Có thể nói, chưa bao giờ ngành giáo dục phải trải qua những khó khăn dồn dập như 2 năm trở lại đây kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và hiện giờ vẫn đang hoành hành ở nhiều địa phương. Bước sang năm học 2020-2021, dù đã có những kinh nghiệm đối phó với tình hình dịch bệnh từ năm học trước, nhưng không thể nói là đã bớt âu lo.
Có thể nói, chưa bao giờ trọng trách của người thầy giáo, của đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ sở giáo dục lại nặng nề như vừa qua. Họ vừa phải đảm bảo hoàn thành khung chương trình năm học, đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng như an toàn của từng học sinh trước dịch bệnh. Mỗi giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thực sự là một lá chắn, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào trường học.
Người viết đã rất xúc động trước hình ảnh những người thầy, người cô, dù không thuộc diện phải cách ly bắt buộc đã tình nguyện vào trường với các em học sinh không may thuộc diện F1. Họ, không chỉ là người thầy, mà là người cha, người mẹ, nguồn động viên tinh thần lớn lao với những đứa trẻ bỡ ngỡ, lo sợ trong những ngày đi cách ly.
Đối phó với dịch Covid-19, ngành giáo dục cũng đã có những điều chỉnh cần thiết về khung chương trình nhưng vẫn đảm bảo về nội dung kiến thức. Các địa phương cũng có những phương án linh hoạt hơn để phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như kế hoạch dạy bù cho học sinh thuộc diện phải cách ly.
Khi năm học 2020-2021 đang dần đi đến chặng cuối thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường hơn. Từ 27/4 đến 12/5, nước ta ghi nhận gần 600 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại 25 tỉnh, thành phố. "Thành lũy" phòng chống Covid-19 tại các trường học bị chọc thủng khi có một số ca mắc Covid-19 là học sinh.
Cùng với việc cách ly, điều trị, khoanh vùng, truy vết những người liên quan đến bệnh nhân Covid-19 là học sinh, các cơ sở giáo dục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra học kỳ, điều chỉnh chương trình để kết thúc năm học sớm hơn dự kiến. Học sinh tỉnh Phú Thọ được nghỉ hè sớm nhất cả nước, bắt đầu từ 7/5 đối với khối mầm non. Các địa phương khác cũng sẽ kết thúc năm học 2020-2021 trước ngày 17/5 tới.
Các tỉnh, thành có dịch chuyển sang dạy, học trực tuyến và cũng sẽ hoàn thành chương trình học theo đúng kế hoạch thời gian kết thúc năm học của Bộ GD&ĐT.
Đến thời điểm này, ngành giáo dục đã có thể tạm thở phào khi cơ bản hoàn thành chương trình năm học trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây.
Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta vẫn còn 2 kỳ thi: tuyển sinh lớp 10 THPT và kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Trong đó, riêng kỳ thi Tốt nghiệp THPT có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký tham gia.
Phương án tổ chức thi tại các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương đang bị phong tỏa, thí sinh thuộc diện F1, F2 cũng đã được Bộ GD&ĐT cũng như các tỉnh, thành xây dựng cụ thể, chi tiết.
Ngành giáo dục và các địa phương vẫn đang còn rất nhiều điều phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua để các kỳ thi quan trọng này diễn ra một cách an toàn, hiệu quả.
Song, tin rằng với sự quyết tâm cao, tinh thần vượt khó và sự chủ động trong đối phó với dịch bệnh của ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh, chúng ta sẽ có một năm học kết thúc an toàn, trọn vẹn.
Hoàng Lam
Nguồn Dân trí
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/lai-mot-nien-hoc-day-kho-khan-cua-nganh-giao-duc-20210513051542952.htm