Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị Bình cho hay: "Gia đình sống gần Vườn quốc gia Vũ Quang. Trước đây cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào những chuyến đi rừng. Chồng đi lấy mật ong, vợ đi hái măng rừng, mỗi năm cũng có gần 300 triệu đồng. Nhưng từ khi cấm rừng, cuộc sống khó khăn hơn. Lúc còn đi rừng, thỉnh thoảng người dân vẫn đào bắt được vài con dúi và bán với giá rất cao. Thịt dúi thơm ngon, rất được mọi người ưa chuộng… nên vợ chồng tôi nghĩ cách nuôi con vật này để cải thiện kinh tế gia đình...".
Mô hình nuôi dúi của chị Bình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N. Duyên.
Tuy ở thị trấn, vườn nhà rộng, nhưng chăn nuôi gì cũng khó vì nằm trong khu dân cư nên ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Khi đó, con trai chị Bình lên mạng tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, thấy việc nuôi dúi khá đơn giản, nên đã ủng hộ ý tưởng thuần hóa dúi rừng nuôi thành hàng hóa của bố mẹ.
Thời điểm quyết định nuôi dúi, hai mẹ con chị Bình chạy xe máy ra tận tỉnh Thanh Hóa mua 20 con dúi giống, với giá gần 20 triệu về nuôi.
Hiện chị đang chủ yếu nuôi và nhân giống. Ảnh: N. Duyên.
Từ những cặp dúi bố mẹ mua về, đến nay, trại nuôi dúi của chị Bình đã có 200 con dúi, trong đó có 120 con dúi bố mẹ (30 dúi bố, 90 dúi mẹ).
Chị Bình tiết lộ kinh nghiệm nuôi dúi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Nuôi dúi cũng không phức tạp và bận rộn như những con vật khác. Cứ 3 tháng là dúi mẹ đẻ một lần, mỗi lần đẻ từ 2 đến 3 con non. Cũng không phải chăm sóc, dúi sinh con và cho con bú. Dúi con sau khi sinh được một tháng thì sẽ được tách mẹ.
Mỗi con dúi có trọng lượng trung bình từ 1 - 1,3 kg. Dúi thịt hiện được bán với giá 400 ngàn đồng/kg. Khi dúi có tuổi đời từ 4 đến 6 tháng là có thể xuất bán.
Những chú dúi con vừa chào đời. Ảnh: N. Duyên.
Mô hình của chị Bình hiện đang nhân giống để mở rộng quy mô nuôi, và bán dúi giống.
Chị Bình chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thời điểm mới nuôi dúi: "Lúc quyết định nuôi dúi, hai mẹ con chạy xe máy ra Thanh Hóa tìm hiểu mô hình và đặt mua con giống. Nhưng mua dúi giống về thả vào chuồng rồi không hiểu vì lý do gì mà một số con bị chết. Lúc đó, chúng tôi rất hoang mang bởi mỗi cặp dúi cả vài triệu bạc chứ có ít đâu. Nhưng quá trình nuôi theo dõi thì mình rút ra được kinh nghiệm dần. Cũng may, con trai tôi lên mạng tìm hiểu rồi điều chỉnh cách chăm sóc rồi hướng dẫn lại cho bố mẹ...".
Dúi mẹ tự lót ổ để sinh con. Ảnh: N. Duyên.
Theo chị Bình, kỹ thuật nuôi dúi khá đơn giản, đây là loại động vật hoang dã vốn sống trong rừng sau đó được thuần hóa. Thức ăn chủ yếu của dúi là tre nứa, sắn, ngô, mía, cỏ voi….nên cũng không tốn tiền mua thức ăn.
"Môi trường sống của dúi phải khô thoáng, không ẩm ướt. Nền chuồng phải làm thật chắc chắn để con dúi không đào được mà trốn ra ngoài. Những ô chuồng được làm bằng những tấm gạch lát cao khoảng 50cm., diện tích 50cm2...', chị Bình chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi.
Mỗi con dúi giống có trọng lượng từ 1 đến 2 kg. Ảnh: N. Duyên.
Tre, nứa được lấy từ trong rừng đưa về cưa thành những đoạn ngắn rồi bỏ vào chuồng cho dúi ăn dần. Khi kiểm tra thấy thức ăn hết thì cho thêm, nếu bận quá thì 2 ngày cho dúi ăn 1 lần cũng chẳng sao.
Thức ăn của dúi chủ yếu là tre nứa. Ảnh: N. Duyên.
Hiện tại, chị Bình chưa có dúi thịt bán mà mới chỉ bán dúi giống. Mỗi cặp dúi giống chị bán với giá 700 - 1 triệu đồng, nhưng cũng không đủ để cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, vợ chồng chị Bình đã có vốn kinh nghiệm nuôi dúi, kỹ tuật nuôi dúi vững vàng.
Với diện tích 100m2, chị Bình làm hệ thống chuồng trại được xây kiên cố bằng những ống bi, những tấm gạch lát để làm chuồng cho dúi ở. Mỗi chuồng nuôi được thả một dúi mẹ, hiện chị Bình có 160 ô chuồng nuôi dúi.
Thức ăn của dúi khá dễ kiếm, đó là những cây tre, cây nứa chặt trong rừng và cỏ voi.... Ảnh: N. Duyên.
Thức ăn của dúi chủ yếu gia đình tự kiếm, tre, nứa chủ yếu được chồng chị Bình vào rừng lấy, nhà trồng thêm mía, cỏ voi, rồi chị đi xin những cây sắn người dân bỏ đi về cho dúi ăn.
Đây là một mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao tại địa phương. Ảnh: N. Duyên.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang cho hay: Mô hình nuôi dúi của chị Bình hiện là mô hình kinh tế có hiệu quả tại địa phương. Giá trị kinh tế con dúi mang lại lớn, chi phí chăm sóc không nhiều, lại không gây ô nhiễm môi trường. Hai vợ chồng rất chăm chỉ, táo bạo trong cách làm ăn, dám đi tiên phong trong lĩnh vực ở địa phương chưa ai dám làm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn