Thế nhưng, sau một thời gian đi vào hoạt động, một số dự án không hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Hai dự án không phát huy hiệu quả
Dự án đầu tư Nhà máy liên hợp gang thép công suất 50.000 tấn/năm do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được khởi công ngày 16/6/2007 tại “khu đất vàng” rộng gần 25ha ở Khu Kinh tế Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư 2.115 tỷ đồng (sau điều chỉnh). Đây là một trong những dự án “nghìn tỷ” đầu tiên tại Hà Tĩnh, vì thế, nhà máy này được tỉnh hết sức kỳ vọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư.
Ngày khởi công, lãnh đạo nhà máy đưa ra kế hoạch rất hoành tráng, từ tháng 7/2008 đến tháng 8/2010, lắp đặt toàn bộ dự án. Tháng 2/2010, lắp đặt dây chuyền thiêu kết (luyện gang - giai đoạn 1). Cuối năm 2010, sản xuất thử phôi thép thương phẩm và trước đó là sản xuất gang thỏi thương phẩm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án lại đi ngược với những cam kết ban đầu của chủ đầu tư.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế (BQL KKT) Hà Tĩnh, thời gian đầu, doanh nghiệp có nhiều nỗ lực và quyết tâm triển khai dự án, tiến độ xây lắp công trình ở mức khá nhanh. Tuy nhiên, từ tháng 5/2009 thì thi công cầm chừng. Từ cuối năm 2010, dự án dừng hẳn việc thi công xây dựng. Tính đến tháng 7/2014, tiến độ dự án chậm gần 4 năm so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Theo báo cáo của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, trước khi dừng thi công, giá trị khối lượng thực hiện đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng khoảng 60% giá trị khối lượng công việc của dự án; vốn giải ngân trên 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 298,5 tỷ đồng và vốn vay các ngân hàng hơn 707 tỷ đồng (vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 80%).
Tuy nhiên, từ khi được các ngân hàng rót vốn, dự án vẫn không có thêm tiến triển đáng kể nào. Từ 2010 - 2015, công trình vẫn nằm im lìm trên khu đất ngay ngã ba Vũng Áng. Để tránh mất cắp vật liệu, chủ đầu tư điều khoảng 20 bảo vệ túc trực xung quanh khuôn viên nhà máy.
Cũng theo lãnh đạo BQL KKT Hà Tĩnh, từ khi dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các sở, ngành và các ngân hàng cho vay vốn đã phối hợp với chủ đầu tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để tái khởi động dự án. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết các kiến nghị và đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án và chủ đầu tư cũng đã có nhiều văn bản hồi đáp, cam kết hoàn thành việc thi công lần lượt từ 2011, 2012, 2013 và đến 2014.
Ngày 29/7/2015, BQL KKT Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy liên hợp gang thép công suất 50.000 tấn/năm. Nguyên nhân của sự ngừng trệ đầu tư mà theo báo cáo từ phía doanh nghiệp là thiếu hụt vốn nghiêm trọng, nhất là vốn tự có (các cổ đông không góp đủ vốn như cam kết ban đầu) và vốn vay dài hạn cũng thiếu nguồn do các ngân hàng không cho vay bổ sung.
Sau hơn hai năm thu hồi giấy phép đầu tư, dự án đầu tư nhà máy liên hợp gang thép giờ đây không khác gì đống sắt gỉ, thiết bị quăng lăn lóc khắp nơi, nhà cửa bỏ hoang lâu ngày tạo nên một cảnh tượng hoang tàn.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng cho vay vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để thu hồi vốn và hơn 700 tỷ đồng “đổ” vào đây vẫn nằm bất động cùng với sự im lặng của các ngân hàng.
Nằm không xa đống hoang tàn của nhà máy liên hợp gang thép, dự án xây dựng Cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng (thuộc Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng cũng được nhắc đến như một dự án kém hiệu quả trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đình Đại, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh, dự án trên do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào cuối năm 2010, trên diện tích hơn 16ha, tổng mức đầu tư 519 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, mỗi năm trường đào tạo khoảng 5.000 học viên các ngành điện, cơ khí, lái xe, nấu ăn…, đáp ứng nhu cầu lao động cho KKT Vũng Áng.
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, nhìn bề ngoài, cơ sở đào tạo này như một công trường với hàng ngàn người đang hoạt động và làm việc tại đây. Tuy nhiên, số lượng học sinh theo học ở đây rất ít ỏi. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một phần do không phát huy được hiệu quả, ngày 28/9/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, cắt giảm mức đầu tư xuống còn 189,7 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bình quân mỗi năm, cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng chỉ thu hút được hơn 100 học sinh theo học các lớp trung cấp nghề và một ít học viên tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn. Bên cạnh nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn còn thấp, những học viên sau đào tạo nghề tại đây khi ra trường ít có cơ hội làm việc tại KKT Vũng Áng, đã tác động rất lớn đến hoạt động của nhà trường. Do đó, dãy nhà học 4 tầng, ba dãy nhà xưởng và nhiều thiết bị dạy học có mức đầu tư gần 200 tỷ đồng của cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng hiện không phát huy hiệu quả.
Những công trình kém hiệu quả
Năm 2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định chấp thuận cho Công ty Thương mại Hoàng Long thuê đất hơn 7ha với thời hạn 50 năm để thực hiện dự án Trung tâm Sản xuất Giống chăn nuôi với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng các hạng mục như: dãy nhà điều hành, nhà ở cho công nhân, nhà kho, 4 dãy nhà chuồng trại để phục vụ chăn nuôi sản xuất giống. Ngoài ra, công ty còn đầu tư hệ thống cây xanh, ao hồ, hố xử lý chất thải, hố khử trùng… Thời điểm đó, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn giống chất lượng, nâng dần tỷ lệ giống ngoại lai, song, sau gần 5 năm triển khai, Trung tâm sản xuất Giống chăn nuôi tại xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) không mang lại hiệu quả; cơ sở vật chất hiện đã hoang tàn...
Sau khi Công ty Thương mại Hoàng Long ngừng hoạt động, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng. Trên cơ sở nhu cầu đầu tư của Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, tháng 3/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đầu tư của Công ty Hoàng Long và đồng ý để DABACO thuê lại với mục đích tiếp tục thực hiện dự án Trung tâm Sản xuất Giống chăn nuôi. Tuy nhiên, từ ngày được giao nhận đất cho đến nay đã gần 1 năm, Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động thái nào trong việc đầu tư, sản xuất giống.
Qua khảo sát thực tế, các hạng mục do Công ty Hoàng Long xây dựng chuyển giao cho DABACO giờ đã tan hoang. Tất cả các cánh cửa, gồm cửa chính lẫn cửa sổ tại nhà ăn, nhà điều hành, nhà kho đã không còn. Tại khu chăn nuôi, hệ thống ngói được tháo đi hiện giờ trơ lại những bức tường, cỏ mọc um tùm. Máy móc và thiết bị chăn nuôi cũng mất bóng.
Ông Nguyễn Viết Thuấn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, cho biết: Trước tình trạng hoang tàn của dự án Trung tâm Sản xuất Giống chăn nuôi, rất mong Công ty DABACO sớm tổ chức sản xuất. Hiện nay, bà con đang cần tư liệu sản xuất, trong khi hơn 7ha đất lại bỏ hoang, rất lãng phí. Tại các cuộc họp cũng như tiếp xúc cử tri, bà con đã có ý kiến phản ánh.
Tương tự, Nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức xây dựng hơn 100 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chưa đến 30%, số còn lại là vốn hỗ trợ của địa phương và tín dụng ngân hàng.
Ngày 13/6/2014, Nhà máy chính thức bàn giao và đi vào sản xuất. Với công suất giết mổ 100 con/giờ, chế biến 15.000 tấn/năm, xử lý nước thải 400m3/ ngày đêm, dự án được kỳ vọng là điểm nhấn của chuỗi liên kết gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, tạo “đầu kéo” cho lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, nhằm giải quyết “đầu ra” cho người chăn nuôi, phát triển chăn nuôi lợn bền vững trên địa bàn. Thế nhưng, sau ba năm đi vào hoạt động, dự án cũng đang loay hoay tìm lối thoát. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày nhà máy giết mổ được vài chục con lợn thịt, với giá công giết mổ dao động từ 70 đến 120 ngàn đồng/con, tiền công thu về may lắm chỉ đủ trả tiền điện.
Ngoài những dự án kể trên, hiện nay ở Hà Tĩnh vẫn còn không ít các công trình, “dự án nhếch nhác” đang nằm trên giấy hoặc thi công dang dở như: Khu công nghiệp Đại Kim ở xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn, Hà Tĩnh); Bến neo đậu tàu, thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương (Thị xã Kỳ Anh) có vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng chưa bàn giao đã hư hỏng; dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng chưa hoàn thành đã đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước chưa nhiều…, gây ra sự thất thoát, lãng phí không cần thiết.
Tại thời điểm này, thay vì nói về tương lai “như vẽ” của các dự án, nhiều người cho rằng, những dự án này đang góp phần làm “nghèo thêm” một tỉnh vốn đã nghèo. Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
Tác giả bài viết: Trà Giang - Trần Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn