Khai thác khoáng sản ở mỏ Quý Xa, Lào Cai (Ảnh minh họa/Báo Lào Cai)
Trong văn bản gửi tới Liên danh thép Việt – Trung, doanh nghiệp này cho rằng những năm qua, tình hình kinh doanh khoáng sản có nhiều biến động do giá kim loại trên thị trường thế giới giảm. Một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản đã không trụ vững trên thị trường vì không tìm được đối tượng bán hàng.
“Với nỗ lực của công ty, chúng tôi đã vượt qua được khó khăn và xây dựng được mạng lưới bạn hàng tiềm năng và tin cậy để kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản… Với lợi thế của mình, chúng tôi có nhiều đối tác Trung Quốc. Hiện các bạn hàng Trung Quốc đã đăng ký mua mặt hàng quặng sắt Limonit với số lượng lớn và phương thức trao đổi hàng hoá hai chiều, nâng cao thông thương hàng hoá giữa hai nước”, doanh nghiệp này cho biết.
Công ty này cũng đề nghị được khai thác tại mỏ sắt Quý Xa thuộc xã Sơn Thuỷ huyện Văn Bản, tỉnh Lào Cai với số lượng 100.000 tấn để phục vụ việc trao đổi thông thương hàng hoá với đối tác bạn hàng kể trên. Thời gian khai thác dự kiến kéo dài từ nay đến hết năm 2018.
Trước đó, tỉnh Lào Cai cũng có văn bản đề nghị cho phép Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) được xuất khẩu 200.000 tấn quặng sắt, đồng thời được tiêu thụ trong nội địa khoảng 2,3 triệu tấn quặng mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020.
VTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa với công suất khai thác 3 triệu tấn mỗi năm. Đây là dự án mà Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) liên danh với Trung Quốc với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Sau 2 năm đi vào hoạt động, lỗ lũy kế của VTM đã lên tới 1.077 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, sau khi cung cấp quặng sắt là nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, khối lượng quặng sắt làm nguyên liệu cho nhà máy còn thừa so với công suất khai thác 2,3 triệu tấn. Và Việt Trung đang là một trong 12 doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính thuộc ngành Công Thương đang được Chính phủ cũng như các bộ ngành tập trung tháo gỡ.
Chính vì thế, 5 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh của VTM đã có những bước tiến triển vượt bậc so với cùng kỳ năm 2017 và so với kế hoạch năm 2018. 5 tháng đầu năm, VTM có lãi 562 tỷ đồng, nộp ngân sách 561 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đã giảm xuống còn 202 tỷ đồng.
Theo tính toán của VTM, nhu cầu thép của các đơn vị cán thép tại miền Bắc là tương đối lớn. Sản lượng sản xuất bình quân (2017-2020) hiện tại của các nhà máy phôi ở miền Bắc là gần 5 triệu tấn, nhỏ hơn nhu cầu phôi thép bình quân của giai đoạn này (khoảng 5,31 triệu tấn).
“Với chính sách tự vệ hiện nay thì việc nhập khẩu phôi thép từ các nguồn phôi thép nước ngoài là không khả thi cho đến năm 2020”, VTM nhận định.
VTM đang tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả dự án, thị trường để thực hiện các bước tiếp theo trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Hội đồng thành viên công ty cũng đã họp và thống nhất, dự kiến đến hết năm 2018 khi hết lỗ luỹ kết, VTM sẽ triển khai đầu tư.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho VTM củng cố thương hiệu, nâng cao uy tín, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, từng bước ổn định để phát triển sản xuất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, VTM đề nghị Chính phủ đưa dự án của mình ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ thuộc ngành công thương.
Bên cạnh đó, VTM cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu và tiêu thụ trong nội địa khoảng 2,3 triệu tấn quặng sắt/năm trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 để phát huy hết công suất khai thác đã được cấp phép của mỏ sắt Quý Xa.
Theo kế hoạch, hết năm 2020, giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa sẽ hết hạn, nên VTM cũng kiến nghị được xem xét gia hạn thêm giấy phép khai thác. Cùng với việc xem xét gia hạn việc thuế tự vệ thương mại đối với sản phẩm phôi thép khi năm 2020, chính sách này hết hiệu lực.
Tác giả bài viết: H.Anh
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn