Giao dịch tại ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh những ngày gần đây luôn nhộn nhịp. Ảnh Trương Hoa
Lãi suất tăng nhanh
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN Việt Nam quyết định nâng các mức lãi suất điều hành thêm 1%/năm.
Trước tình hình lãi suất tăng cao các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, so với đầu tháng 9/2022 (trước khi điều chỉnh các mức lãi suất điều hành), lãi suất huy động tiền VND đã tăng từ 0,5% đến 1%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Ngoài ra, lãi suất cho vay VND ngắn hạn tăng từ 0,5% - 1%/năm; trung, dài hạn tăng từ 1-1,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn tăng từ 2-2,5%/năm; trung, dài hạn tăng từ 1-1,5%/năm.
Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tăng lãi suất huy động thêm 1%/năm từ ngày 27/10.
Theo ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và diễn biến thị trường; cho thấy phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của NHNN Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Cũng theo ông Trung, trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng, NHNN Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh... trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận của Nhadautu.vn tại các ngân hàng Vietcombank, SHB, Viettinbank, BIDV… những ngày gần đây sau khi lãi suất huy động tăng, nhiều người dân Hà Tĩnh đã chủ động lựa chọn kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm nhiều hơn so với trước đây. "Điều này chứng minh rằng, tiền trong dân đang còn nhiều. Đây cũng chính là lợi thế để các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, sớm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn năm 2022", một lãnh đạo ngân hàng tại Hà Tĩnh cho hay.
Nếu chỉ một tháng trước, mức lãi suất huy động 7,8%/năm, 8%/năm rất hiếm hoi và chỉ áp dụng cho các món tiền gửi trăm tỉ đồng thì nay mức lãi suất này đã là quá khứ khi các ngân hàng tìm đủ mọi cách để hút nguồn tiền, dù chỉ là món tiền nhỏ, từ 10, 20 triệu đồng… Trong khi nhiều khách hàng phấn khởi khi lãi suất huy động tăng thì ở chiều tăng lãi suất cho vay cũng khiến không ít khách hàng ở Hà Tĩnh lo lắng, nhất là các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn
Trao đổi với PV Nhadautu.vn, một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về kinh doanh ô tô tại TP Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp của ông vừa đầu tư hàng chục chiếc xe ô tô tương đương hàng chục tỷ đồng. Hiện tại, lãi suất cho vay tăng hơn 11%/năm (mức tăng 1- 2% so với năm ngoái). Lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí tăng thêm và lợi nhuận giảm đi. Thời điểm này doanh nghiệp phải đối diện với muôn vàn khó khăn, vừa mới vực dậy sau đại dịch Covid-19, rồi giá xăng/dầu tăng, nay lại lãi suất vay tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp kêu khó khi lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn dịp cuối năm. Ảnh Trương Hoa
Vị này chia sẻ thêm, đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19, họ gần như không gượng dậy được thì việc tiếp cận nguồn vốn vay sẽ rất khó. Hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn đang thanh lý không ít xe vận tải, du lịch của các doanh nghiệp cầm cố hoặc vay mua.
Một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hàng điện máy tại Hà Tĩnh cho hay vừa nhận được thông báo lãi suất cho vay tăng lên mức 12%/năm từ đầu tháng 10. Với khoản vay cả chục tỷ đồng để đầu tư lô hàng điện máy thì việc lãi suất tăng cao thật sự "đau đầu" mỗi khi trả lãi cho ngân hàng. Khi lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất. Thế nhưng hiện giờ, ngoài vấn đề tăng lãi suất, việc bán hàng ra thị trường bị giảm đi 25-30% so với năm 2021. Đại lý cũng đã tìm nhiều cách để thu hút khách hàng nhưng gần như người mua vẫn thờ ơ.
Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc cho hay: "Chúng tôi chăn nuôi quy mô lớn với trên 400 con lợn nái và hơn 1.000 con lợn thịt/lứa. Hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, những tháng cuối năm là giai đoạn "nước rút" chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường tết. Tiềm lực tài chính của HTX có hạn nên phần lớn nguồn vốn đầu tư thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nâng cấp chuồng trại... đều phải vay ngân hàng. So với các ngành nghề khác, làm nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong thời điểm này khiến HTX phải đối mặt thêm khó khăn".
Ông Phan Trí Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh cho biết: "Giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp cần nhiều vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, hiện nay giá trị đồng tiền của một số nước mà doanh nghiệp xuất hàng sang bị giảm mạnh, giá thành sản phẩm không tăng trong khi lãi suất vay ngân hàng tăng là áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp. Nếu như 2-3 tháng trước, mỗi tháng doanh nghiệp phải chịu tiền lãi ngân hàng khoảng 500 triệu đồng thì nay dự kiến số tiền lãi tăng lên khoảng 700 triệu đồng".
"Dù khó khăn là vậy, song chúng tôi vẫn ý thức rằng việc tăng lãi suất lần này là một trong những động thái điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước nhằm góp phần kiểm soát lạm phát nên doanh nghiệp phải chia sẻ. Chúng tôi mong muốn tình hình kinh tế trên thế giới sớm được cải thiện để mặt bằng lãi suất được điều chỉnh phù hợp hơn", ông Phan Trí Nghĩa cho hay.