Sau nhiều năm tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Campuchia, năm 1981 anh Lê Trọng Nhị rời quân ngũ trở về quê hương. Mặc dù sức khỏe giảm sút, vết thương chiến tranh thường xuyên dày vò cơ thể, song với ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, CCB Lê Trọng Nhị đã tập trung khai hoang mở đất, đầu tư vốn liếng phát triển kinh tế vườn rừng.
Chỉ tay về hướng quả đồi, nơi được phủ xanh hàng nhìn cây cam, ông nói: “Sau khi về địa phương sinh sống tôi nhận thấy vùng đất quê mình rất màu mở chỉ sợ mình không có can đảm để thử nghiệm mà thôi. Vào một ngày mưa gió cách đây khoảng gần 20 năm, tôi xem trên truyền hình thấy nhiều mô hình trồng vườn rất đẹp và thu lại hiệu quả cao, từ đó tôi mới lần mò đi tìm giống, nghiên cứu cách trồng. Sau 5 năm tôi đã có mùa thu nhập đầu tiên, tuy lúc đó còn ít nhưng rất phấn khởi. Cứ thế mỗi năm tôi lại trồng thêm cây và đi kèm theo là chăn nuôi xen canh trong vườn. Đến nay tôi sở hữu một vườn cam kha khá cùng nhiều vật nuôi”.
Giờ đây trên diện tích đất rừng rộng gần 10 ha, thương binh Lê Trọng Nhị đã quy hoạch trồng được hơn 2 ha cam, khoảng 5 ha keo nguyên liệu, xây dựng chuồng trại chăn nuôi 600 con lợn, hàng trăm con gia cầm. Nhờ đầu tư đúng hướng, áp dụng tốt tiến bộ KHKT, nên mô hình kinh tế của CCB Lê Trọng Nhị mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Dẫn chúng tôi vòng quanh vườn mới thấy là biết bao công sức từ chính bàn tay của người thương binh. "Hình thức làm vườn kèm chăn nuôi, tôi nghĩ bà con nơi đây ai cũng làm được. Tôi đã chỉ bảo cho nhiều thanh niên cách trồng, cách nuôi. Địa thế đất đồi núi như thế này, tại sao ta không mạnh dạn trồng nhiều loại cây ăn quả vào?", Ông Nhị cười tươi bảo, "đất địa phương mình rất tốt rất hợp với nhiều thứ cây nhưng trồng có trái và bảo vệ là một vấn đề. Vì đồi núi nên ong, bướm, sâu, dơi… rất nhiều. Nên đối với cây cam ta vẫn dễ chăm sóc bảo vệ khi đơm hoa kết trái hơn” ông Nhị cho biết thêm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế vườn rừng, thương binh Lê Trọng Nhị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Những việc làm thiết thực của thương binh Lê Trọng Nhị luôn được cấp ủy, chính quyền, Hội CCB các cấp và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Vườn cam của ông Nhị được nhiều người dân đến tham quan học hỏi
Nói về sự phát triển kinh tế tại địa phương ông Trần Nhật Lệ - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đức Bồng chia sẻ: “Xã nhà chủ yếu là người dân phát triển bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi, tận dụng vùng đồi núi để canh tác trồng vườn rừng. Hầu hết các CCB sau khi về quê sinh sống đều phát triển theo hình thức này. Đặc biệt trên địa bàn có thương binh Nhị làm kinh tế rất giỏi, từng được huyện, tỉnh… khen ngợi. Đây là một trong những CCB đóng góp nhiều trong chương trình phát triển kinh tế giỏi, đi đầu trong công cuộc đổi mới và hoàn thiện cùng xã nhà trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: DOÃN ĐẠT
Nguồn tin: Dân Sinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn