Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Nội dung gây chú ý nhất là ngoài đề xuất tiếp tục tăng thuế đối với rượu bia, Bộ Tài chính còn đề xuất bổ sung nhiều mặt hàng như đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn... vào diện chịu thuế.
Đề xuất này lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất đánh thuế nước ngọt, tăng thuế rượu bia đang gây tranh cãi. Ảnh: TÚ UYÊN
Thuế còn thấp nên phải tăng
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng dù đã tăng thuế TTĐB với rượu bia lên mức 65% nhưng thời gian qua tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn cao và có xu hướng tăng nhanh. Ví dụ năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân là 47,6 lít/người, bằng 1,2 lần so với bốn năm trước đó.
Mặt khác, Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho biết mức điều chỉnh tăng thuế TTĐB với rượu bia chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng. Bằng chứng là năm 2016, sau khi tăng thuế TTĐB, tổng sản lượng tiêu thụ bia vẫn tăng 3,6%. Chưa kể, giá rượu bia của Việt Nam hiện rất rẻ và sức mua tăng mạnh.
“Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuế rượu bia mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỉ lệ thuế chiếm 40%-85% giá bán lẻ. Với mức tăng thuế để giá tăng 10% sẽ làm giảm khoảng 5% tiêu thụ rượu bia” - Bộ Tài chính dẫn chứng.
Đánh thuế đồ uống có đường, nước giải khát không chỉ ảnh hưởng đến ngành này mà còn tác động đến nhiều ngành nghề khác.
Tương tự, với đồ uống có đường, Bộ Tài chính viện dẫn tài liệu từ WHO cho rằng đường là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch, đái tháo đường. Vì vậy, WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.
Chia sẻ với báo chí, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý và đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy riêng năm 2021 sản lượng các loại nước giải khát tại Việt Nam đạt khoảng 9 tỉ lít/năm, trong đó chủ yếu là nước ngọt, trà uống liền, nước ép hoa quả các loại, nước tăng lực…
Tăng là cần thiết nhưng không phải ở thời điểm này
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Ông Katsuhiko Usui, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết rượu bia, nước giải khát đã phải đối mặt với khó khăn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Thị trường được dự báo dần phục hồi trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định, như giá nguyên vật liệu trên toàn thế giới tăng vọt.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu tăng thuế là tăng nguồn thu có khả năng sẽ khó đạt được do tổng nhu cầu thị trường giảm sút khi mức thuế được nâng lên. Chưa kể, nếu thuế tăng người dùng có thể chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, không an toàn và chất lượng thấp hơn. Đồng thời, cũng không loại trừ sự xuất hiện và gia tăng của hàng giả, hàng nhập lậu.
“Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần xem xét lùi thời điểm tăng thuế và nới lỏng phạm vi tăng thuế” - ông Katsuhiko Usui kiến nghị.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng tiếp tục tăng thuế TTĐB đối với rượu bia là cần thiết nhưng cần có sự hài hòa giữa lợi ích các bên, tính khả thi và sự công bằng.
Phân tích kỹ hơn, TS Việt cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian dài khiến sức ép chi phí lên cộng đồng doanh nghiệp nói chung, gồm ngành đồ uống rất lớn. Bên cạnh đó, từ giữa năm 2022 lãi suất cho vay tăng khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên khá cao, lợi nhuận chưa đạt được như trước dịch.
Cùng với đó, nhu cầu của xã hội chưa thực sự hồi phục, thu nhập của người lao động bấp bênh… Vì vậy, nếu tiếp tục tăng thuế TTĐB sẽ tăng gánh nặng và cơ hội phục hồi của doanh nghiệp càng khó khăn.
Vẫn theo TS Việt, nước ngọt cũng chiếm một tỉ trọng trong chi tiêu hằng ngày và trong tổng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình. Nó cũng chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong rổ tính lạm phát của Việt Nam. Vì thế, nếu tăng thuế TTĐB 10% tất cả đồ uống có đường sẽ tạo mặt bằng giá mới đối với nhiều mặt hàng trong đời sống.
“Tôi cho rằng chính sách đưa ra cần công bằng, khách quan. Trong điều kiện cụ thể Việt Nam chúng ta cần đánh giá rõ tiêu thụ nước ngọt có đến mức tạo ra mặt bằng chung về béo phì, tim mạch hay chưa. Hay thực tế chỉ một vài trường hợp do nghiện hoặc lạm dụng thì chưa thuyết phục để cần hạn chế tiêu dùng thông qua tăng thuế” - TS Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cũng cho rằng việc đảm bảo nguồn thu thông qua tăng thuế là cần thiết nhưng Nhà nước cần cân nhắc thêm thời điểm phù hợp hơn, nhất là năm 2023 dự báo nhiều thách thức không lường trước được. Cụ thể như tín dụng thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, các chi phí đầu vào đã tăng 15%-30% do nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc vào biến động kinh tế thế giới.
“Ngành rượu bia, nước giải khát rất lo lắng với đề xuất này. Tăng thuế sẽ đẩy giá, tăng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, trong khi đó Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai, gia hạn thêm các gói hỗ trợ. Vì vậy chúng tôi kiến nghị Nhà nước xem xét lộ trình sửa đổi Luật Thuế TTĐB phù hợp hơn, nên từ sau năm 2025” - ông Việt nhấn mạnh.•
Nhiều áp thuế với đồ uống có đường
Hiện nay, trong khối ASEAN có 6/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Đó là Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Myanmar.
Ví dụ, Thái Lan thu thuế TTĐB với đồ uống có ga là 20%, nước khoáng nhân tạo là 25%, nước hoa quả nhân tạo không lên men là 4%. Campuchia thu thuế TTĐB với đồ uống có ga không cồn và tương tự với thuế suất 10%.
Tại Việt Nam, hồi năm 2018, Bộ Tài chính từng đề xuất bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 10%.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều bộ, ngành, chuyên gia. Bởi nó không chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành đồ uống, đến người dùng mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu của các ngành như trà, cà phê, mía đường...