Cứ mỗi tháng xem hóa đơn tiền điện là lại hốt hoảng vì số điện cứ tăng vèo vèo, nghĩ đi nghĩ lại mà không hiểu nguyên nhân tại sao, thì bạn cần kiểm tra lại ngay chiếc tủ lạnh nhà mình bởi rất có thể đó chính là thủ phạm “ngốn” nhiều tiền điện nhất do bị hỏng hóc, hay chỉ đơn giản là rò rỉ hơi lạnh ra ngoài.
Ngoài việc vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý, bảo trì định kỳ, thì việc quan trọng không kém để đảm bảo rằng chiếc tủ lạnh nhà bạn đang hoạt động bình thường đó chính là kiểm tra cửa tủ lạnh. Nếu miếng đệm cao su bị lỏng hay không còn khả năng hút bám, có thể khiến tủ lạnh không được đóng chặt, gây hiện tượng rò rỉ khí lạnh ra ngoài rất tốn tiền điện, còn làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh.
Để kiểm tra tình trạng của tủ lạnh, bạn chỉ cần chuẩn bị một tờ giấy A4 và làm theo mẹo đơn giản sau, đảm bảo sẽ “bắt bệnh” được ngay cho chiếc tủ lạnh nhà mình.
Hãy sử dụng 1 tờ giấy A4, kẹp vào cửa tủ lạnh rồi đóng cửa tủ lại. Sau đó, bạn thử rút tờ giấy ra từ từ, nếu nó trượt ra một cách dễ dàng, nghĩa là phần cao su ở cánh cửa tủ đã có vấn đề, bị cong, bong ra hoặc rách. Lúc này sẽ vô tình làm giảm hiệu suất làm mát của tủ và bạn cần nhanh chóng thay thế chúng.
Hãy thường xuyên kiểm tra cánh cửa tủ lạnh và phần đệm cao su để tránh tình trạng đóng không kín, "rò rỉ" khí lạnh hoặc không khí bên ngoài vào tủ.
Ngoài ra, bạn đừng quên một số cách dưới đây để giúp tủ lạnh nhà mình tiết kiệm điện nhất có thể nhé.
1. Sử dụng hộp kín hoặc màng bọc thực phẩm
Trước khi đặt vào tủ lạnh, thức ăn cần được cho vào hộp đựng thực phẩm hoặc được bọc kín thực phẩm. Điều này vừa làm cho thức ăn giữ được độ tươi và độ ẩm tốt hơn trong môi trường lạnh, máy nén của tủ lạnh cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn để điều hòa được lượng khí ẩm bên trong tủ.
Nói cách khác, việc bọc kín thực phẩm góp phần làm cho máy nén hoạt động công suất ít hơn, dẫn đến tủ lạnh sẽ sử dụng điện năng ít hơn.
2. Hạn chế mở tủ lạnh quá lâu
Mở cửa tủ lạnh dù một chút, nhiệt độ của thực phẩm và nhiệt độ bên trong tủ lạnh sẽ tăng, máy nén lúc này phải vận hành để làm giảm nhiệt độ lần nữa. Vì thế, đóng – mở cửa liên tục sẽ làm cho tủ lạnh nhà bạn phải điều chỉnh nhiệt độ liên tục, tiêu tốn điện năng nhiều.
3. Sử dụng khăn giấy ướt
Khi đặt một chai nước hay thứ gì đó cần làm mát nhanh trong tủ lạnh, hãy quấn quanh bằng một tờ khăn ướt, chai nước sẽ nhanh lạnh hơn mà sử dụng tủ lạnh không tốn nhiều điện năng. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng đồ đựng thực phẩm hay chai nước bằng kim loại, bởi kim loại dẫn lạnh tốt hơn đồ nhựa, tiết kiệm điện năng hơn.
4. Không đặt “quá tải” thực phẩm trong tủ lạnh
Khi để thực phẩm chứa vừa đầy bên trong tủ lạnh, bạn vô tình làm cân bằng nhiệt độ bên trong tủ lạnh bởi thực phẩm lạnh sẽ tự làm lạnh qua lại cho nhau. Tuy nhiên hãy sắp xếp thực phẩm hợp lý tránh mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lây mùi chéo nhau, hoặc ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động trong tủ. Nếu trong tủ lạnh có nhiều khoảng trống, bạn có thể đặt thêm những bình nước đá lạnh hoặc túi đá bên trong.
5. Không đặt thức ăn nóng vào tủ lạnh
Tất cả hơi nóng của thức ăn sẽ tỏa ra, làm ấm không khí bên trong tủ lạnh, lúc này tủ lạnh sẽ phải sử dụng nhiều điện năng hơn, hoạt động nhiều hơn để làm mát lại không khí bên trong tủ. Vì thế, bạn đừng bao giờ đặt thực phẩm còn đang nóng vào tủ lạnh nếu không muốn chúng nhanh hỏng hay “ngốn” nhiều tiền điện nhé.
6. Để tủ tránh xa nguồn điện
Hãy cố gắng không để tủ lạnh của bạn gần lò nướng hay những thiết bị tỏa nhiệt, nhất là dưới ánh sáng mặt trời. Bởi vì, những yếu tố đó sẽ làm ấm tủ lạnh nhà bạn, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả của máy nén tủ lạnh.
Theo Eva/thoidaiplus/giadinhnet)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn