Họ tự nhận mình đã bị “sập bẫy” bởi tin vào những lời hứa về chính sách ưu đãi của ngân hàng này.
Để thu hút khách hàng vay vốn đầu tư mua máy gặt của hãng Kubota, LienViet PostBank đã có thư ngỏ và thông báo triển khai cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ68) về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Theo thông báo của ngân hàng này ngày 28/3/2017, việc triển khai “Sản phẩm cho vay máy nông nghiệp Kubota” thực hiện theo QĐ68. Như vậy, khách hàng vay vốn sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ 3. Thời điểm hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay được tính từ ngày giải ngân.
Thông báo cho vay mua máy nông nghiệp Kubota theo QĐ 68 của LienViet PostBank |
Chiểu theo quy định trên, thì khách hàng vay vốn của LienViet PostBank để mua máy nông nghiệp Kubota sẽ không phải trả bất cứ khoản tiền nào liên quan đến lãi suất trong vòng 2 năm đầu, mà chỉ phải trả tiền gốc theo kế hoạch trả nợ đã cam kết với ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đưa ra những ưu đãi hấp dẫn, như tài sản bảo đảm linh hoạt (bất động sản, phương tiện vận tải…) và nhận bổ sung với chính máy móc, thiết bị vay vốn để mua. Mức cho vay khá cao, lên tới 90% giá trị máy móc/tài sản bảo đảm…
Sau khi tiếp cận thông tin về quy trình triển cho vay mua máy nông nghiệp Kubota theo QĐ68 của LienViet PostBank, Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, đã phát hiện những dấu hiệu làm sai quy trình rất rõ ràng của LienViet PostBank. |
Những thư ngỏ, thông báo trên được ngân hàng gửi về Công ty TNHH Kubota Việt Nam để hợp tác triển khai gói tín dụng trong toàn hệ thống đại lý của Kubota. Nắm bắt cơ hội trên, rất nhiều người đã thế chấp sổ đỏ cho LienViet PostBank để vay vốn mua máy gặt đập liên hợp, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
Tuy nhiên, trái với niềm vui khi được ngân hàng mời chào vay vốn theo QĐ68, thứ mà khách hàng nhận được là sự thất vọng ê chề, kèm với đó là gánh nặng tài chính đè trên vai.
Ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì (Hà Nội) bức xúc: "Giữa tháng 7/2017, đại lý của hãng Kubota và Ngân hàng Liên Việt thống nhất cho gia đình tôi vay 500 triệu đồng với lãi suất 0% trong vòng 2 năm đầu. Họ bảo tôi trước mắt cứ đóng tạm (ứng trước) lãi suất 6 tháng đầu cho ngân hàng nên tôi đóng luôn hơn 20 triệu, trong thời gian đó ngân hàng sẽ xin cấp bù lãi suất vốn vay của nhà nước và trả lại khách hàng. Tuy nhiên, vừa rồi LienViet PostBank lại thông báo gia đình tôi phải nộp tiếp lãi suất 6 tháng cộng với trả nợ tiền gốc. Như vậy là không thể chấp nhận được".
Bởi theo ông Thọ, là người dân, ông tin tưởng vào Ngân hàng Liên Việt và hãng máy Kubota. Họ nói rằng, nhà nước có chính sách ưu đãi thì ông mới mua, chứ nếu mua mà phải đóng lãi như kiểu vay vốn thương mại bình thường thì làm sao gia đình có tiền đầu tư? Vả lại, vay vốn mà chịu lãi suất thương mại thì ông vay ngân hàng nào chả được, cần gì cứ phải đến Ngân hàng Liên Việt mới vay được vốn.
Ông Thọ khẳng định sẽ phản đối quyết liệt đến cùng, nếu kỳ nộp tiền gốc tới ngân hàng lại bắt gia đình nộp thêm lãi suất. “Ngân hàng đã thông báo cho chúng tôi sẽ cho vay theo QĐ68 thì phải chịu trách nhiệm với chúng tôi. Nếu ngân hàng và hãng Kubota bội ước thì chẳng khác nào lừa khách hàng”, ông Thọ nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nghiêm Bá An như rụng rời chân tay khi nhận được thông báo nợ đến hạn lần 2 của ngân hàng. Đến ngày 1/8/2018, ông sẽ phải trả tiền gốc và lãi suất vay vốn, trong đó 50.000.000 đồng tiền gốc và 20,362,500 đồng tiền lãi (trong 6 tháng).
Ông Nghiêm Bá An bức xúc khi vay vốn ngân hàng để mua máy nông nghiệp nhưng không nhận được hỗ trợ lãi suất theo QĐ 68 |
Ngân hàng LienViet PostBank yêu cầu ông An đóng lãi suất định kỳ 6 tháng/lần theo mức lãi suất thông thường |
Vốn kinh tế khó khăn, ông An mơ ước có chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota để làm dịch vụ thu hoạch lúa, góp phần tăng thu nhập. Cả gia đình đã cắm sổ đỏ nhà đất cho LienViet PostBank để vay 500 triệu đồng mua máy nông nghiệp theo QĐ68 (hưởng lãi suất 0% trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ 3).
Đáng lẽ, ông An chỉ phải trả tiền gốc 50 triệu/kỳ (cách nhau 6 tháng), nhưng ngân hàng vẫn bắt gia đình phải ứng trước lãi suất 6 tháng đầu (mức lãi suất 9%/năm). Đến hiện tại đã gần 1 năm trôi qua, ngân hàng không những không trả lại tiền lãi suất cho gia đình (đã ứng trước) theo chính sách hỗ trợ của nhà nước mà còn bắt ông An đóng thêm 20 triệu đồng tiền lãi suất của kỳ 2. Như vậy, ngân hàng đã không giải ngân vốn theo đúng tinh thần NQ68 của Thủ tướng Chính phủ.
“Điều đó chẳng khác nào ngân hàng nói một đằng làm một nẻo. Gia đình vừa bức xúc, vừa lo lắng nhưng chẳng biết kêu ai vì ngân hàng đang nắm đằng chuôi, cầm hết sổ đỏ nhà đất của chúng tôi. Họ nói gì chúng tôi phải làm theo thế”, anh Nghiêm Bá Thanh – con trai của ông An nói.
“Mỗi chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota trị giá khoảng 560 triệu đồng. Mỗi năm có hai vụ thu hoạch lúa, trừ chi phí khấu hao, dầu máy và thuê người lái, chủ máy thu được khoảng 70 – 100 triệu đồng. Nếu không có ưu đãi lãi suất của nhà nước, chúng tôi làm sao dám vay tiền ngân hàng để mua? Vậy mà bây giờ Ngân hàng Liên Việt đè gia đình nhà tôi ra để thu lãi suất, thực sự quá bất công”, ông An chia sẻ. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn