản để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau cùng phát triển.

“Với phương châm 3 cùng - “cùng nghĩ”, “cùng làm”, “cùng hưởng”, mục tiêu trong thời gian tới của hội  quán là, xây dựng và đưa thương hiệu chế biến thủy sản Kỳ Anh ngày càng nổi tiếng trong và ngoài nước, cùng nhau "chia sẻ, liên kết - hợp tác", góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng". Thời gian tới, Hội quán sẽ tiếp tục mở rộng, kết nạp thêm hội viên mới, duy trì tốt quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt luân phiên tại các cơ sở…”, bà Hà cho hay.

HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Trung Tiến ở xã Kỳ Khang  có cơ ngơi sản xuất tập trung với diện tích hơn 1.000m2, với hàng trăm bể muối cá, pin năng lượng mặt trời. Sản phẩm nước mắm của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Khi có chủ trương thành lập Hội quán, HTX là một trong những đơn vị sớm đăng ký tham gia.
 
20200827015
Các thành viên Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tổ chức tham gia hội chợ thương mại.

“Việc thành lập Hội quán là chủ trương đúng đắn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy hải sản. Tham gia Hội quán, HTX có thêm nhiều thuận lợi để đạt được mục tiêu đưa sản phẩm vươn xa, đồng thời cũng có điều kiện để sẻ chia những kinh nghiệm, cách làm mới với các cơ sở sản xuất khác”, bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Trung Tiến chia sẻ.

Giúp người nông dân có tầm nhìn đến tương lai

Đến thời điểm này, kết quả từ mô hình Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh mang lại là sự thay đổi của người nông dân, tinh thần “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” đã bắt đầu được lan toả, thay cho sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Người nông dân tin vào chính mình và cùng ngồi với nhau vạch ra kế hoạch, đoàn kết cùng giúp nhau thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, hướng đến xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương nhằm tiếp cận những thị trường giàu tiềm năng thay cho trông chờ mệnh lệnh, kế hoạch từ bên trên.

Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Anh, cho biết, việc thành lập Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh là hướng đi đúng, phù hợp, nhất là trong giai đoạn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh và TX. Kỳ Anh đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng sản phẩm OCOP và nâng tầm sản phẩm OCOP.

Về phía huyện, sẽ phối hợp với TX. Kỳ Anh đồng hành hỗ trợ Hội quán hoạt động đúng điều lệ và phát huy hiệu quả; đồng thời, tiếp tục theo dõi, tổng kết rút kinh nghiệm để từng bước nhân rộng mô hình này vào các lĩnh vực hoạt động khác trong thời gian tới.
 
20200827016
Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh là nơi sinh hoạt tự nguyện của những người cùng chí hướng, cùng đam mê, cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
 
"Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh là nơi sinh hoạt tự nguyện của những người cùng chí hướng, cùng đam mê, cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đây là 1 trong 5 điểm mô hình hội quán của Hà Tĩnh, là kết quả của chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Tháp. Tiếp tục làm lan tỏa giá trị chiều sâu của mô hình Hội quán trong hệ thống chính trị và người dân. Nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội quán theo hướng thiết thực với cuộc sống của người dân.

Từ các mô hình Hội quán điểm, Hà Tĩnh sẽ phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - Chắp cánh cho tài nguyên bản địa và giá trị cộng đồng, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Hà Tĩnh, giúp cho người nông dân có tầm nhìn đến tương lai và vượt ra khỏi không gian làng xã để kết nối ra bên ngoài dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin", ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết thêm..
Trà Giang
Theo kinhtenongthon.vn
 
Link gốc: https://kinhtenongthon.vn/mo-hinh-hoi-quan-o-ha-tinh-gan-ket-de-phat-trien-post37387.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây