Phóng viên Dân Việt (trái) trong cuộc trò chuyện với các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dịp đầu xuân Kỷ Hợi. (Ảnh: Đàm Duy)
Vệ tinh Micro Dragon là sản phẩm được Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sỹ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh Micro tại một số trường đại học của Nhật Bản”.
36 học viên là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường hàng đầu Nhật Bản gồm Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản từ năm 2013 - 2017.
Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhóm các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam gồm: TS Lê Xuân Huy (SN 1981, quản lý kỹ thuật và tiến độ của nhóm); Thạc sỹ (Ths) Nguyễn Đình Châu Minh (SN 1985, trưởng nhóm khóa 1, từ 2013 – 2015), Thạc sỹ Ngô Thành Công (SN 1991, thành viên khóa 3, phụ trách khối truyền thông và khối nhiệm vụ thu thập số liệu, 2015 – 2017) và Thạc sỹ Quách Trung Đông (SN 1987, thành viên khóa 3, phụ trách khối Thực thi nhiệm vụ chụp ảnh, 2015 – 2017) về giấc mơ chinh phục khoảng không bao la của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam.
Áp lực là thách thức những cũng là cơ hội
Thời khắc Nhật Bản phóng thành công tên lửa Epsilon 4 đưa vệ tinh Micro Dragon vào không gian, cảm xúc của các bạn khi đó như thế nào?
TS Lê Xuân Huy: Có thể chia việc phóng vệ tinh Micro Dragon vào không gian làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là khi tên lửa Epsilon mang vệ tinh Micro Dragon lên quỹ đạo. Sau đó vệ tinh tách khỏi tên lửa và bắt đầu hoạt động, đây gọi là giai đoạn phóng. Giai đoạn này khoảng một tiếng. Thời khắc quan trọng nhất trong giai đoạn này là khi tên lửa rời bệ phóng thành công.
Từ trái qua: TS Lê Xuân Huy, Ths Nguyễn Đình Châu Minh, Ths Ngô Thành Công và Ths Quách Trung Đông trong cuộc trò chuyện với Dân Việt. (Ảnh Đàm Duy)
Lúc đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có hai đoàn ở Nhật, một đoàn đến tận điểm phóng, còn đoàn của tôi gồm 5 người theo dõi ở trạm mặt đất. Qua truyền hình trực tiếp, lúc đầu thấy tên lửa Epsilon 4 xịt khói đen thì cũng hơi giật mình, sợ lại bị lỗi (xác suất tên lửa hỏng hoặc bị nổ khoảng trên 5%). Nhưng rồi tên lửa cũng phóng thành công lên quỹ đạo, đem theo vệ tinh Micro Dragon.
Giai đoạn 2 là chờ vệ tinh truyền tín hiệu về trạm mặt đất. Nếu ổn, nghĩa là vệ tinh đã hoạt động tốt. Trạm mặt đất một ngày thu được 4 lần tín hiệu, hai lần buổi sáng và hai lần buổi tối.
Buổi sáng phóng vệ tinh lên, nhưng phải tới tận tối, vệ tinh mới bay qua trạm mặt đất ở Nhật và ngay thời điểm đó trạm đã nhận được tín hiệu Micro Dragon phát về.
Lúc đấy mọi người mới thấy nhẹ nhõm, quay ra cùng chúc mừng vì công việc theo đuổi suốt mấy năm trời, phải đổ bao mồ hôi công sức đã có kết quả. Nhưng độ hưng phấn thì không như lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh Pico Dragon. Khi ấy anh em hò reo điên cuồng, ôm chầm lấy nhau cùng chia vui...
Nhóm vận hành vệ tinh Micro Dragon tại trạm vận hành ở Đại học Tokyo Nhật Bản tối 18.1.2019. (Ảnh: VNSC)
TS từng chia sẻ việc chạy đua với thời gian để kịp tiến độ dự án tạo ra một áp lực rất lớn, nhưng mọi người đều hào hứng khi được làm việc trong áp lực như vậy?
TS Lê Xuân Huy: Đúng vậy! Quá trình vận hành thử nghiệm khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo thông thường sẽ kéo dài từ 1 đến 3 tháng, có khi là 6 tháng tùy vào độ phức tạp của vệ tinh.
Đánh giá Micro Dragon là thành tựu quan trọng mở đầu cho bước tiếp theo về công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, Thủ tướng khẳng định đây là tiền đề cho việc sẵn sàng tiếp nhận công nghệ phát triển vệ tinh quan sát Trái đất thương mại trong tương lai. “Tôi rất vui mừng, nhất là thấy các em trẻ tuổi được đào tạo, rèn luyện thành cán bộ công nghệ, khoa học vũ trụ lớp đầu tiên của nước ta”, Thủ tướng nói trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vũ trụ VN ngày 21.1 tại trụ sở Chính phủ. |
Tuy vậy, do điều kiện kinh phí có hạn nên quá trình này của Micro Dragon chỉ là 6 ngày, từ 18.1 đến 23.1. Do đó cả nhóm rất áp lực về thời gian.
Nhóm của tôi có 5 người, một ngày trạm mặt đất có 4 lần liên lạc với vệ tinh. Sau mỗi lượt vận hành, nếu vệ tinh gặp những hiện tượng ngoài dự kiến thì phải cập nhật lại những kế hoạch vận hành tiếp theo.
Những người được chọn sang Nhật có thể chủ động phối hợp với phía Nhật để xử lý và đưa ra quyết định vận hành vì công việc đã được phân công sẵn rồi.
Khoảng cách giữa hai lần liên lạc trong buổi sáng và buổi tối chỉ cách nhau 90 phút nên mọi quyết định phải được đưa ra một cách khẩn trương và chính xác. Áp lực đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tự hoàn thiện mình.
Là người tham gia vào nhóm đầu tiên của dự án, động cơ nào khiến anh theo đuổi ngành khoa học hàng không vũ trụ?
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Ngay từ khi học tại Đại học Bách Khoa, tôi đã rất yêu thích công nghệ cao. Sau khi tốt nghiệp, qua một người bạn, tôi có biết tới dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và việc phát triển ngành công nghệ vũ trụ ở trong nước. Lúc đấy mới ra trường nên nghe nói đến công nghệ cao là thích lắm.
Khi vào đây lúc đầu cũng chỉ nghĩ là sẽ được tiếp xúc với môi trường công nghệ cao. Đến năm 2012, Trung tâm bắt đầu khởi động dự án đầu tiên - chính là sản xuất vệ tinh Pico Dragon, lúc đó tôi mới tìm hiểu kỹ hơn về ngành công nghệ vũ trụ và càng ngày càng thấy yêu và gắn bó với nó hơn. Cũng một phần bởi đây là một ngành khoa học rất đặc thù...
Ths Nguyễn Đình Châu Minh với phiên bản 1:1 của vệ tinh Pico Dragon được sản xuất năm 2013. (Ảnh: Đàm Duy)
Anh có thể nói rõ hơn về những đặc thù đó?
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Chẳng hạn như với ngành công nghiệp chế tạo ô tô, khi một mẫu xe mới ra đời gần như ngay lập tức anh có thể biết nó hoạt động như thế nào. Nhưng với vệ tinh thì kể cả cho đến tận thời điểm tên lửa được phóng lên không gian, rồi vệ tinh được tách ra và vào trong quỹ đạo, cảm giác của anh vẫn rất hồi hộp, bởi dưới mặt đất và trong không gian là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Cho nên việc chờ đợi vệ tinh trên quỹ đạo hoạt động đúng như thiết kế luôn đem lại cho chúng tôi cảm giác cực kỳ hồi hộp, nhiều khi như đánh xổ số, rất kích thích...
Thời điểm vệ tinh phóng lên quỹ đạo thành công đem lại cảm giác hưng phấn y hệt như lúc đội tuyển bóng đá Việt Nam đá thành công quả penalty vào lưới đội tuyển Yemen vậy (cười). Đây cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đi theo ngành này.
Đội ngũ phát triển vệ tinh khóa học viên đầu tiên và khóa thứ hai trong cuộc họp thẩm định thiết kế nhiệm vụ vệ tinh, tháng 12.2014. (Ảnh: VNSC)
Niềm tin vào vệ tinh "made in Vietnam"
Trên thế giới rất nhiều nước có ngành hàng không vũ trụ phát triển mạnh như Mỹ, Nga, Trung Quốc... Vậy vì sao chúng ta lại chọn Nhật để hợp tác?
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Chắc hẳn có nhiều lý do khác mà tôi không nắm rõ để trả lời một cách chi tiết, nhưng trong dự án này, khi hợp tác với Nhật, chúng ta có cả thiên thời và địa lợi. Vì Nhật Bản khi đó ngỏ ý sẵn sàng hợp tác và chia sẻ công nghệ với Việt Nam. Còn nếu hợp tác với các nước khác, việc chia sẻ công nghệ vũ trụ không phải là điều đơn giản.
Năm 2013 khi chúng tôi sang Nhật học, các thầy giáo người Nhật - đều là các Giáo sư đầu ngành nói rằng, dự án này hoàn toàn do sinh viên làm, các thầy chỉ hướng dẫn. Vì thế, chúng tôi được tiếp xúc khá sâu với công nghệ vũ trụ của Nhật. Ngay từ khi đó, tôi đã có niềm tin là vệ tinh "made in Việt Nam" sẽ thành công.
Khi được chia sẻ công nghệ, chúng tôi lập tức học hỏi, lĩnh hội kiến thức và càng có cơ sở để tin tưởng rằng chỉ cần có thời gian và được đầu tư bài bản, Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ hàng không vũ trụ.
Làm việc với người Nhật, chúng ta học được điều gì?
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Như chúng ta đều biết thái độ làm việc của người Nhật rất tuyệt vời. Đơn giản là họ đã làm là làm tới cùng. Cứ có deadline (tiến độ kế hoạch) là họ phải hoàn thành cho bằng được. Không quan trọng là ngày hay đêm, không quan tâm là phải thức trắng 3, 4 đêm liên tục.
Ngoài giờ làm việc, có thể họ cũng vui chơi một chút nhưng khi bắt tay vào làm việc họ luôn rất nghiêm túc không đùa cợt. Ngoài ra là sự tỉ mỉ, trách nhiệmtrong công việc, mọi thứ họ đều làm rất cẩn thận. Ở Việt Nam nhiều khi mình bỏ qua những bước đơn giản trong quy trình nhưng người Nhật thì không bao giờ.
Các kỹ sư Việt Nam (áo trắng) đang thử nghiệm chức năng của vệ tinh trong quá trình tích hợp. (Ảnh: VNSC)
Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhật Bản thì bao lâu nữa chúng ta mới hiện thực hóa được giấc mơ đưa vệ tinh "made in Vietnam" vào không gian?
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Theo đánh giá của cá nhân, nếu không có sự giúp đỡ của Nhật hoặc một nước đã phát triển công nghệ vũ trụ thì phải khoảng 50 - 60 năm nữa mới có vệ tinh "made in Vietnam" trong không gian, còn mục tiêu 5 - 10 năm sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.
Bởi khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới hay với Nhật Bản trong ngành công nghiệp vũ trụ là rất xa. Nếu không có sự hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ của các giáo sư Nhật Bản, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi trong lĩnh vực phức tạp và đặc thù này.
Trong dự án này, kỹ sư Việt Nam làm toàn bộ khâu thiết kế, tích hợp vệ tinh, bao gồm các kỹ thuật từ giai đoạn xây dựng nhiệm vụ, thiết kế sơ bộ, thiết kế chi tiết, tích hợp và thử nghiệm. Còn các thầy Nhật sẽ chỉ cho mình phải làm cái này ra sao, phải đọc sách nào, phải giải quyết vấn đề theo hướng nào... chứ các thầy không làm giúp.
Nhóm các nhà khoa học trẻ bên phiên bản 1:1 của vệ tinh Micro Dragon đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
(Ảnh: Đàm Duy)
Khi dự án mới bắt đầu đã có những hoài nghi về khả năng thành công, nhất là khi ngành khoa học vũ trụ ở Việt Nam còn quá mới mẻ. Điều này có khiến các anh thấy lo lắng?
TS Lê Xuân Huy: Sản xuất vệ tinh là một ngành công nghệ cao đặc thù, chỉ một lỗi rất nhỏ cũng dẫn đến hư hại cho toàn bộ hệ thống. Do đó việc lo lắng cho hoạt động của vệ tinh là điều dễ hiểu. Bây giờ ngay cả khi vệ tinh đã phóng vào quỹ đạo và bước đầu vận hành thành công, chúng tôi vẫn tiếp tục lo làm sao có thể khai thác vệ tinh một cách hiệu quả nhất về cả mặt khoa học và công nghệ.
Khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, muốn sửa chữa hay can thiệp thay đổi gì thì hoàn toàn phụ thuộc vào lập trình ban đầu. Với vệ tinh Micro Dragon, chương trình khung là cố định nhưng hầu hết tham số trong thuật toán chúng ta có thể giám sát và cập nhật từ mặt đất. Tức là có thể sửa lỗi hay thay đổi cách hoạt động của vệ tinh một phần dựa vào việc thay đổi những tham số này.
"Dự án này phục vụ đào tạo là chính. Vì thế những mục tiêu đặt ra cho Micro Dragon là đầu bài để mình giải chứ cũng không quá kỳ vọng khi kết thúc dự án, chúng ta sẽ có đầy đủ dữ liệu để nắm rõ được vùng này nên “trồng con gì, nuôi cây gì”! Để ra được kết quả cụ thể như vậy, sẽ cần một thời gian dài nghiên cứu kết hợp với thực nghiệm. Nhưng chúng tôi cảm nhận hướng đi này rất đúng và thiết thực với đất nước chúng ta, một đất nước có nền nông nghiệp phát triển", TS Lê Xuân Huy chia sẻ |
Sau 2 năm hoạt động trên quỹ đạo, hệ thống camera của vệ tinh có thể sẽ bị hỏng hoặc chụp ảnh với chất lượng kém nhưng chúng ta vẫn có thể khai thác được về mặt công nghệ như nâng cao chất lượng các mô hình mô phỏng của vệ tinh dưới mặt đất dựa trên số liệu thật thu nhận từ trên quỹ đạo.
Thách thức lớn nhất trong quá trình tham gia sản xuất vệ tinh Micro Dragon là gì?
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Trước đây chúng tôi đã làm vệ tinh Pico nhưng nó rất nhỏ, chỉ nặng 1kg và chỉ dùng để thử nghiệm. Còn với Micro Dragon, mặc dù chỉ là vệ tinh phục vụ mục đích đào tạo, nhưng nó nặng tới 50kg và được thiết kế với nhiệm vụ ứng dụng cụ thể. Vì vậy lúc đầu chúng tôi đã khá bỡ ngỡ và không biết phải bắt đầu từ đâu... Đây thực sự là thách thức cho cả nhóm.
Micro Dragon được thiết kế có tuổi đời hai năm nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ hoạt động được từ 3 đến 4 năm. Nhiệm vụ của vệ tinh này là sẽ chụp màu sắc nước biển ven bờ, từ đó phân tích xem vùng nào sẽ thích hợp với việc nuôi trồng các loài thủy, hải sản nào.
Micro Dragon là vệ tinh rất phù hợp để theo dõi, quan sát các vùng nước biển, đặc biệt hữu ích với đất nước có hơn 3.000km đường bờ biển như chúng ta.
Ths Ngô Thành Công: Thách thức lớn nhất đối với tôi là phải liên tục nâng cao trình độ. Có nhiều vấn đề mà Việt Nam không được tiếp cận về mặt công nghệ (do cấm vận), phải đến khi qua Nhật chúng tôi mới được tiếp cận. Có rất nhiều điều mới mẻ mà chúng tôi phải học hỏi, tìm hiểu trong một thời gian rất ngắn để bám sát tiến độ chung của dự án.
Vệ tinh 50kg khác khá nhiều so với vệ tinh Pico trước đó, đặc biệt là sự phức tạp của hệ thống. Trong quá trình chế tạo vệ tinh, các thành viên trong nhóm tham gia kiểm thử liên tục, có lỗi sẽ phải sửa lại.
Dám ước mơ, dám chấp nhận thất bại
Tỷ phú Elon Musk không chỉ là doanh nhân thành đạt, ông cũng là người đam mê nghiên cứu về công nghiệp hàng không vũ trụ khi sở hữu Công ty phóng tên lửa không gian SpaceX. Điều gì ở Elon Musk khiến các bạn ấn tượng nhất?
Ths Ngô Thành Công: Elon Musk là một người có tài năng và có rất nhiều thứ mà chúng ta mơ ước. Nhưng trước nhất, tôi học được ở ông một điều: Làm khoa học luôn phải có ý tưởng và dám ước mơ. Đặc biệt, người làm khoa học vũ trụ càng phải dám mơ ước, và nhiều khi phải chấp nhận cả thất bại.
Để tên lửa Falcon - tên lửa đầu tiên của Công ty SpaceX - phóng thành công lên quỹ đạo, Elon đã phải chấp nhận thất bại 3 lần và suýt phá sản.
Ths Ngô Thành Công với phiên bản của vệ tinh Nano Dragon, một dự án đang được triển khai. (Ảnh: Đàm Duy)
Câu chuyện của Elon đã truyền cảm hứng cho những người trẻ có chung niềm đam mê chinh phục vũ trụ. Tôi đã học được nhiều điều từ câu chuyện khởi nghiệp của Elon Musk. Cách đây khoảng 60-70 năm công nghiệp vũ trụ vẫn là viễn tưởng, cách đây 10 năm việc tên lửa phóng lên không gian rồi quay lại trái đất cũng dường như bất khả thi nhưng Elon Musk lại không nghĩ vậy.
Hay cách đây 20 năm mà có ai đó nói Việt Nam có thể chế tạo vệ tinh để phóng lên quỹ đạo thì sẽ bị cho rằng quá viển vông. Nhưng thực tế đã chứng minh những điều tưởng chừng chỉ là giấc mơ lại có thể trở thành hiện thực.
Theo các bạn, thế mạnh của sinh viên Việt Nam trong nghiên cứu khoa học là gì?
Ths Ngô Thành Công: Sinh viên Việt Nam dễ thích ứng và có thể học hỏi cái mới rất nhanh. Chúng ta muốn là sẽ làm được. Cái này một phần cũng do điều kiện nước ta khó khăn nên phải khắc phục để thích nghi. Mỗi sinh viên Việt Nam trong dự án phải kiêm thêm mấy việc chứ không giống như ở Nhật, mmột người chuyên trách một việc.
Có một câu chuyện chứng minh sinh viên Việt Nam rất giỏi, cứ cái khó lại ló cái khôn. Khi cần làm một cái mạch để thử nghiệm, một bạn sinh viên đã tự làm theo cách thông dụng mà hầu như sinh viên Việt Nam nào học điện tử cũng biết.
Nhưng khi thấy sinh viên mình làm được mạch một cách đơn giản như vậy, một vị chuyên gia hàng đầu về hàng không vũ trụ của Nhật Bản đã rất ngạc nhiên và gặng hỏi bạn sinh viên làm sao lại làm được cái mạch như vậy?
Vì từ trước tới giờ ở Nhật muốn làm mạch là phải đến nhà máy, không ai làm mạch theo cách đấy. Dù chỉ làm một cái mạch để thử nghiệm, họ cũng phải mất từ 1 đến 3 tháng. Họ không có quy trình tắt như ta, làm gì cũng phải chuẩn mực!
Đội ngũ kỹ sư phát triển vệ tinh Micro Dragon đều còn rất trẻ, kỹ sư trẻ nhất sinh năm 1992. (Ảnh: VNSC)
Giới trẻ dường như không mấy hứng thú với ngành khoa học vũ trụ. Các điều kiện và chính sách về KHCN của ta cũng chưa đủ tốt để giữ chân những nhà khoa học tài năng. Đây có phải là lực cản khi phát triển ngành hàng không vũ trụ ở Việt Nam?
Hiện, một vệ tinh khác là Nano Dragon (khối lượng 4kg) cũng đang được nghiên cứu, phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam. Vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano. Mới đây JAXA cũng đã thông báo sẽ đưa vệ tinh này lên quỹ đạo theo “Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2”, dự kiến vào năm 2020. |
Ths Nguyễn Đình Châu Minh: Có lẽ đa số các bạn trẻ khi nghe đến nghành này đều nghĩ nó qua xa vời hay không có gì liên quan đến mình. Do đó, tôi nghĩ Trung tâm vũ trụ Việt Nam ngoài nhiệm vụ phát triển các vệ tinh còn có một nhiệm vụ nữa là xã hội hóa ngành này, tạo ra sự đam mê nghiên cứu khoa học vũ trụ đối với giới trẻ.
Ths Quách Trung Đông: Theo tôi, ngành vũ trụ ở Việt Nam đang còn rất mới mẻ và còn thiếu rất nhiều thứ. Khi qua Nhật, chúng tôi được chuyển giao công nghệ, được truyền đạt về tri thức và kinh nghiệm nên thấy tự tin hơn rất nhiều.
Đến thời điểm này, đa phần mọi người đã làm chủ được công nghệ sản xuất vệ tinh, từ quá trình thiết kế, tích hợp dữ liệu. Tất cả mọi thứ mình đều đã được đụng tay vào rồi. Do đó, nếu được đầu tư thiết bị, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ để chế tạo vệ tinh. Đến lúc đó, tôi nghĩ các bạn trẻ sẽ có hình dung và định hướng rõ ràng hơn, từ đó tạo ra cảm hứng, niềm đam mê với ngành này.
Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, các bạn đã gửi gắm những gì với Thủ tướng?
Ths Quách Trung Đông: Hôm đó, tôi đại diện cho cả nhóm để phát biểu với Thủ tướng. Chúng tôi thấy rất vui vì thành quả của cả nhóm đã được Chính phủ quan tâm và trân trọng. Thủ tướng đã trực tiếp tổ chức một buổi gặp mặt trang trọng nhưng cũng rất gần gũi, thân mật.
Chúng tôi đã khẳng định với Thủ tướng về khả năng của nhóm và đề đạt nguyện vọng, mong Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, tạo điều kiện cho chúng tôi sau khi nghiên cứu, học tập từ nước bạn sẽ không bị lãng phí kiến thức, có thể áp dụng những công nghệ đã nắm được để phát triển những vệ tinh tiếp theo.
Xin cảm ơn các bạn và cũng xin chúc cho hành trình chinh phục không gian của các vệ tinh "made in Vietnam" không ngừng vươn xa.
Trong buổi gặp mặt ngày 21.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh; Việc các nhà khoa học trẻ chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon đã minh chứng cho việc tiếp bước truyền thống của người Việt Nam, không chỉ trong khám phá các vùng đất mới, các vùng biển xa mà còn khám phá, khẳng định chủ quyền trên không gian, khẳng định năng lực nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ của người Việt Nam, đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, đây mới là bước đầu khi mà hạ tầng, đội ngũ còn mỏng. Việc phóng hay thu phát số liệu, dữ liệu đều ở Nhật Bản. “Chúng ta suy nghĩ làm sao phát triển công nghệ vũ trụ, trước hết là phóng những vệ tinh phục vụ cho quốc kế dân sinh, cho thương mại… phải được Việt Nam làm chủ”, Thủ tướng lưu ý và bày tỏ hy vọng “các bạn trẻ, lứa tuổi 30 ở đây tiếp nối tinh thần dám đương đầu với thử thách công nghệ, để góp phần làm cho hình ảnh Rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới”. |
Theo Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn