"Thủ phủ" dó trầm tại huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh.
"Thủ phủ" dó trầm
Xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) không chỉ có giống bưởi ngon nức tiếng xa gần mà còn được mệnh danh là thủ phủ của dó trầm. Nhiều năm nay, loại cây này mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Đức (thôn 7, xã Phúc Trạch) có hơn 30 năm trồng cây dó trầm chia sẻ, gia đình ông hiện có vườn cây dó trầm rộng khoảng 1ha với hàng trăm cây lớn nhỏ khác nhau. Cây lớn nhất có đường kính khoảng 35cm được định giá 40 triệu đồng, những cây khác nhỏ nhất giá không dưới 1 triệu đồng.
Tạo trầm cho cây dó trầm.
Ông Đức cho hay, trước đây, mặc dù sinh sống trên thủ phủ cây dó trầm nhưng người dân không biết giá trị lớn của nó, cây dó trầm lớn lên được người dân chặt bỏ để làm nhà cửa.
Cách đây khoảng 30 năm, từ một làn sóng mua trầm của các thương lái ngoại tỉnh, người dân xã Phúc Trạch dần nhận biết được giá trị của cây dó trầm. Hàng trăm hộ dân đã chuyển sang trồng cây dó trầm. Từ đó, cây trầm phủ kín diện tích các khu vườn, đồi của người dân trong vùng.
Quá trình chăm sóc cây dó trầm cũng dễ hơn các loại cây khác. Khi cây trồng được khoảng 10 năm thì bắt đầu khoan, đục lỗ vào thân cây để tạo trầm. Khi thu hoạch giá trị của cây dó thấp nhất khoảng 1,5 triệu đồng, trung bình 15-50 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây có trầm tự nhiên có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ loại cây này gia đình ông đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, nuôi con cái ăn học.
Không riêng nhà ông Đức, sau nhiều năm, cây dó trầm trồng ở vùng đất Phúc Trạch đã phủ xanh nhiều vườn hộ, trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Theo thống kê, toàn xã Phúc Trạch hiện có hiện có 90% hộ dân trồng cây dó trầm trên diện tích khoảng 350ha. Theo người dân, nhờ phù hợp thổ nhưỡng mà lượng trầm hương trong cây ở đây rất nhiều và thơm trong khi nhiều vùng lân cận không có được.
Trầm hương có trong cây do trầm Phúc Trạch được đánh giá có chất lượng cao.
Năm 2020, Hội trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây dó trầm tại xã Phúc Trạch xác định chất lượng cây và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, “thuộc tốp đầu thế giới”.
Nâng tầm sản phẩm, mở rộng thị trường
Không chỉ trồng dó, nghề khai thác, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dó trầm cũng được hình thành. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trồng cây dó trầm với quy mô lớn tại Phúc Trạch đã thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm trầm hương, trầm nụ, trầm miếng, đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm chế biến từ cây dó trầm ở xã Phúc Trạch đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhiều sản phẩm từ cây dó trầm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Hương trầm Đinh Gia đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Đây là cơ sở sản xuất hương trầm sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Anh Nguyễn Chí Thành, chủ cơ sở hương trầm Đinh Gia cho biết, anh làm nghề chế tác trầm hương từ năm 2016. Ngoài các cây gỗ trầm lớn được tạo hình để bán, anh Thành tận dụng những miếng gỗ nhỏ để làm hương trầm sạch, hương que, hương vòng, hương cuốn thủ công và trầm nụ. Trầm hương của cở sở anh Thành không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.
"Đặc biệt, những năm qua việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ làng nghề trầm hương cũng đã được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng. Nhờ đó các sản phẩm được làm từ trầm hương của huyện Hương Khê đã vươn mình ra thị trường lớn. Đó cũng là động lực để các cở sở sản xuất, chế biến trầm ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu", anh Thành chia sẻ.
Sản phẩm trầm hương được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, năm 2023 thu nhập từ cây gió trầm đạt khoảng 90 tỷ đồng. Nhờ đó, đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2023 đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm.
Một sản phẩm từ cây dó trầm Phúc Trạch được chứng nhận OCCOP 3 sao.
Cùng với đặc sản bưởi Phúc Trạch thì cây gió trầm được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
“Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang đầu tư trồng cây gió trầm. Tập trung chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây gió trầm, mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, ông Trần Quốc Khánh thông tin.
Tổng diện tích trồng cây dó trầm trên địa bàn huyện Hương Khê là hơn 650 ha. Hiện nay, người dân chủ yếu đang trồng, bán cả cây và gia công mỹ nghệ, làm hương trầm, nụ trầm. Mỗi năm doanh thu từ các hoạt động này đạt khoảng 100 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 5 cơ sở sản xuất các sản phẩm dó trầm đạt chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, sử dụng và ưa chuộng.