Nông dân ‘treo ao, treo chuồng’ do giá nguyên liệu sản xuất tăng mạnh và khó vay vốn

Thứ hai - 30/05/2022 07:57
Bên cạnh phản ánh giá đất nông nghiệp ở một số địa phương đang “sốt ảo”, nhiều nông dân còn đang lo ngại về hiện tượng người lao động bỏ làm nông nghiệp, giá cả vật tư tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Đây là những khó khăn, trăn trở và là vấn đề “nóng” mà nhiều nông dân trực tiếp gửi tới Thủ tướng Chính phủ tại buổi đối thoại vào ngày 29-5 diễn ra tại tỉnh Sơn La và kết nối trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
D2022053004 1
Giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Trung Chánh
 
Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, nông dân đã gửi hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới người đứng đầu Chính phủ.

Khó khăn khiến nhà nông “treo ao, treo chuồng”

Đại dịch đã để lại một chuỗi những khó khăn. Đầu tiên phải kể đến giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Nông dân Nguyễn Văn Thanh (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Ông Thanh hỏi Thủ tướng Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?

Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng đây là vấn đề toàn cầu không riêng quốc gia nào. Theo ông Diên, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất cố gắng để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước.

Trong tình huống giá cả tiếp tục leo thang, theo ông Diên còn một công cụ nữa là đề xuất cấp có thẩm quyền trợ giá đối với một số vật tư để bớt khó khăn cho người nông dân.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại, bàn bạc việc chia sẻ khó khăn cho người nông dân”, ông Diên nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, đối với sản xuất phân bón, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 130-170%, giá đầu ra cũng tăng tương ứng như vậy. Tuy nhiên, thực tế là vật tư đầu vào chỉ chiếm khoảng 55-60% giá thành sản phẩm. “Vì vậy, mặc dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất để chia sẻ lợi ích với người nông dân”, ông nói.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đề nghị xem xét lại thuế GTGT đối với phân bón để giúp kiềm chế mức độ tăng giá. Giải pháp cuối cùng, nếu tiếp tục có sự leo thang về giá, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét trợ giá một số vật tư thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng giá thành sản phẩm được quyết định bởi 2 yếu tố cấu thành là lượng và giá. Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào, ông Hoan cho rằng mô hình nông nghiệp mới tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đã chứng minh rằng có thể tiết giảm lượng trong quy trình sản xuất để tiết kiệm vật tư đầu vào.

Ông Hoan lưu ý doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu các mô hình mới để đạt mục tiêu bắt buộc là tiết giảm chi phí. Giải pháp thứ hai là vào hợp tác xã để mua chung vật tư, mua sỉ thì giá sẽ rẻ hơn. Cùng với đó, theo ông là sẽ dần tự chủ một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước…, đầu tư phát triển hạ tầng với hàng loạt tuyến cao tốc nhằm giảm chi phí logistics. Một vấn đề quan trọng khác theo Thủ tướng là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Lo ‘tín dụng đen’ tiếp tục tăng

Một điểm khó khăn khác là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức. Theo nông dân Trần Thị Thanh Thoan (huyện Duy Tiên, Hà Nam), thời gian qua các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn “đất” để tồn tại. Bà Thoan hỏi, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong những cuộc đi khảo sát thực tế đã thấy nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen, trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục cho vay.

Trong thời gian tới, ông Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức. Theo ông Tú, năm 2019, NHNN đã cùng Bộ Công an đi khảo sát ở Hòa Bình, những nơi vùng sâu vùng xa và đã nhận ra hai vấn đề.

Đó là muốn hạn chế “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức, thì phải để người dân hiểu, vay vốn ngân hàng không khó khăn như nhiều người nói, và ngại đến ngân hàng. Ngoài ra, cần kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý người dân, nắm được nhân thân, cũng như mục đích vay vốn chính đáng chứ không phải vay vốn để lô đề cờ bạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngân hàng nghiên cứu thêm về vấn đề này; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn.

Thủ tướng cho rằng, việc chống “tín dụng đen” phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an sẽ phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen.
 
D2022053004 2
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước – Ảnh VGP/Nhật Bắc

Làm sao vay được vốn nhưng không phải thế chấp tài sản?

Cũng liên quan đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, tại sự kiện, ông Lê Quang Thắng (Quảng Ninh) cho rằng từ năm 2010 đến nay Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp.

Ông đề nghị Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản để đảm bảo, phù hợp với quy định hiện hành? Đồng thời các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân cũng được có chính sách vay vốn ưu đãi như nông dân?

Việc vay tín dụng không phải thế chấp tài sản, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, hiện NHNN đã trao quyền tự quyết cho ngân hàng thương mại rất lớn. “Vay không phải thế chấp là quyền của các tổ chức tín dụng. Chúng tôi tiếp tục giao NHNN chi nhánh Quảng Ninh triển khai các đề xuất chính đáng của doanh nghiệp. Để đảm bảo thu nợ thì nhiều cách, phải tín nhiệm và quản lý dòng tiền chứ không chỉ có tài sản thế chấp”, ông Tú nói.

Lo nông dân bỏ làm nông nghiệp

Tại buổi đối thoại, các nông dân cũng đặt câu hỏi liên quan tới sinh kế, tình trạng bỏ quê lên phố, biến đổi khí hậu…

Theo bà Chảo Thị Yến (xã Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai), hiện nay có rất nhiều lao động ở vùng miền núi từ người trẻ đến trung niên bỏ làm nông nghiệp để đi làm thuê, làm công nhân ở các khu công nghiệp. Ngoài ra, giới trẻ hiện nay có xu hướng làm các ngành nghề có lương hàng tháng thay vì sản xuất nông nghiệp.

Cùng trăn trở, nông dân Võ Viết Minh Châu, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói chứng kiến từng đoàn người rời quê khiến ông đau xót. Ông Châu muốn Chính phủ có giải pháp chuyển đổi lao động, để người dân không phải ly hương.

Trong khi đó, nông dân Lý Văn Bon (Cần Thơ) hỏi biện pháp hỗ trợ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngập mặn.

Liên quan những vấn đề này, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cả nước hiện có khoảng 7 triệu lao động di cư. Chính phủ đã dành 89.000 tỉ đồng để hỗ trợ 55 triệu lượt người, tới đây sẽ tiếp tục rót 6.600 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho nông dân, công nhân.

“Chúng ta cố gắng để ly nông bất ly hương, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ. Điển hình như ngành dệt may ít bị ảnh hưởng thời gian qua vì đa số mọi người ở quê hương và hưởng lương công nhân”, ông Dung nói.

Với nội dung về phát triển ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị. Trong đó, phát triển hạ tầng ĐBSCL là nội dung ưu tiên cao nhất của nhiệm kỳ này.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải giải quyết

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 9 vấn đề lớn đề nghị các bộ, ngành cần tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nông dân ngay sau hội nghị.

Những vấn đề nổi cộm gồm tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.

Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với nông dân hàng năm để xem xét, tổng kết đánh giá những kết quả đã đạt được; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh mới. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương gặp gỡ, đối thoại với nông dân địa phương mình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân.

Theo thesaigontimes.vn


Link gốc: https://thesaigontimes.vn/nong-dan-treo-ao-treo-chuong-do-gia-nguyen-lieu-san-xuat-tang-manh-va-kho-vay-von/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây