Tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,3%
Trong năm 2022, KBSV Research kỳ vọng dịch Covid được kiểm soát tương đối tốt nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine Việt Nam ở mức cao sẽ thúc đẩy hoạt động dịch vụ, du lịch, lưu trú hồi phục.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thực hiện trong 2022 -2023 quy mô 350.000 tỷ đồng được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần 1 Quốc hội khóa XV sẽ là “bước đệm” phục hồi trong giai đoạn tới, đã được thông qua nhờ các yếu tố: Nợ công/GDP đạt 44% - hiện đang ở mức thấp; Thu ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức cao, đạt 1.563,3 tỷ đồng vượt 16,4% so với dự toán.
Với kịch bản cơ sở như trên, KBSV dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,3%. Các yếu tố hỗ trợ gồm: (1) Tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất chế biến chế tạo hồi phục; (2) Xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs, nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi sau dịch bệnh và chi phí vận tải hạ nhiệt; (3) Sự quay lại của dòng vốn FDI.
Đầu tư công là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo Báo cáo của Chính phủ, số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526,1 nghìn tỷ đồng (tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021) và Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân thực tế/kế hoạch đạt trên 90%. Do đó, KBSV cho rằng Chính phủ sẽ có các phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2022.
Thúc đẩy đầu tư công là phương án khả thi và nhanh nhất để hỗ trợ kinh tế sớm phục hồi, bởi đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,058% (theo Tổng cục Thống kê). Ngoài ra, các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn trong việc đi lại, tiến độ triển khai các dự án tồn đọng được cải thiện.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng
Năm 2022, khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức cao, các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Với việc các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực như CPTPP, EVFTA, RCEP…, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông lâm thủy sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Nhất là lĩnh vực sản xuất sẽ dần phục hồi khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, dịch bệnh dần được kiểm soát.
Kỳ vọng vào dòng vốn FDI
Xét riêng quý IV, giải ngân vốn FDI đạt 6,460 triệu USD (tăng 59,9% so với quý trước, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước) và đăng ký FDI mới đạt 9,008 triệu USD (tăng 31% so với quý trước, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang lạc quan với môi trường kinh doanh và tiếp tục đa dạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Với kịch bản cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tốt, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được khôi phục khi Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như số lượng lớn các hiệp định đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, cơ cấu dân số trẻ, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ...
Dự báo lạm phát
Mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm sau, các chuyên gia vẫn dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022 do 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, cầu nền kinh tế hồi phục chậm một phần đến từ thói quen tiết kiệm để vượt khó của người Việt.
Thứ hai, chính sách tiền tệ thận trọng hơn của Ngân hàng Nhà nước trước lo ngại rủi ro lạm phát, cung tiền M2 tăng chậm lại, hoạt động mua vào ngoại tệ dè dặt hơn.
Thứ ba, biến động giá hàng hóa, bao gồm giá thịt lợn và xăng dầu nghiêng nhiều về phía tăng nhưng với tốc độ chậm dần khi vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng dần được giải quyết.
Dự báo lãi suất
KBSV cho rằng định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi áp lực lạm phát là hiện hữu. Do vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở, và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14% tương đương mức tăng trong năm 2021.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022 (trên dưới 0,5%). Bởi lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động nhằm duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Đồng thời cũng do nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ (cụ thể Quốc hội thông qua gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên). Nhất là khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.
Dự báo tỷ giá
Về nguồn cung ngoại tệ, năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021. KBSV đánh giá lĩnh vực sản xuất dần phục hồi hậu giãn cách và nhu cầu tiêu thụ của người dân các nước gia tăng dịp cuối năm. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn.
Mặt khác, Ngân hàng Thế giới thống kê, dù chịu tác động bởi tình hình dịch Covid-19, kiều hối Việt Nam năm 2021 vẫn đạt kỷ lục 18,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái. Năm 2022, kiều hối được dự báo tiếp tục chảy về nhờ kiều bào hỗ trợ người thân ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhu cầu đầu tư ở Việt Nam lớn. Đặc biệt là dòng vốn FDI giải ngân được dự báo sẽ quay trở lại.
Về tỷ giá USD/VND, diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong khoảng 0.5% - 1% trong năm 2022, dù mức tăng không lớn nhờ nguồn cung ngoại tệ duy trì ổn định.
Link gốc: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhung-du-bao-vi-mo-dang-chu-y-nam-2022-post290645.html