Tứ đại danh trà của Việt Nam

Thứ năm - 30/08/2018 06:13
Được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp nên từ lâu Việt Nam đã nổi tiếng với những vùng chè bạt ngàn xanh.
Mỗi vùng chè được chắt lọc tinh hoa từ thổ nhưỡng, khí hậu và cái tâm của người bản địa tạo nên những thức trà nổi tiếng trong nước và thế giới. Trong đó, trà Suối Giàng (Yên Bái), trà Tà Xùa (Sơn La), trà Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và trà Tân Cương (Thái Nguyên) đã hợp thành “tứ đại danh trà” của nước ta, được nhiều người thưởng trà biết đến.

Trà Suối Giàng (Yên Bái)

Chè Suối Giàng (Yên Bái) xưa nay được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”. “Cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng ít (đến nay, dù đã tăng thêm diện tích trồng nhưng mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ mới thu hái được chừng 200 tấn chè búp); “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh. Và vì cả bốn “cực” trên nên đương nhiên, có thêm “cực đắt”.

Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Khi đến mùa thu hoạch, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh cô gái Mông trong chiếc váy xòe bắt mắt trèo lên những cây chè cổ thụ hái búp xanh non. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh.

Chè Shan Tuyết Suối Giàng – Yên Bái được chế biến rất công phu. Củi dùng để sao chè nhất định phải là loại củi đã được phơi khô cháy đượm. Khi sao chè, người sao phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa lúc nào cũng phải liu riu thật đều. Khi chè sao xong được đưa ra vò bằng tay, trong quá trình vò người làm phải khéo léo để trà không bị nát, không làm mất hương và làm rơi hết những tuyết trắng còn bám trên búp trà. Thành phẩm cuối cùng là những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang trong mình sự tinh túy của núi ngàn Tây Bắc.

Để pha trà Shan Tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì chén trà mới có hương vị đậm đà và màu sắc tươi hơn. Nước đã sôi già, tráng qua một lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại. Chế nước sôi đầy ấm đến mức bọt trào ra ngoài rồi mới đậy nắp chờ vài phút. Ấm pha trà chọn loại sứ nung già lửa sẽ có hương thơm đúng vị. Nước trà sóng sánh như mật ong rừng, sau khi uống vị ngọt, đượm cảm nhận được vị của trà rất lâu như hương của núi rừng tan dần trong miệng. Trà Shan Tuyết có tác dụng tốt cho cơ thể, chống ôxy hoá, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái.

Trà Tà Xùa (Sơn La)

Chè Tà Xùa xuất xứ từ xã Tà Xùa cách huyện Bắc Yên, Sơn La khoảng 14km đường rừng núi cheo leo. Cây chè ở đây rất đặc biệt, có búp trắng cánh vàng tạo một hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Khác với chè Thái Nguyên, Mộc Châu, chè Tà Xùa có búp trắng cánh vàng tạo một hương vị đặc trưng riêng không nơi nào có được, khi pha nước trà có màu vàng sánh như mật ong. Một ấm trà nhỏ nhưng sau bốn, năm lần thêm nước, màu nâu sẫm đó và hương vị chè vẫn còn giữ nguyên, những búp chè nở bung ra như những cánh hoa.

Những người lần đầu uống trà Tà Xùa, có thể sẽ cảm thấy hơi lạ với hương trà và vị đắng chát sau đó dần chuyển sang ngọt dịu ngay từ ngụm trà đầu tiên, nhưng nếu đã quen rồi thì khó mà bỏ được.

Trà Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)

Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Trong những vùng chè Shan tuyết cổ thụ, vùng chè Tây Côn Lĩnh – Hà Giang được đánh giá là địa phương có sản phẩm chè Shan tuyết thơm ngon nổi tiếng. Rừng chè Shan tuyết nơi đây có tuổi thọ từ 100 năm đến 300 năm tuổi.

Chè Shan tuyết Tây Côn Lĩnh mọc thẳng, vươn cao, lá to, búp và lá có nhiều lông trắng như tuyết. Cây chè ở đây mọc hoang dại hơn các vùng chè Shan tuyết khác. Cây chè sinh trưởng khỏe, chịu ẩm, chịu lạnh rất tốt. Cho đến tận bây giờ, các vùng chè Shan tuyết lâu đời của Hà Giang được coi là vùng chè “cực sạch” vì sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên. Đồng bào dân tộc Mông, Dao nơi đây trong quá trình chăm sóc và thu hái chè Shan tuyết không bao giờ sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là khai thác tự nhiên. Vào mùa Đông, chè bị đốn và phát cỏ, vun gốc. Sang Xuân, vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người dân nơi đây bắt đầu thu hái chè vụ đầu của năm.

Trà Shan tuyết Tây Côn Lĩnh khi pha nước có màu vàng mật bắt mắt, hương thơm mạnh, vị đậm dịu, khiến bất cứ ai khi thưởng thức chén trà đều không thể quên.

Trà Tân Cương (Thái Nguyên)

Với diện tích gần 20 nghìn ha, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác, số lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chè. Ở Thái Nguyên có nhiều vùng chè ngon nổi tiếng, nhưng ngon nhất vẫn là vùng chè Tân Cương.

Mang danh đệ nhất danh trà đất Việt, trà Tân Cương (Thái Nguyên) mang một hương vị đặc biệt mà chẳng thể lẫn vào đâu, không thể lẫn với bất cứ loại trà nào trên thế giới. Về vẻ bề ngoài, chè Tân Cương có màu xanh đen, xuăn chặt, cánh chè gọn nhỏ, trên bề mặt cánh chè có nhiều phấn trắng. Trà Tân Cương với hương vị đậm đà, màu nước trong xanh, vàng nhạt, sánh. Nước trà có vị chát ngọt, dễ dịu, hài hòa, gần như không cảm nhận có vị đắng. Mùi trà thơm ngọt, dễ chịu khiến cho người yêu mến trà sẽ nhớ mãi hương vị, màu sắc đậm đà và sâu lắng này.

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây