‘Làn sóng’ đầu tư năng lượng sạch vào Hà Tĩnh

Thứ ba - 05/05/2020 15:59
13 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề nghị lên đến 1.432 MW cùng nhiều dự án điện gió, cụm điện gió với tổng giá trị đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đang tạo nên “làn sóng” mới hướng Hà Tĩnh trở thành mối quan tâm cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.
Phát triển năng lượng tái tạo đang được tỉnh Hà Tĩnh xác định là một trong những chiến lược phát triển mới, lâu dài của tỉnh. Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đang tạo điều kiện thuận lợi về các chính sách, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn với các dự án lớn về điện mặt trời ở các huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh… dự án điện gió, cụm điện gió ở Kỳ Anh.

Theo đó, trong tổng số diện tích trên 1.500 ha các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu các dự án điện mặt trời, hiện đã có 132 ha được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
T2020050510 1
Dự án điện mặt trời Cẩm Hòa tại huyện Cẩm Xuyên hoạt động phát điện lên lưới điện Quốc gia đã tạo nên một bước phát triển kinh doanh mới mẻ cho các nhà đầu tư (ảnh minh họa)

Hà Tĩnh hiện có 13 dự án điện mặt trời với công suất 1.432 MWp, tổng diện tích 1.541 ha của các doanh nghiệp đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư trên địa bàn.

Trong đó, kể từ khi Dự án điện mặt trời Cẩm Hòa tại huyện Cẩm Xuyên (là dự án đầu tiên tại Hà Tĩnh) chính thức đi vào hoạt động phát điện lên lưới điện Quốc gia đã tạo nên một bước phát triển kinh doanh mới mẻ cho các nhà đầu tư.

Đây là dự án do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư với công suất 50 MWp, có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng trên diện tích 65ha. Dự án được đầu tư theo Quyết định quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh số 2875/QĐ-BCT ngày 15/8/2018 của Bộ Công thương và được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3851/QĐ-UBND ngày 31/10/2017.

Dự án góp phần phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bổ sung nguồn điện năng cho cả nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế về phát triển điện mặt trời tại Hà Tĩnh, hiện 2 dự án điện mặt trời của Công ty TNHH GA Power Solar Park (CHLB Đức) có công suất 58 MWp, tổng diện tích đất sử dụng 58ha tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Hương Sơn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.

Các dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho phép bổ sung quy hoạch bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Cẩm Mỹ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), Nhà máy điện mặt trời Kỳ Sơn (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành làm chủ đầu tư có tổng công suất là 524 MWp, tổng diện tích 500 ha; Nhà máy điện mặt trời Cẩm Lạc (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên) của Công ty Cổ phần Năng lượng HLT, công suất 100 MWp có diện tích 120 ha.

Ngoài các dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý bổ sung quy hoạch, các dự án điện mặt trời đang được các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu như: Nhà máy điện mặt trời ECO SUN, Nhà máy điện mặt trời Hồng Lộc, Nhà máy điện mặt trời Ngọc Sơn, Nhà máy điện mặt trời Hương Sơn...

Song song với tiềm năng và lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo từ các dự án điện mặt trời thì Hà Tĩnh đang được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án điện gió.

Theo đó, được khảo sát, lập dự án, xin chủ trương đầu tư từ năm 2017, Dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh là dự án điện gió đầu tiên ở Hà Tĩnh sẽ được tập đoàn HBRE của doanh nhân Hồ Tá Tín đầu tư xây dựng tại dãy núi Hoành Sơn thuộc huyện Kỳ Anh (cũ) nay địa phận Thị xã Kỳ Anh. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.258 tỷ đồng, với tổng công suất 120MW, sản lượng điện dự kiến phát lên lưới 356.368MWh/năm. Theo kế hoạch, trong giai đoạn xây dựng dự án sẽ được phân bổ trên một vùng diện tích khảo sát 1.400 ha.

Dự kiến dự án sẽ được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành vào cuối năm 2021. Đây là dự án đầu tiên tại Hà Tĩnh về điện gió và là dự án duy nhất đảm bảo giải tỏa công suất.

Một dự án khác về điện gió có quy mô 100 cột điện gió, turbin gió, công suất mỗi turbin là 2,6MWh trị giá 200 triệu USD đang được nhà đầu tư Công ty TNHH Danvit Expres (Cộng Hòa Séc) cùng với các chuyên gia tư vấn đến địa phương để  khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu đầu tư. Trước đó, tháng 4/2019, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong thời hạn 2 năm của Hà Tĩnh và Công ty TNHH Danvit Expres có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã tạo thuận lợi để bổ sung dự án vào quy hoạch chung của tỉnh. Hai bên cùng thỏa thuận và có giải pháp tích cực nhằm bảo đảm sự hợp tác có tính khả thi cao, dự án thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam.
 
T2020050510 2
Sau điện mặt trời, nhiều dự án điện gió đang được các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư vào Hà Tĩnh

Mới đây, tháng 4/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cũng vừa có văn bản trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cụm dự án điện gió 4.915 tỷ đồng của Công ty CP Năng lượng Phước Trung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh do Công ty CP Năng lượng Phước Trung đề xuất xây dựng tại các xã: Kỳ Tân, Kỳ Tây, Lâm Hợp và Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh), với tổng mức đầu tư 4.915 tỷ đồng. Dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh gồm 3 nhà máy, được xây dựng trên diện tích 31ha, với tổng công suất lắp đặt 150MW, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 482 GWh/năm; thời gian vận hành vào quý III /2021.

Trước đó, ngày 6/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty CP Năng lượng Phước Trung nghiên cứu, khảo sát thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án Nhà máy điện gió tại huyện Kỳ Anh. Quá trình thực hiện là 18 tháng bao gồm thời gian khảo sát đo gió.

Nhà máy điện gió Kỳ Anh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương và phát huy được tiềm năng tự nhiên của tỉnh. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh và cung ứng cho nguồn điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Việc xác định đầu tư cho năng lượng sạch đang là mục tiêu được tỉnh Hà Tĩnh hướng đến để góp phần phát triển ngành năng lượng quốc gia, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư đang “ồ ạt” đầu tư vào lĩnh vực này đang là một cuộc chơi đắt đỏ mà chủ đầu tư và doanh nghiệp phải lường trước.
 
Theo nhadautu.vn
Link gốc: https://nhadautu.vn/lan-song-dau-tu-nang-luong-sach-vao-ha-tinh-d36637.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây