Không phù hợp với yêu cầu bảo mật
Tại phiên thảo luận, ĐB Phạm Thị Thu Trang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc quy định tại khoản 2, điều 27 về cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cho ngành thuế.
Cụ thể dự luật quy định, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế là phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng - là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, bao gồm: thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế.
“Quy định này không phù hợp với yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”, ĐB Trang lưu ý.
ĐB Phạm Thị Thu Trang |
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của hệ thống pháp luật và sự chấp thuận của khách hàng.
Vì vậy, phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần có sự hài hoà của các quy định pháp luật để không làm ảnh hưởng tới uy tín, hoạt động của ngân hàng, tránh việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật.
“Đặc biệt, phải nghiên cứu rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền cung cấp thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin một cách chặt chẽ. Việc khấu trừ tiền trong tài khoản nộp thuế phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp”, bà Trang nói.
ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng, số dư tài khoản ngân hàng không nói lên việc cá nhân, DN trốn thuế hay không. Do đó, ngành thuế không có cơ sở để đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin.
“Nếu có thể thì ngân hàng chỉ cung cấp giao dịch ngân hàng khi cơ quan thuế có nghi vấn và cần kiểm tra phát sinh giao dịch để xác minh thuế. Còn thông tin số dư tài khoản chỉ cơ quan điều tra hay cơ quan chống rửa tiền mới được quyền yêu cầu cung cấp với những tài khoản nào cần phải phong tỏa”, ĐB Cường lưu ý.
Không có chế tài không quản lý được
Ở chiều ngược lại, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo luật đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn các bộ, cơ quan trong quản lý thuế, thể hiện sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ngành trong thu thuế. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã cung cấp các thông tin tài khoản DN, cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế khi có yêu cầu, song một cá nhân có nhiều tài khoản khác nhau.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
“Nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này có thể dẫn tới thất thu thuế. Và ngân hàng, với xu thế cạnh tranh để đảm bảo nguồn khách hàng nhiều khi cũng không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế”, ĐB Thơ lo ngại.
Vì vậy, bà đề nghị cần có sự chỉ đạo, vào cuộc phối hợp chính quyền các cấp, ngành hỗ trợ cơ quan thuế thu được thuế cao nhất.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng luật hiện hành cũng như luật mẫu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có quy định về cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng khuyến nghị chúng ta phải có quy định về việc này.
“Phải chế tài sao cho phù hợp với tình hình. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta đang phát triển giao dịch điện tử cũng như thương mại qua biên giới, ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài thì không có chế tài sẽ không quản lý được", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo ông, nền kinh tế của Việt Nam là kinh tế tiền mặt nên nhiều vấn đề phải xem xét xử lý, phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng.
Thu Hằng
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn