Yêu cầu cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục làm nhà ở xã hội
Ngày 27/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, Phó thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội.
Về quy định các giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị không quy định riêng nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác xoay quanh phân khúc nhà ở xã hội cũng được đưa ra thảo luận. Theo đó, nhiều đại biểu đồng thuận với quy định nộp tiền sử dụng đất được tính tại thời điểm chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, với quy định trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ (được xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) phải nộp tiền sử dụng đất, Phó thủ tướng yêu cầu xem xét, tính toán, quy định cụ thể bảo đảm quyền lợi của bà con đồng bào dân tộc tộc thiểu số, người dân ở vùng khó khăn.
Đối với các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, các đại biểu kiến nghị cho phép chủ đầu tư được đề xuất hình thức thực hiện là dành một phần diện tích, bố trí quỹ đất thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội với tỷ lệ tối thiểu là 20%.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo địa phương cũng đã đưa ra những góp ý trong công cuộc phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm về chính sách tín dụng ưu đãi, diện tích, hệ số sử dụng đất tối thiểu đối với nhà ở xã hội riêng lẻ; quy định thêm trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước đối với nghĩa vụ xây nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; xem xét lại quy định bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân…
Doanh nghiệp nào đăng ký thực hiện dự án khu dân cư Phú Phong tại Hà Tĩnh?
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án khu dân cư Phú Phong, huyện Hương Khê.
Kết quả, dự án này có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính H&A và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Thi.
Theo đó, Dự án khu dân cư Phú Phong được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 01/02/2024. Dự án có quy mô diện tích sử dụng đất 9,83ha và có tổng mức đầu tư hơn 154 tỷ đồng, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu công khai, có hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án vào lúc 15h ngày 20/5/2024.
Về quy mô, sản phẩm dự án bao gồm 290 lô đất ở, trong đó 17 lô đất biệt thự và 273 lô đất liền kề (chủ đầu tư dự án được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch); các công trình công cộng thương mại và trường mầm non (chủ đầu tư thực hiện đầu tư, xây dựng và kinh doanh, khai thác); công trình nhà văn hóa và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trạng khu đất chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, đất ở, đất hạ tầng khác (chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 22,084 tỷ đồng). Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào vận hành, khai thác được xác định là trong 24 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất.
Nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 35,289 tỷ đồng; đối với phần kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự là số lượng dự án mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính 01 dự án trong lĩnh vực khu đô thị, nhà ở thương mại, công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng.
Hải Dương chuyển đổi hơn 63ha đất trồng lúa để xây dựng cụm công nghiệp Toàn Thắng
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản (do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký thay) về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để xây dựng cụm công nghiệp Toàn Thắng, huyện Gia Lộc (Hải Dương).
Theo đó chấp thuận cho UBND tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 63,55 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Toàn Thắng (Gia Lộc) theo thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất, bảo đảm thống nhất hồ sơ và thực địa, bảo đảm chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ. Địa phương phải bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách sử dụng tầng đất mặt, bảo vệ cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi phục vụ công tác cấp, thoát nước, phòng chống hạn hán, cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp đã đầu tư theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh chịu trách nhiệm về quyết định thành lập cụm công nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư bảo đảm theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. UBND tỉnh Hải Dương chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất khi dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật...
Cụm công nghiệp Toàn Thắng có tổng diện tích 75,8 ha, địa điểm thuộc địa bàn các xã Toàn Thắng, Hồng Hưng và Đoàn Thượng (Gia Lộc). Tổng vốn đầu tư dự án gần 843 tỷ đồng.
UBND huyện Hoằng Hóa được phê duyệt phương án đấu giá 7 mặt bằng quy hoạch
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ủy quyền cho UBND huyện Hoằng Hóa quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 7 mặt bằng quy hoạch, với tổng diện tích quy hoạch là 9,19ha, diện tích đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất là 3,8ha.
UBND huyện Hoằng Hóa có trách nhiệm tổ chức việc đấu giá theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; quyết định đấu giá quyền sử dụng đất; giám sát thực hiện cuộc đấu giá theo quy định; ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá; hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá (nếu có) và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục về đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
UBND huyện Hoằng Hóa chỉ được đưa quỹ đất ra đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất khi mặt bằng đưa ra đấu giá đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá và Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND 19/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, UBND huyện Hoằng Hóa và Sở Tư pháp chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan liên quan về tính chính xác của nội dung tham mưu, đề xuất về ủy quyền phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt.
Riêng UBND huyện Hoằng Hóa có trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Đấu giá tài sản, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh và pháp luật liên quan. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện Hoằng Hóa kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nhiệm vụ vượt thẩm quyền (nếu có) để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Kết thúc nhiệm vụ được ủy quyền, UBND huyện Hoằng Hóa báo cáo kết quả bằng văn bản về UBND tỉnh Thanh Hóa để theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, gửi về Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi.
Giao Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh và Công an tỉnh Thanh Hóa theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện Hoằng Hóa triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.