Trước tình hình đó, người NTTS đã tìm kiếm các giải pháp thích ứng với BĐKH để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường.
Tìm cách thích ứng
Tại Nghệ An, trong năm 2021, toàn tỉnh có hơn 2.112ha diện tích NTTS bị thiệt hại do sạt lở, hư hỏng hệ thống ao nuôi, dịch bệnh. Những tháng vừa qua, hiện tượng nắng nóng kéo dài, quá sức chịu đựng của vật nuôi đã làm môi trường nước bị xấu đi, các loài thủy sản nuôi thường xuyên mắc bệnh với hơn 118ha thủy sản nuôi trồng nhiễm bệnh. Trước thực trạng trên, người NTTS đã ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào sản xuất, như: Nuôi trong lồng nổi có mái che; nuôi thâm canh công nghệ cao; nuôi nhiều giai đoạn; nuôi tuần hoàn nước khép kín; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải... để có thể nuôi trồng được quanh năm và giảm bớt tác động của môi trường, khí hậu.
Mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: SONG THU.
Gia đình anh Nguyễn Viết Thắng (xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã đầu tư nuôi tôm 3 giai đoạn trong lồng nổi có mái che với diện tích gần 3ha. Anh Thắng cho biết: “Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng tôi còn áp dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng. Thay vì sử dụng các loại thuốc hóa học, chúng tôi áp dụng men vi sinh để xử lý nguồn nước, làm sạch nền đáy ao nuôi, giúp làm sạch môi trường nước, phân hủy các chất hữu cơ trong ao như thức ăn thừa, mùn bã hữu cơ, chất thải của thủy sản”.
Gia đình ông Trương Đình Sử (xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã đầu tư nuôi tôm theo hình thức nhà lưới, hệ thống nước tuần hoàn khép kín. Do đó, khi có mưa lũ hay dịch bệnh, ao nuôi tôm của gia đình ông vẫn được an toàn, cho sản lượng cao. Trong khi đó, một số hộ dân xung quanh không áp dụng công nghệ này, không xử lý được nguồn nước, bơm trực tiếp vào ao nên tôm thường xuyên bị nhiễm bệnh, năng suất và chất lượng kém hơn.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 7.369ha NTTS nhưng cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống cấp, thoát nước... phục vụ NTTS nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với thiên tai. Ông Dương Quốc Khánh, phụ trách Hợp tác xã Nuôi trồng và Chế biến thủy sản xuất khẩu Xuân Thành (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Để ứng phó với BĐKH và các hình thức thiên tai, chúng tôi áp dụng NTTS theo quy trình VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, địa điểm ao nuôi tôm có hệ thống cấp nước, thoát nước riêng biệt; ao lắng, ao chứa, ao nuôi không rò rỉ. Các công đoạn từ chuẩn bị ao nuôi đến xử lý nước thải cuối vụ nuôi không gây ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi và môi trường xung quanh, bảo đảm dịch bệnh không lây lan, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Vừa nuôi trồng vừa bảo vệ
Các vùng NTTS tại thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sử dụng chung nguồn nước cấp từ sông Mai Giang nhiều năm qua không được nạo vét, dẫn đến bồi lắng, ô nhiễm. Hệ thống ao nuôi và kênh cấp, thoát nước đang xuống cấp, không có khả năng bảo vệ khi mùa mưa lũ về làm cho vùng nuôi thường xuyên ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh, người nuôi trồng bị thiệt hại.
Thực tế hiện nay, hầu hết các vùng NTTS tại Nghệ An, Hà Tĩnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo các chuyên gia, nước thải từ hoạt động NTTS chứa một lượng lớn chất hữu cơ, bùn thải, các chất tồn dư như hóa chất, thuốc kháng sinh, vôi lắng đọng. Một số khu vực do tập trung quá nhiều bè cá, ao đầm dẫn đến ô nhiễm cục bộ môi trường nước tại khu vực nuôi. Trong khi đó, công tác đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại cơ sở còn hạn chế, nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các địa phương còn thiếu và yếu. Như tại Hà Tĩnh, mới chỉ có khoảng 25% vùng nuôi trồng được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, khiến cho công tác ứng phó với BĐKH, phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Hướng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An đề xuất: "Để thích ứng với BĐKH trong NTTS, người nuôi trồng cần chủ động áp dụng các công nghệ mới để vừa mang lại năng suất, sản lượng cao, vừa bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Song song với đó, các địa phương cần bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng NTTS, như: Hệ thống đê điều, hệ thống điện, trạm bơm, hệ thống cấp và thoát nước. Đặc biệt, cần xây dựng khu xử lý nước thải tập trung nhằm bảo vệ nguồn nước”.
Thích ứng với BĐKH trong NTTS là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự liên kết và phối hợp cùng triển khai thực hiện. Trong khi việc ứng dụng khoa học-công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng trong NTTS cần nguồn lực và kinh phí thì việc có thể làm ngay và ít chi phí đó là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong NTTS. Tư duy và hành động NTTS hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái sẽ là "bức tường thành" vững chãi góp phần ứng phó với BĐKH.