Cầm cố bằng lái để có tiền sinh hoạt
Anh Phan Văn Tiến (trú tại thôn Mỹ Liên, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) phản ánh, từ cuối tháng 2 đến nay, anh sử dụng xe container BKS 38C-106.72, kéo theo rơ-moóc BKS 38R-006.48 xuất khẩu cá khô sang Trung Quốc, nhưng đến nay moóc xe vẫn chưa về khiến gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn.
Hình ảnh xoài tươi nguyên được kiểm tra trước khi xuất khẩu nhưng sang biên giới biến thành hàng thối, hỏng để trừ cước, ép đưa tiền chuộc
Cụ thể, ngày 23/2, tại Công ty TNHH Hải sản Kim Châu, anh ký hợp đồng vận chuyển cá cơm khô của đơn vị này từ Bình Thuận đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá cước vận tải là 54 triệu đồng, mỗi ngày xe lưu ca tại cửa khẩu chủ hàng phải trả thêm 1,3 triệu đồng, chủ xe không phải chi trả bất kỳ khoản chi phí gì.
Ngày 26/4 xe được cắt moóc, đưa qua biên giới. Sau đó không lâu, chủ hàng và “nhà luật” thông báo đã trả hàng thành công, hàng không bị thối, hỏng, moóc xe đang “xếp lốt” trở về Việt Nam... Tuy nhiên, đến nay moóc xe vẫn chưa về đến nội địa. anh liên tục gọi điện hỏi nhưng họ chỉ trả lời “xe sắp về rồi, chỉ 1 vài hôm nữa là đến cửa khẩu”.
Anh Tiến thường xuyên chờ tại cửa khẩu nhưng đều không có kết quả. Đến nay, anh đã được nhận tiền cước và ứng 1 phần tiền lưu ca với tổng số tiền đã nhận từ chủ hàng là 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 5 tháng sinh hoạt, chờ đợi tại cửa khẩu, số tiền trên cũng chẳng thấm vào đâu. Mỗi ngày, riêng việc đỗ đầu xe tại bãi đất ở cửa khẩu Hữu Nghị, chủ xe phải trả 50 nghìn đồng; hàng ngày lại phải nổ máy, ngủ lại trên xe. Cùng đó là chi phí ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ.
“Kinh tế gia đình tôi trông cả vào chiếc xe này, vậy mà xe đã nằm bãi 5 tháng nay, hàng tháng vẫn phải nộp tiền lãi vay ngân hàng nên tôi phải cầm cố GPLX và vay mượn thêm bạn bè để sửa xe, ăn uống, sinh hoạt trong lúc chờ xe tại cửa khẩu”, anh Tiến bức xúc.
Ép nộp tiền phạt mới trả xe
Hợp đồng vận chuyển chủ hàng ghi rõ: Sau 10 ngày sẽ bao chín, bao thối nhưng sau 20 ngày vận chuyển, xuất khẩu chủ xe vẫn không được nhận cước
Tương tự, lãnh đạo Công ty Vận tải Tâm An Thịnh (địa chỉ tại Ninh Bình) cho biết, ngày 17/4, đơn vị ký hợp đồng vận chuyển 3 xe xoài cho chủ hàng Trần Thị Ánh, từ Định Quán, Đồng Nai đến cửa khẩu Tân Thanh xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau hơn 20 ngày xếp “lốt” vận chuyển, xe đã được sang Trung Quốc trả hàng.
Tổng số tiền cước theo hợp đồng là 435 triệu đồng, được ứng trước 90 triệu đồng với cam kết trả hàng xong sẽ thanh toán hết. Tuy vậy, sau đó, lấy lý do hàng thối, hỏng, chủ hàng đã thông báo không trả số tiền cước còn lại, đồng thời yêu cầu “nhà luật” tại cửa khẩu giữ giấy tờ xe, bắt chủ xe nộp hơn 50 triệu đồng tiền luật (cả 3 xe) thì mới trả giấy tờ cho về nội địa.
Hay như trường hợp chị Cao Thị Như Ý, trú tại xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ngày 13/4, chị cho tài xế là Huỳnh Thái Lộc ký hợp đồng với bà Triệu Thị Hương, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Hai bên thỏa thuận vận chuyển xoài từ Đồng Nai đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, không phải đưa hàng sang Trung Quốc, giá cước 80 triệu đồng. Người nhận hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị là bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên.
Khi xe đến cửa khẩu Hữu Nghị, những người trên yêu cầu “xếp lốt” vận chuyển sang biên giới và hứa trả thêm 33 triệu đồng tiền cước, cho ứng trước 10 triệu đồng. Chủ xe không bị truy cứu việc hàng thối, hỏng, không phải chịu chi phí phát sinh mà còn được hưởng 2 triệu đồng tiền lưu ca/ngày khi xe ở Trung Quốc.
Đến ngày 30/4, sau khoảng 20 ngày bốc xếp, vận chuyển, chờ xuất hàng, khi xe vừa qua Trung Quốc, 2 người trên đã thông báo xoài trên xe bị thối, hỏng và nói sẽ không trả số tiền cước còn lại. Đồng thời, yêu cầu phải chuyển 125 triệu đồng tiền phạt thì mới trả moóc xe về Việt Nam. Hơn 3 tháng nay, phương tiện trên mắc kẹt tại Trung Quốc khiến chủ xe lao đao.
Công an vào cuộc điều tra
Xe xuất khẩu cá khô sang Trung Quốc hơn 5 tháng vẫn chưa xong chuyến hàng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện chủ hàng của anh Phan Văn Tiến, tên Sơn cho biết, chuyến hàng cá khô trên có hơn 20 xe, các xe đều đã được về hết. Còn một chuyến hàng khác được xác định bị thối, hỏng hàng do trục trặc khi cắm điện chạy lạnh, bảo quản hàng tại Trung Quốc. Chủ hàng Trung Quốc đang giữ xe chờ giải quyết, thỏa thuận mức đền bù.
“Hàng hỏng không có liên quan gì đến moóc xe của anh Tiến, nhưng họ lấy lý do phải làm thủ tục giữ lại. Hiện, chúng tôi đang tích cực thúc ép, yêu cầu trả các phương tiện về nước. Tôi sẽ cho chủ xe ứng thêm tiền lưu ca để vơi bớt khó khăn, trong thời gian chờ đợi xe tại cửa khẩu”, đại diện chủ hàng tên Sơn nói.
Tuy vậy, anh Tiến cho biết, đã tìm đến tận nhà người này nhưng cũng không thể ứng thêm tiền, chủ hàng cũng không biết rõ khi nào xe được về nước.
Với trường hợp 3 phương tiện vận chuyển xoài của Công ty Vận tải Tâm An Thịnh, dù đã được chủ hàng Trần Thị Ánh ghi rõ trong hợp đồng là xe vận chuyển, chờ xuất khẩu quá 10 ngày chủ hàng sẽ “bao chín và thối”. Ngoài ra, từ ngày thứ 20 trở đi, chủ hàng sẽ chi trả tiền lưu ca 2 triệu đồng/xe/ngày.
Trước khi xe xuất cảnh sang Trung Quốc, “nhà luật” Thành Hoa tại cửa khẩu đến kiểm tra, đánh giá chất lượng trái cây trên xe. Trao đổi với PV, “nhà luật” này xác nhận việc kiểm tra trên và cho biết lúc đó, nhiều sọt hàng trên xe vẫn đúng độ lạnh, chưa bị thối, hỏng. Sau khi sang Trung Quốc mới phát hiện hàng thối, hỏng, giá bán không cao nên chủ hàng đã yêu cầu không trả tiền cước.
“Không chỉ 3 xe ô tô trên, chủ hàng Trần Thị Ánh cũng đã có nhiều xe xảy ra tranh chấp, bị giữ moóc xe tại Trung Quốc để đòi tiền chuộc”, “nhà luật” Thành Hoa nói.
Trực tiếp liên hệ với bà Trần Thị Ánh, khi biết PV trao đổi về các phương tiện bị nợ cước, bà Ánh vội vàng cúp máy.
Được biết, những vụ việc trên đang được Công an tỉnh Lạng Sơn và Công an các huyện Văn Lãng, Cao Lộc thụ lý, điều tra.
Ngày 15/7, Báo Giao thông đăng bài “Tái diễn "luật ngầm" nơi cửa khẩu Tân Thanh”, phản ánh việc sau một thời gian cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý, thời gian gần đây, các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) lại tiếp tục chèn ép, thu “tiền luật” giá cao, khiến các tài xế, chủ xe container chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bức xúc.
Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Lạng Sơn vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.
Tiếp đó, ngày 22/7, Báo Giao thông đăng bài “Tái diễn “luật ngầm” cửa khẩu: Vì sao nhà xe phải cắn răng chi tiền luật?”, phản ánh việc dù cơ quan hải quan không thu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới nhưng các tài xế, chủ xe vẫn phải cắn răng chi hàng chục triệu đồng tiền luật mỗi chuyến mà không hề biết lý do là gì. Các tài xế, chủ xe nghi ngờ có việc chủ hàng và các “nhà luật” bắt tay nhau để chèn ép, đòi tiền.
Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/tai-dien-luat-ngam-noi-cua-khau-nhieu-chu-xe-lam-canh-bi-dat-d560903.html?fbclid=IwAR3MHUGVjSPfOeJxgi3eVbEldOLBLN5VAT_9v9GXaw8RWkMZZ0Sur_Ax2oc