Cảng Quảng Trường. Ảnh: Lê Hữu Chính
Báo Thanh tra nhận được phản ánh của người dân thôn Đông Phúc, xã Liên Trường về tình trạng hàng ngày phải chịu đựng tiếng ồn và bụi bặm mỗi khi cảng Quảng Trường tiến hành vận chuyển và bốc xếp đá đen, được xay nhỏ như bây (base) lên tàu thuỷ để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Theo người dân, trước đây cảng này là cảng nội bộ được sử dụng để bốc xếp, vận chuyển xi măng từ Nhà máy xi măng Thanh Trường đi nơi khác, nhưng từ khi nhà máy xi măng dừng hoạt động thì cảng này cũng hầu như không hoạt động. Khoảng gần một năm nay, thì cảng Quảng Trường hoạt động lại với lượng xe đầu kéo (xe 6 chân) chạy liên tục để vận chuyển đá về cảng.
Phóng viên có mặt tại khu vực cảng (thôn Đông Phúc) ghi nhận, có khoảng 5 chiếc xe đầu kéo đang thay phiên nhau ra vào đổ đá ở băng chuyền để chuyển lên tàu. Con đường từ cảng nối ra Quốc lộ 1A chừng 500m, đi qua hơn chục hộ dân. Con đường giao thông nông thôn này là đường bê tông chỉ rộng chừng 4m, tải trọng cho phép dưới 10 tấn, nhưng mỗi ngày phải gồng gánh hàng chục lượt xe đầu kéo có tải trọng từ 40 đến hơn 50 tấn chạy qua. Người dân sống cạnh hai bên đường phải tưới nước hằng ngày để chống bụi vì lượng xe chạy liên tục gây ra bụi đường không chịu nổi.
Tưới nước chống bụi. Ảnh: LHC
Bà Huệ, có nhà sát cạnh đường bê tông và cách cảng chỉ khoảng 200m, đang cầm vòi nước vừa tưới vừa bức xúc nói: “Bụi nhiều lắm chú à, hàng ngày cả vài chục lượt xe qua lại, không tưới liên tục thì bụi thở không nổi, xe chạy thì sập cả sân bê tông sát đường của nhà tôi mà giờ không biết kêu ai. Tôi được người ngoài cảng thuê tưới nước một ngày 200 ngàn để tưới một đoạn đường, nhưng kể cả họ không thuê cũng phải tưới chứ bụi lắm”.
Cách nhà bà Huệ khoảng 50m, nhà ông Bình cũng chịu cảnh tương tự, mỗi lần xe chạy qua là bụi và tiếng ồn khủng khiếp. Theo ông Bình, trước đây, khi nhà máy xi măng còn hoạt động thì cảng này chỉ có xe nhỏ chở xi măng từ nhà máy xuống cảng, nhưng gần một năm nay, khi vận chuyển đá thì họ sử dụng toàn xe đầu kéo cỡ lớn.
“Dân chúng tôi đã kéo ra cảng để yêu cầu dừng hoạt động, tôi cũng đã trực tiếp điện cho chính quyền xã nhiều lần rồi, nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện, họ làm thì cũng tốt thôi, nhưng làm sao phải giữ được môi trường sạch sẽ cho bà con. Sáng nay đỡ hơn là do gió nồm, chứ mấy hôm gió Nam bụi trùm cả vùng chịu không nổi. Xe thì to, đường thì chật, lại chạy rầm rầm cả ngày, đi làm về muốn nằm nghỉ trưa tí cũng không yên vì quá ồn”, ông Bình bức xúc cho biết.
Xe khủng gây ồn trên đường làng. Ảnh: LHC
Theo tìm hiểu, trung bình mỗi tháng, cảng Quảng Trường bốc xếp khoảng 6 đến 7 tàu, trọng tải từ 2 đến 3 ngàn tấn. Đá được vận chuyển từ mỏ đá Cosevco 12 đóng ở xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá đến cảng bằng xe đầu kéo có tải trọng từ 40 đến hơn 50 tấn. Đá này sau đó được vận chuyển vào Đà Nẵng để cung cấp cho các nhà máy xi măng làm phụ gia.
Tìm gặp ông Hoàng Văn Nhung, phó thôn Đông Phúc, nhà ông Nhung cách cảng một khoảng ruộng chừng 200m, tỏ ra bức xúc khi phóng viên hỏi về thực trạng tại cảng: “Mong các chú góp tiếng nói cho dân chúng tôi với, chứ chúng tôi cũng đã phản ánh lên các cấp, tiếp xúc cử tri cũng phản ánh hết rồi, mỗi lần gió Nam về thì bụi trùm cả thôn Đông Phúc, ruộng lúa thì trắng xoá vì bụi, vừa rồi họ mới dùng tôn quây xung quanh máng tải bốc hàng nhưng cũng chỉ trá hình thôi chứ không ăn thua. Nếu tình trạng này kéo dài, dân chúng tôi sẽ kéo ra quyết liệt phản đối và yêu cầu dừng hoạt động. Doanh nghiệp họ làm kinh tế thì tốt thôi, nhưng phải tôn trọng và đảm bảo cuộc sống cho người dân chúng tôi”.
Theo ghi nhận, tại khu vực cảng này chỉ có một cầu cảng, một băng chuyền, thậm chí không có bãi đậu xe, không có nhà điều hành, liệu chăng cảng này có đủ điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động như cảng thuỷ nội địa?
Trao đổi về những bức xúc của người dân thôn Đông Phúc với ông Trần Văn Ngoạn, Phó Chủ tịch phụ trách xã Liên Trường, ông Ngoạn cho biết: “Trước đây bác Tiến llàmchủ tịch xã thì người dân cũng có phản ánh, mới đây cũng có một người dân phản ánh, nhưng khi chúng tôi xuống kiểm tra thì không thấy xe chạy. Tôi sẽ chỉ đạo trưởng thôn kiểm tra lại tình trạng dưới đó để có phương án xử lý”.
Trước phản ánh của người dân thôn Đông Phúc, chính quyền xã Liên Trường và huyện Quảng Trạch cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý để tránh những ảnh hưởng lâu dài đến Nhân dân. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc kiểm tra tính pháp lý, và hoạt động của cảng Quảng Trường để trả lời người dân được rõ.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin sự việc.