Nhiều năm nay, dự án phải dừng lại, để lại một “di sản” về khai khoáng mà Hà Tĩnh chưa biết xử lý thế nào. Còn ở Trung ương, văn bản đi văn bản lại, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã rót vào dự án hơn 1.800 tỷ đồng và vẫn đang "nín thở" nằm chờ.

Đề nghị dừng dự án

Thực tế, “số phận” của dự án sắt Thạch Khê được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) - đơn vị có nhiệm vụ đánh giá về việc đầu tư dự án.

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã có kiến nghị Thủ tướng dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, đóng cửa mỏ vì không bảo đảm hiệu quả kinh tế và tránh nguy cơ một thảm họa môi trường.

Dự án Sắt Thạch Khê bao năm vẫn dền dứ chưa quyết làm tiếp hay không

Dự án Sắt Thạch Khê bao năm vẫn dền dứ chưa quyết làm tiếp hay không

Trong báo cáo đánh giá những hệ lụy và giải pháp xử lý đối với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), Bộ KH-ĐT cho rằng TIC thực hiện dự án chưa bảo đảm phát triển bền vững, chưa thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng quặng khai thác cho nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm theo giấy phép đầu tư, giấy phép khoáng sản được cấp.

Trước đó, kết luận thanh tra của Tổng cục Địa chất và khoáng sản cũng chỉ ra mỏ sắt Thạch Khê thực hiện công tác thử nghiệm công nghệ trên nền cát và sét giai đoạn 1 khoảng 1,5 triệu m3 từ 2007 - 2009 khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép là chưa phù hợp với quy định của Luật khoáng sản.

Tổng mức đầu tư của dự án gồm 2 giai đoạn được lập tại thời điểm năm 2014 là 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn I: 7.739,8 tỷ đồng).

Với nhiều nội dung chưa được tính toán đầy đủ và nếu cập nhật bổ sung các yếu tố trượt giá thì tổng mức đầu tư của dự án tại thời điểm hiện nay có thể lớn hơn nhiều.

Từ 2009 - 2011, TIC tiếp tục bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m, với khối lượng 12,7 triệu m3, thu hồi được 3.000 tấn quặng sắt khi không có thiết kế kỹ thuật dự án được cấp thẩm quyền duyệt.

Theo Bộ KH-ĐT, trường hợp TIC vi phạm các quy định của Luật khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản và các văn bản pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ tại giấy phép sẽ bị thu hồi giấy phép và TIC phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Thời gian qua, các cổ đông TIC không có khả năng góp vốn theo tiến độ cam kết, trong khi theo quy định của Luật khoáng sản, TIC phải góp đủ vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng vốn đầu tư dự án, tương đương 4.350 tỉ đồng.

Một báo cáo gần đây của Bộ Công thương cũng nhận định TIC không còn tiền đầu tư trong khi nhu cầu kinh phí đầu tư lớn. Ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 114 tỉ đồng/năm, cần bổ sung thêm 1.000 tỉ phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Từ góp ý của các bộ, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho kết thúc dự án, bổ sung mỏ này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đến khi hội tụ đủ các điều kiện khai thác, khả thi về hiệu quả kinh tế.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Thành Thống vào hồi đầu tháng 10/2019, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng kiến nghị Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị kết luận về chủ trương dừng khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của TIC còn rất nhiều vấn đề bất cập và đáng lo ngại khi công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, điều đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh lo ngại là vấn đề năng năng lực tài chính của TIC và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cổ đông chính - không đảm bảo.

1.800 tỷ "nín thở" nằm chờ

Trong khi Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất dừng dự án thì, Bộ Công Thương, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng như chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê lại không đồng tình.

Dự án "Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh" với diện tích đất sử dụng là 3.877 ha được Chính phủ quyết định cho triển khai vào năm 2007 trên cơ sở thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (Công ty TIC) vào ngày 17/5/2007 với 9 cổ đông, vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cổ đông chính.