Những lãnh đạo doanh nghiệp 'bỗng dưng mất ghế' năm 2018

Thứ ba - 25/12/2018 08:03
Năm 2018, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã phải rời "ghế nóng" vì nhiều nguyên nhân và trong nhiều bối cảnh khác nhau. Có người vướng vào vòng lao lý, có người vì công ty đổi chủ, ....
 

Ông Trần Lục Lang – Phó Tổng Giám đốc BIDV, Chủ tịch BIC - bị khởi tố và bắt tạm giam

Một trong những sự kiện gây chú ý những ngày cuối năm 2018 này là vụ bắt giữ 4 người đã hoặc đang công tác tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gồm: ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Lục Lang - Phó Tổng Giám đốc, ông Kiều Đình Hòa - Cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, bà Lê Thị Vân Anh - Cựu Trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh.

Bốn người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 trong đó có việc phê duyệt chủ trương vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ ản xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Ông Trần Lục Lang sinh năm 1967, trình độ Cử nhân kinh tế, từng trải qua các chức vụ như Phó Giám đốc rồi Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định, Giám đốc BIDV chi nhanh Sở Giao dịch 2 và Phó Tổng Giám đốc BIDV từ năm 2013.

Ngoài ra, ông Trần Lục Lang còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC). Trong khi ông Trần Bắc Hà đã nghỉ hưu từ năm 2016 thì ông Trần Lục Lang vẫn còn đương chức cho đến trước khi bị khởi tố.

Sau đó, cả BIDV và BIC cùng phát đi thông báo miễn nhiệm ông Trần Lục Lang kể từ ngày ông Lang bị khởi tố và bắt tạm giam (29/11).

Về tài sản chứng khoán của ông Lang, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận, ông Lang còn nắm giữ 267.981 cổ phiếu BIDV, tương đương 0,00784% vốn cổ phần ngân hàng và có giá trị tính đến ngày 28/11 là gần 8,5 tỉ đồng. Còn theo báo cáo thường niên 2017 của BIC, ông Lang không nắm giữ cổ phiếu BIC nào.

nhung lanh dao doanh nghiep bong dung mat ghe nam 2018
Từ trái qua phải: ông Trần Lục Lang, ông Kiều Đình Hòa, ông Trần Bắc Hà.

Ông Trần Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - nhường ghế cho người phù hợp hơn

Tháng 7 năm nay, ông Trần Quang Huy từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) sau hơn 8 tháng ngồi ghế nóng.

Trong ba năm từ 2015 đến nay, Tập đoàn FLC đã 4 lần thay Tổng Giám đốc. Vì vậy, việc ông Huy từ nhiệm không gây quá nhiều chấn động. Tuy nhiên có một điểm khác biệt rất lớn giữa việc từ nhiệm của ông Huy và những người tiền nhiệm.

nhung lanh dao doanh nghiep bong dung mat ghe nam 2018

4 Tổng Giám đốc gần đây nhất của FLC. Từ trái qua phải:

Bà Hương Trần Kiều Dung (từ 9/5/2015 đến 8/3/2017), ông Lê Thành Vinh (từ 9/3/2017 đến 2/11/2017), ông Trần Quang Huy (từ 3/11/2017 đến 17/7/2018) và bà Hương Trần Kiều Dung quay lại ghế Tổng Giám đốc ngày 18/7/2018.

Sau khi thôi chức Tổng Giám đốc FLC vào tháng 3/2017, bà Hương Trần Kiều Dung vẫn ở trong Hội đồng quản trị Tập đoàn này và giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Thành Vinh sau khi từ nhiệm vào tháng 11 cùng năm cũng vẫn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực. Ngoài ra, ông Vinh còn giữ nhiều chức vụ tại các doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái FLC như: Phó TGĐ Tập đoàn FLC, thành viên HĐQT CTCP Xây dựng FLC Faros, thành viên HĐQT CTCP Nông dược H.A.I.

Về phần ông Trần Quang Huy, ông không chỉ thôi chức vụ Tổng Giám đốc FLC mà còn thôi luôn cả các chức vụ liên quan như thành viên HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Nông dược H.A.I. cùng vì lí do cá nhân.

Đến thời điểm hiện tại, ông Huy đã không còn nắm giữ vị trí lãnh đạo nào tại Tập đoàn FLC cũng như các công ty có liên quan. Cá nhân ông Huy tại thời điểm từ nhiệm cũng không sở hữu cổ phiếu FLC nào.

Người được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc FLC thay ông Huy là một gương mặt quen thuộc – bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch tập đoàn đồng thời là người từng giữ chức Tổng giám đốc giai đoạn 9/5/2015 - 8/3/2017.

Việc thay TGĐ được FLC thực hiện trong bối cảnh tập đoàn đặt mục tiêu tiếp tục triển khai và mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực bổ trợ quan trọng như hàng không, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, golf,… tại thị trường trong nước và quốc tế. Bà Dung được HĐQT đánh giá là phù hợp hơn so với ông Huy cho chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn sắp tới.

Bà Hương Trần Kiều Dung, sinh năm 1978, là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Ông Trần Quang Huy nhiều hơn bà Dung 6 tuổi, có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Nguyễn Quốc Cường – Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai - rời công ty lúc khó khăn rồi mở nhà hàng cùng bạn gái?

Ngày 16/11, Hội đồng quản trị CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Quốc Cường.

Sau ngày 16/11, ông Cường không còn nắm giữ vị trí lãnh đạo nào tại Quốc Cường Gia Lai, dù mẹ ông Cường là bà Nguyễn Thị Như Loan tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Ông Cường rời khỏi Quốc Cường Gia Lai trong bối cảnh công ty đang trải qua không ít khó khăn.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu quí III vừa qua của công ty đạt 82,5 tỉ đồng, giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái; lợi nhuận trước thuế chỉ 1 tỉ đồng, chưa bằng 1% quý III/2017.

Về dự án Phước Kiển, tháng 4 năm nay, Bí thư Thành ủy TP HCM giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy trong việc chuyển nhượng hơn 30 ha đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) năm 2017 từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận cho Quốc Cường Gia Lai.

Đây là một trong những dự án trọng điểm đối với hoạt động kinh doanh của công ty mẹ con bà Nguyễn Thị Như Loan.

Tháng 5, Thường vụ Thành ủy TP HCM kết luận việc chuyển nhượng lô đất nói trên của Tân Thuận cho Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền quy định. Kết luận bước đầu của Ban thường vụ Thành ủy TP HCM cũng nêu rõ trách nhiệm của Phó bí thư thường trực Thành Ủy Tất Thành Cang.

Ngày 15/11 – tức một ngày trước khi ông Nguyễn Quốc Cường từ nhiệm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận liên quan vụ chuyển nhượng đất Phước Kiển: "Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật."

Mới đây, ông Tất Thành Cang được chấp thuận nghỉ phép từ ngày 17/12 đến ngày 3/1/2019.

Về phần mình, sau khi từ nhiệm chức vụ lãnh đạo tại Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường đăng tải nhiều hình ảnh về việc khai trương một nhà hàng đồ án Trung Quốc tại Bà Rịa – Vũng Tàu cùng bạn gái Đàm Thu Trang.

nhung lanh dao doanh nghiep bong dung mat ghe nam 2018
Ảnh: Facebook ông Nguyễn Quốc Cường.

Ông Đoàn Nguyên Thu - Thành viên HĐQT HAGL Agrico - nhường ghế cho người của đối tác chiến lược?

Hôm 8/8 năm nay, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã kí kết biên bản hợp tác chiến lược. Theo thông tin công bố tại lễ kí kết, Thaco dự tính sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc HAGL, trong đó có tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với tổng vốn đầu tư ước khoảng 12.000 tỷ đồng.

Cùng với việc cam kết bơm tiền mảng nông nghiệp, Thaco cũng đưa ba cá nhân vào ban lãnh đạo HAGL Agrico là:

Ông Nguyễn Hùng Minh - Phó Chủ tịch thường trực Thaco làm thành viên HĐQT HAGL Agrico

Ông Trần Bảo Sơn – Phó Tổng giám đốc Thaco làm thành viên HĐQT HAGL Agrico

Ông Đặng Công Trực - Thành viên BKS, Trưởng Ban Tư vấn và Kiểm toán nội bộ của Thaco làm thành viên BKS HAGL Agrico

Về phía HAGL, đơn vị trực tiếp nhận phần lớn hỗ trợ và các khoản đầu tư từ Thaco là công ty con – CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Song song với việc Thaco đưa ba người mới vào ban lãnh đạo, ba người thuộc ban lãnh đạo cũ của HAGL Agrico đã nộp đơn từ nhiệm dứt áo ra đi, đó là các ông Đoàn Nguyên Thu, ông Nguyễn Ngọc Ánh và bà Nguyễn Thị Hải Yến.

Ông Đoàn Nguyên Thu sinh năm 1977, là em trai ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT của cả HAGL và HAGL Agrico. Hiện ông Thu đang sở hữu gần 6 triệu cổ phiếu HAG, giá trị ước tính hơn 30 tỉ đồng.

Tuy đã từ nhiệm thành viên HĐQT tại HAGL Agrico ngày 7/8, ông Thu vẫn là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của công ty mẹ HAGL.

nhung lanh dao doanh nghiep bong dung mat ghe nam 2018
Ông Đoàn Nguyên Thu. Ảnh: HAGL.

Ông Đỗ Trọng Quỳnh - Tổng Giám đốc Vinaconex - Chủ sở hữu mới muốn có Tổng Giám đốc mới

Những tháng cuối năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam xôn xao về thương vụ đấu giá cổ phần VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Hai tổ chức chào bán là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trong đó SCIC chào bán gần trọn lô 255 triệu cổ phần, chiếm 57,71% vốn điều lệ, còn Viettel chào bán hơn 94 triệu cổ phần, tương đương 21,28% vốn điều lệ.

Có 4 nhà đầu tư đăng kí mua trọn lô cổ phần VCG của SCIC là cá nhân ông Nguyễn Văn Đông, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (mới thành lập ngày 9/11/2018), CTCP Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC (thành lập tháng 6/2018) và Công ty TNHH An Quý Hưng. Nhà đầu tư nào mua được trọn lô này sẽ nghiễm nhiên trở thành chủ sở hữu mới của Vinaconex.

Kết quả, Thăng Long TJC rút lui trước phiên đấu giá. Một nhà đầu tư trả giá bằng giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, một nhà đầu tư trả 22.300 đồng/cp và An Quý Hưng trả giá cao nhất 28.900 đồng/cp (tương ứng tổng giá trị 7.367 tỉ đồng) và trở thành chủ mới của Vinaconex.

Theo tờ Nhịp sống số, khi được hỏi liệu có lo lắng chủ mới doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu nhân sự sau khi chi phối doanh nghiệp như trường hợp Sabeco ông Đỗ Trọng Quỳnh – Tổng Giám đốc Vinaconex chia sẻ: “Chúng tôi cũng lo, nói không lo là không đúng. Nhưng lúc đó quyền là của các ông chủ sở hữu mới, nếu họ vẫn tin tưởng ban lãnh đạo, Tổng giám đốc thì chúng tôi vẫn cố gắng làm việc”.

nhung lanh dao doanh nghiep bong dung mat ghe nam 2018
Ông Đỗ Trọng Quỳnh. Ảnh: Vinaconex.

Thực tế sau khi An Quý Hưng thanh toán đủ tiền đấu giá, công ty đã đề nghị Vinaconex tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 11/1/2019 với nội dung kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kì 2017 – 2022 và các nội dung khác (nếu có).

Chỉ ít ngày sau, ông Đỗ Trọng Quỳnh có đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, người được bổ nhiệm thay thế ông Quỳnh là ông Nguyễn Xuân Đông – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của An Quý Hưng.

Ông Đông từng là thành viên HĐQT CTCP Vimeco (công ty con của Vinaconex), hiện là thành viên HĐQT độc lập CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest).

Ông Đỗ Trọng Quỳnh là Phó Tổng giám đốc Vinaconex từ ngày 27/8/2014. Ông đã công tác trong ngành xây dựng từ năm 1985, được bầu là Ủy viên HĐQT Vinaconex từ tháng 7/2015 và được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinaconex từ ngày 20/10/2015. Như vậy tuy đã rời ghế Tổng Giám đốc Vinaconex, ông Quỳnh vẫn còn trong HĐQT.

Nguồn tin: vietnambiz.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây