Ông Hoàng Đình Quảng (SN 1956, ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gửi đơn đến Báo Nhà báo & Công luận phản ánh việc gia đình ông bị đối tác “ngâm” gần 600 triệu đồng, suốt nhiều năm qua không trả, vi phạm hợp đồng đã ký kết giữa các bên.
Người dân “ngậm quả đắng” từ chủ trương của xã!
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, thực hiện thông báo số 4A/TB.UBND ngày 04/2/2010 của UBND xã Kỳ Phú về việc thống nhất cho thôn Phú Sơn khai thác mỏ cát Bãi Pheo sau khi mở tuyến đường từ thôn Phú Sơn ra Bãi Pheo hoàn thành. Theo đó, UBND xã Kỳ Phú cho phép thôn Phú Sơn huy động nguồn vốn và nhân lực của nhân dân để mở tuyến đường từ thôn ra Bãi Pheo.
Sau khi tuyến đường hoàn thành cho phép thôn Phú Sơn khai thác mỏ cát và thu lệ phí để hoàn trả nguồn vốn đã đầu tư mở tuyến đường. Thời gian cho ban cán sự thôn Phú Sơn thu lệ phí được căn cứ vào chi phí mở đường và thu lệ phí hàng năm (Việc này do UBND xã và ban cán sự thôn Phú Sơn thanh toán hàng năm).
Ngồi trên chiếc xe lăn với đôi chân bị liệt hoàn toàn, ông Hoàng Đình Quảng cho biết, thời điểm đó, thôn Phú Sơn gặp khó khăn về vấn đề giao thông, nhiều con đường không thể đi lại được. Người dân yêu cầu cần phải mở tuyến đường từ thôn ra biển để phục vụ sản xuất, đi lại cho người dân. Trước yêu cầu chính đáng của người dân và trên cơ sở thông báo của UBND xã Kỳ Phú thống nhất cho thôn Phú Sơn khai thác mỏ cát Bãi Pheo sau khi tuyến đường hoàn thành ra biển; thôn Phú Sơn đã họp dân, kêu gọi chúng tôi huy động nguồn vốn để mở tuyến đường, đồng thời được tổ chức khai thác mỏ cát Bãi Pheo.
“Thấy thông báo của UBND xã Kỳ Phú gửi về thôn với đầy đủ con dấu của các tổ chức, đồng thời muốn chung tay cùng thực hiện tốt chủ trương của xã nhằm xây dựng công trình chào mừng đại hội Đảng nhiệm kỳ 2010 -2015, tôi đã chạy đi vay mượn tiền khắp nơi về để đầu tư phá đá mở tuyến đường từ thôn ra biển và bỏ kinh phí để được khai thác mỏ cát Bãi Pheo sau khi tuyến đường ra biển hoàn thành”, ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, “sau khi vay mượn đủ số tiền, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương xã Kỳ Phú, vào ngày 06/3/2010, tôi và thôn Phú Sơn đã ký bản hợp đồng kinh tế với các điều khoản trong hợp đồng như sau: tôi đã nộp cho thôn Phú Sơn số tiền mặt 195 triệu đồng trong vòng 4 ngày sau khi hợp đồng được kí kết vào ngày 06/3/2010. Đồng thời, tôi còn bỏ ra thêm 400 triệu đồng phá đá, mở tuyến đường từ thôn ra biển để phục vụ sản xuất, đi lại cho người dân, cũng như khai thác cát (thôn Phú Sơn dự toán cho ông Quảng phá đá, mở đường là 400 triệu đồng) để được phép khai thác mỏ cát Bãi Pheo trong thời gian 8 năm. Các bên cũng đã cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường thiệt hại kinh tế cho bên kia nếu vi phạm hợp đồng.
Sau khi ông Quảng bỏ kinh phí 400 triệu để hoàn thành việc phá đá, mở đường từ thôn ra biển. Trong khi ôn Quảng chuẩn bị tiến hành khai thác mỏ cát Bãi Pheo thì các cấp thẩm quyền Hà Tĩnh có lệnh cấm khai thác mỏ cát Bãi Pheo này, vì UBND xã Kỳ Phú đã vượt thẩm quyền cho thôn Phú Sơn chủ trương huy động để khai thác.
“Đầu năm 2012, tôi bị tai nạn lao động nên đã bị liệt đôi chân, phải ngồi xe lăn, chạy thuốc men hàng ngày. Cuộc sống gia đình tôi ngày càng khó khăn vì phải chữa trị bệnh tật nhiều nơi, tôi đành phải đội đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng để lấy lại số tiền mà tôi đã bỏ ra để về chữa bệnh, giảm bớt phần nào kinh tế cho gia đình nhưng cứ ngày này qua, năm khác đến vẫn không thấy chính quyền hồi âm”, ông Quảng rưng rưng nước mắt nói.
Chính quyền "lật lọng"?
Để làm sáng tỏ vấn đề, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kỳ Phú (thời điểm năm 2010, ông Trần Thanh Hải giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú) lại cho rằng: “Hồi đó, xã không có chủ trương, do ông Hoàng Đình Quảng tự lên làm việc với thôn Phú Sơn, giữa ông Quảng với thôn tự thỏa thuận để mở con đường từ thôn ra biển. Sau khi làm tuyến đường xong, thôn không có kinh phí nên xã bàn thống nhất cho khai thác mỏ cát Bãi Pheo, khi đi vào khai thác thì bên tài nguyên môi trường không cho khai thác”.
“Toàn bộ số tiền trên là do ông Quảng và thôn Phú Sơn thỏa thuận, xã không biết vấn đề trên. Khi ông Quảng làm xong tuyến đường, xã bù cho ông khai thác cát để bù đắp kinh phí mà ông đã bỏ ra”, ông Hải phân trần.
Khi PV đặt câu hỏi, trong thông báo số 4A/TB.UBND, ngày 04/2/2010 của UBND xã Kỳ Phú đã thống nhất cho thôn Phú Sơn khai thác mỏ cát Bãi Pheo sau khi tuyến đường hoàn thành; cho đến hơn 1 tháng sau đó (ngày 6/3/2010), UBND xã Kỳ Phú cũng đã xác nhận vào hợp đồng kinh tế về việc khai thác mỏ cát Bãi Pheo giữa thôn Phú Sơn và ông Hoàng Đình Quảng. Vậy tại sao, ông Trần Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kỳ Phú lại cho rằng, hồi đó xã không có chủ trương, không biết vấn đề trên. Tự ông Quảng làm việc với thôn Phú Sơn?
Ông Trần Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kỳ Phú lại tiếp tục khăng khăng, cho rằng do lỗi của ông Hoàng Đình Quảng.
“Đây cũng là một cái dại của ông Quảng. Ông Quảng đã bỏ tiền ra làm đường rồi, lại còn đưa tiền cho thôn nữa. Nếu mà ông Quảng đưa cho xã, xã tính toán bài bản cho sẽ hay hơn. Vừa rồi ông Quảng đã có kiến nghị, việc đề xuất của ông Quảng cũng chính đáng nên sắp tới, ban thường vụ Đảng ủy xã sẽ bàn để hỗ trợ lại cho ông, nói thế thôi chứ cũng tội cho ông Quảng thật”, ông Hải biện minh.
PV tiếp tục đặt câu hỏi, xã Kỳ Phú có thẩm quyền cho khai thác mỏ cát không?
Ông Trần Thanh Hải lý giải: “Thời kỳ đó không như bây giờ, so với giờ thì không đúng, lúc đó chưa cấm nên xã cho phép khai thác”.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả bài viết: Trần Phong
Nguồn tin: Nhà báo và công luận
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn