Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng trăm dự án được cấp đất, cấp chứng nhận đầu tư với vốn đầu tư đăng ký hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng nhưng chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng.
Những dự án lớn bỏ hoang
Dự án khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise Sơn Tịnh do Công ty CP Đầu tư Khu du lịch phim trường Vina đầu tư ở phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) được UBND tỉnh cấp phép đầu tư và khởi công xây dựng từ năm 2008. Quy mô dự án khá hoành tráng với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỉ đồng trên diện tích gần 60 ha... Sau khi làm được vài đoạn đường cấp phối cùng 2 hàng trụ điện, dự án đã bị bỏ hoang.
Một dự án nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi có vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng đã bỏ hoang nhiều năm .Ảnh: TỬ TRỰC
"Dự án để "treo" hơn 12 năm qua, không làm gì hết. Hàng trăm hộ dân nhà cửa bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng nhưng không thể xây mới cũng như chuyển nhượng, mua bán đất đai, nhà cửa để có vốn đầu tư, làm ăn vì vướng quy hoạch" - ông Nguyễn Trần Minh, ngụ phường Trương Quang Trọng, nói.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chức năng tỉnh này đã cấp phép cho 41 dự án với vốn đăng ký đầu tư trên 2.130 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 1.000 ha. Tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) hiện có 17 dự án đầu tư nông nghiệp được cấp phép với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 537 ha, vốn đăng ký gần 1.689 tỉ đồng. Tất cả dự án đều chưa hoàn thành.
Tại Bình Định, cuối năm 2019, dự án Bệnh viện chuyên khoa mắt kỹ thuật cao quốc tế Sài Gòn - Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 30 giường bệnh, vốn đầu tư khoảng 84,6 tỉ đồng, do Công ty CP Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn - Quy Nhơn làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, từ quý IV/2019 đến quý II/2022. Nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng, san lấp mặt bằng do nhà nước đã chi trả với số tiền 4,25 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2020, nhà đầu tư nêu lý do chậm tiến độ thực hiện đầu tư dự án do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khó khăn trong giải ngân vốn ngân hàng; đồng thời cam kết hoàn tất các thủ tục, khởi công trong quý I/2021. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư không triển khai thực hiện, chậm 12 tháng so với tiến độ đăng ký, chưa hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng, san lấp mặt bằng. Đây cũng là nguyên nhân khiến dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư.
Đề nghị xã "làm hộ"
Công ty CP Khai thác và Sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình (gọi tắt là Công ty Linh Thành) được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy phép làm dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường ở mỏ đá lèn Minh Cầm từ năm 2011 với diện tích khai thác lên tới 63,48 ha tại xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. 10 năm trôi qua, công ty mới làm một con đường vào dự án, san gạt mặt bằng.
Dự án có tổng vốn đầu tư 80 tỉ đồng, thời gian hoạt động 30 năm, quy mô khai thác 450.000 m3/năm. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động vào quý III/2011.
Theo ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, thời điểm Công ty Linh Thành khởi công, dự án có quy mô lớn nên người dân và chính quyền địa phương rất kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Thế nhưng, đến nay, dự án chỉ mới san lấp mặt bằng. Từ việc tập kết vật liệu san lấp đã để lại một khối lượng đất đá lớn. Cứ đến mùa mưa lũ, đất san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy trôi hết xuống lấp ruộng lúa của người dân. UBND xã Châu Hóa nhiều lần có ý kiến với lãnh đạo Công ty Linh Thành.
Đáp lại, phía công ty này lại nhờ lãnh đạo xã đứng ra "làm hộ", rồi hứa kinh phí hết bao nhiêu công ty sẽ chịu trách nhiệm. "Nếu mình không thuê máy móc tới san ủi, múc đất cho bà con ra khỏi ruộng thì bà con cũng lên xã để phản ánh. Còn nếu đợi Công ty Linh Thành thì biết lúc nào bà con mới có ruộng sản xuất. Vì chuyện này, có thời điểm, Châu Hóa phát sinh "điểm nóng" khiếu nại" - ông Hoàng nói.
Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Khoáng sản - Khí tượng Thủy văn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, cho biết UBND tỉnh đã nhiều lần làm việc với công ty và có văn bản đôn đốc, yêu cầu công ty thực hiện đúng các cam kết triển khai xây dựng dự án cũng như thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Năm 2015, một dự án khác là Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt của DNTN Gia Hân được UBND tỉnh Quảng Bình cấp gần 250 ha đất đồi núi tại xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa. Dự án này có tổng vốn đầu tư 20 tỉ đồng, với quy mô thường xuyên là 3.000 con bò giống sinh sản và 2.250 con bò thịt. Sau hơn 5 năm thực hiện, chỉ có vài con bò ở đây. Ngoài một khu nhà cấp 4 sơ sài được xây dựng trên diện tích hơn 1 ha thì còn lại đều như bỏ hoang.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa, thừa nhận dự án "rùa bò" không thực hiện đúng như cam kết, gây lãng phí đất đai. Trách nhiệm thẩm định khi cấp dự án này cho doanh nghiệp là của các cơ quan cấp tỉnh, chính quyền địa phương chỉ thừa hành. Diện tích đất cấp cho dự án trước đây là đất rừng sản xuất nhưng sau đó đã được chuyển đổi.
Link gốc: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/mien-trung-nhieu-du-an-khoi-cong-roi-de-do-20210803221747967.htm