Tàn ác đối với động vật là hành vi phải lên án

Thứ tư - 09/01/2019 09:00
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về việc một số đối tượng săn bắt và giết hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, rồi chụp ảnh, quay clip, thậm chí còn phát trực tiếp lên mạng xã hội để “khoe chiến tích”. Nhiều bạn đọc đã lên tiếng phê phán đó là hành vi tàn bạo, đối xử với động vật một cách phi nhân tính và cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Xin đừng kiếm tiền bằng săn bắt, bán chim non

Chạy xe trên Tỉnh lộ 2, địa bàn ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi, TPHCM), tôi thường thấy một phụ nữ bày bán rất nhiều chim non bên lề đường. Tôi đã dừng xe, đứng lại quan sát, thấy trong 3 rổ nhựa to có trên 100 con chim sáo còn non, lông cánh chưa mọc đều đang đói há miệng đòi ăn. Người bán dùng xi lanh hút trong hộp nhựa một chất dung dịch sền sệt lần lượt bơm vào miệng từng con cho ăn, sau đó tiếp tục dùng xi lanh bơm nước cho chúng uống.

Người bán cho biết: “Từ trẻ con đến người lớn đều thích nuôi chim sáo, vì muốn chim nói được tiếng người cho vui tai. Mỗi con sáo non như vậy bán 150.000 đồng, có nhiều người mua. Chim sáo bị bắt khi còn nhỏ xíu, mới mở mắt. Người ta tập cho chim non ăn cám thực phẩm, vì thứ này rất rẻ tiền, dễ mua, không phải cực công đi bắt cào cào, châu chấu, dế, nhái… cho chim ăn như cách đây chục năm. Tôi sang tận bên Campuchia mua mang về đây bán kiếm chút tiền lời”.

Tàn ác đối với động vật là hành vi phải lên án ảnh 1
Chim sáo non bày bán trên Tỉnh lộ 2, huyện Củ Chi, TPHCM
 
Thấy trên rổ có 2 con chim hơi to, mỏ quặp, tôi hỏi thì người bán cho biết: “Đây là đại bàng, tôi mới bán một cặp 1,4 triệu đồng, còn cặp này có người điện thoại dặn trước chút nữa đến lấy”.

Nhìn lũ chim non đói há miệng kêu thảm thiết, thật tội nghiệp. Các chim quý đã bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng, vậy mà người ta vẫn đang kiếm tiền bằng việc nhẫn tâm săn bắt, bán chim non, kể cả đại bàng con. Nếu có ý thức và từ tâm, không xâm hại môi trường sinh thái, mọi người nên “nói không” với việc mua bán này. 

                                                          TRẦN VĂN TÁM (huyện Củ Chi, TPHCM)

Có ý thức giữ gìn môi trường sinh thái

Việc giết hại dã man động vật hoang dã rồi đưa lên mạng xã hội là hành vi lệnh chuẩn đạo đức, không có tính nhân văn, lấy sự thống khổ của sinh vật khác làm vui - một thú vui phi đạo đức, vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Chuyện săn bắt chim để dùng làm thực phẩm trong các nhà hàng là một thí dụ điển hình về việc gây bất cân bằng sinh thái, là nguyên nhân làm bùng phát nạn sâu rầy.

Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tiền 500.000 - 2 triệu đồng, hoặc phạt tù 1 - 5 năm đối với người có hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Ngày 27-12-2018, 6 người giết voọc để làm mồi ăn nhậu đã bị Công an huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) khởi tố và bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Đó là sự xử lý cần thiết và thích đáng với những kẻ thiếu ý thức giữ gìn môi trường sinh thái, thách thức sự phẫn nộ của cộng đồng.

Xin đừng tìm vui và “khoe chiến tích” bằng việc săn bắt, giết hại động vật hoang dã! Điều đáng khoe là khi chúng ta giúp một cá thể động vật hoang dã trở về với môi trường thiên nhiên của chúng. Góp phần vào việc cân bằng môi trường sinh thái tự nhiên là góp phần bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. 
                                               TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Ngăn chặn và xử lý những hành vi bạo hành, ngược đãi động vật

Còn nhớ vào năm 2015, tại TPHCM, Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) đã phát động chiến dịch “Về đi Vàng ơi” nhằm nâng cao sự đồng cảm của người dân nước ta đối với loài chó, đồng thời qua chiến dịch này kêu gọi chấm dứt nạn trộm, giết mổ và tiêu thụ thị chó ở Việt Nam.

Thế nhưng đến nay mục tiêu ấy vẫn chưa đạt được, tình trạng trộm chó, giết mổ, ăn thịt chó ở Việt Nam vẫn chưa xóa được. Ở các nước tiên tiến, người ta có hẳn những đạo luật chế tài hành vi bạo hành, ngược đãi động vật. Có những trường hợp phải ngồi tù 5 năm, thậm chí là 10 năm vì hành vi tàn ác gây ra cho động vật. Trong khi đó, ở nước ta, hành vi bạo hành với động vật chưa bị xử lý, ngăn chặn.

Đã đến lúc phải coi sự tàn ác đối với động vật cũng là một hành vi vi phạm pháp luật, để có cơ sở pháp lý ngăn chặn và xử lý nạn bạo hành, ngược đãi động vật. Nếu vẫn cứ coi nhẹ việc này thì sẽ không giáo dục, nuôi dưỡng từ tâm ở từng con người, dẫn đến thói quen bạo hành và cư xử nhẫn tâm. Và nếu vẫn cứ coi nhẹ việc này, rất nhiều động vật hoang dã sẽ còn bị tận diệt, tuyệt chủng.

                                             VÕ MINH HUY (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)

Theo SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây