Vì sao cầu 12 tỷ xây xong 3 năm vẫn không thể sử dụng
Thứ bảy - 12/10/2019 19:47
Một cây cầu được đầu tư 12 tỷ ở Hà Tĩnh dù đã xây dựng xong 3 năm nay nhưng chưa đưa vào sử dụng được vì thiếu đường dẫn.
Cây cầu này là cầu Bà Vương, có chiều dài 43,08 m, rộng khoảng 6 m, được UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) triển khai xây dựng vào tháng 12/2015 với tổng kinh phí 12 tỷ đồng.
Đây là hạng mục nằm trong dự án có chiều dài 3,7km do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư với tổng số vốn 36,8 tỷ đồng từ nguồn vốn JICA và ngân sách tỉnh.
Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng thi công dự kiến sau 12 tháng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, tuy nhiên đến nay vẫn còn giang dở.
Đặc biệt cây cầu xây dựng bắc qua kênh C2 nối hai xã Mai Phụ và Hộ Độ (huyện Lộc Hà) đã hoàn thành 3 năm nay nhưng không đưa vào sử dụng được vì thiếu đường dẫn.
Công trình vẫn còn ngổn ngang...
Ba năm nay, người dân nơi đây mong cây cầu hoàn thiện để sử dụng vì đoạn đường này hẹp, mùa mưa đến rất khó di chuyển.
Người dân bỏ đá, gạch để trèo lên cầu đi qua bên kia sông.
Người dân nơi đây cho biết nguyên nhân khiến tuyến đường lên cầu chưa thể xây dựng là do chưa giải phóng mặt bằng xong. Ngoài ra những hộ nằm trong diện đền bù họ cho rằng giá đền bù không thỏa đáng.
"Thật ra địa phương vẫn có một con đường khác để đi, ít người sử dụng đường qua cầu này. Việc chậm tiến độ thi công là do một số vấn đề liên quan đến vốn và công tác giải phóng mặt bằng chưa xong", một lãnh đạo UBND xã Mai Phụ nói.
Dù chưa đưa vào sử dụng nhưng tại thành cầu xuất hiện nhiều vết nứt.
Những mảng bê tông ở vị trí lan can cầu nay đã bong tróc thành từng mảng.
Những mảng đá lổm chổm, lở dở ở khu vực mố cầu.
Phơi nắng phơi mưa 3 năm nay, sắt thép ở hai đầu cầu bị gỉ sét.
3 năm nay, cây cầu giữa bãi đất trống khiến người dân nơi đây không khỏi ngán ngẩm, xót xa.
Ông Trần Phi Long, Phó ban Quản lý đầu tư và xây dựng huyện Lộc Hà, cho biết việc tiến độ thi công chậm là do vướng mặt bằng, hiện huyện đang xin chỉ đạo của tỉnh để có hướng triển khai sớm
.
“Vốn hiện đã có, nếu mặt bằng được giải phóng thì sẽ triển khai sớm. Cái khó là đất hai đầu cầu là đất làm muối của người dân, do không có bìa đỏ nên chưa có chính sách đền bù phù hợp và người dân cũng chưa đồng tình”, ông Long nói.
Theo Tiền phong