Làng chài nghèo bất ngờ thành “địa hạt” xuất ngoại - Tỷ phú như nấm sau mưa...

Thứ hai - 01/07/2019 13:42
Hơn chục năm nay, làng chài nghèo ven biển Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ lột xác đầy ngoạn mục. Từ một vùng quê nghèo bỗng nhiên trở thành làng giàu có bậc nhất xứ Nghệ. Mỗi năm, Cương Gián thu về không dưới 100 tỷ đồng với hàng chục gia đình được xếp vào hàng tỷ phú, đại gia.

Làng chài nghèo bất ngờ thành “địa hạt” xuất ngoại - Tỷ phú như nấm sau mưa... - Ảnh 1

Vùng đất Cương Gián giờ chỉ có người già theo nghề biển vì thanh niên hầu hết đều đi XKLĐ.

Tìm đường thoát nghèo

Cương Gián vốn được biết đến như một làng chài nghèo, bà con ngư dân quanh năm gắn bó với nghề biển nhưng cuộc sống vẫn chẳng mấy khấm khá. Con đường từ Quốc lộ 1A về đến Cương Gián phải đi qua nhiều địa phương còn nghèo, thậm chí chưa có đường nhựa, đất đỏ lẫn đá dăm dựng lởm chởm. Chính vì vậy mà chuyện về những tỷ phú ở Cương Gián trở thành câu chuyện khá lạ, được nói đến nhiều nhất tại đây. Không ai nghĩ mảnh đất ở cuối huyện Nghi Xuân lại là nơi sầm uất đến vậy.

Cương Gián vốn là một làng Việt cổ, theo nhiều sách xưa ghi lại, ngôi làng đã tồn tại hơn 1.000. Ngôi làng cổ này bao đời nay lam lũ với nghề chài lưới. Họ không còn biết trông chờ vào bất kỳ một nguồn sống nào ngoài biển cả. Người dân Cương Gián vẫn nhớ như in câu chuyện đầu những thập niên 90, khi xoá mô hình làm ăn hợp tác xã nghề cá, người dân hoang mang. Lúc đó một bộ phận vẫn ở lại với biển, còn đa số lại quay về với nghề nông. Mà ở vùng đất này, mùa hè gió Lào thổi như muốn thiêu rụi mọi thứ, mùa đông, hanh hao đến nứt toác gót bàn chân, trông mong gì ở những thửa ruộng mênh mông cát trắng.

Cương Gián trước đây còn là một xã có nhiều nghề truyền thống như: Dệt lưới tơ, làm nón, đặc biệt là chế biến nước mắm với thương hiệu nổi tiếng “Nước mắm Cương Gián”. Thế nhưng cuộc sống của người dân vẫn không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nhắc đến Cương Gián ở những năm đầu thế kỷ 21, ông Nguyễn Văn Hải (68 tuổi), một người dân Cương Gián cho biết: “Có nơi đâu no ấm được với nghề chài lưới? Mười mấy năm trước, Cương Gián còn bị liệt vào danh sách địa phương đói nghèo khó khăn nhất huyện. Cuộc sống quanh năm đều dựa vào nghề biển, nhiều gia đình còn đói khổ”.

 

 

 

 

 
 
 
 

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1988, khi một nhóm thanh niên trong làng tiên phong đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Chỉ vài năm sau, nhờ số tiền họ gửi về, các gia đình đã nhanh chóng xóa được đói nghèo. Thấy ai đi về cũng có vốn làm ăn, xây nhà to nên nhiều người trong làng cũng làm hồ sơ xin đi. Rồi những ngôi nhà cao tầng mỗi năm mọc lên càng nhiều, cứ nhà nào có người đi xuất khẩu lao động là to đẹp khang trang. Những năm tiếp đó nhà cửa san sát, cái tên làng tỷ phú xứ Nghệ cũng từ đó mà ra.

Và những hệ lụy

Giờ đây, làng chài nghèo Cương Gián ngày nào đã xuất hiện những khối nhà tầng quét sơn đủ màu sắc, đất làng như dồn chật lại. Hai bên đường nhựa san sát những ki-ốt bán hàng chẳng khác nào ở những khu đô thị lớn. Ngôi làng ngày ấy giờ trở thành xã Cương Gián với tổng số 15 thôn. Mỗi thôn đều có những nét riêng biệt nhưng điểm chung là thôn nào cũng giàu có đến kinh ngạc. Một cán bộ xã Cương Gián cho biết, hiện nay cả xã có khoảng hơn 14.000 dân nhưng mấy chục năm nay có tới gần 3.000 người đã đi XKLĐ. Mỗi nhà bình quân có 2-3 người, đặc biệt, có gia đình 9-10 người đi XKLĐ. Có những năm, toàn bộ con em tại Cương Gián ở nước ngoài gửi về cho người thân hơn 100 tỷ đồng. Trong đó thôn nhiều nhất có 315 người đi XKLĐ, thôn ít nhất 83 người, bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình 30 triệu đồng/tháng.

Vị cán bộ xã dẫn tôi đi trên con đường rải nhựa với những dãy tường gạch kín như một khu phố thu nhỏ, đến ngôi nhà của ông Hoàng Đức Thanh, người được mệnh danh là “ông vua” xuất khẩu lao động, cũng là một tỷ phú có “số má” của mảnh đất này. Sự giàu có của gia đình ông Thanh được thể hiện ngay từ ngôi nhà cao tầng sang trọng cùng phần lớn nội thất sang trọng trong nhà.

Ông Thanh kể, gia đình thủơ trước nghèo đói, cả gia đình sống nhờ vào nghề đi biển. Năm nào được mùa và thời tiết thuận lợi thì đủ sống, không thì thiếu thốn đủ bề. Sau khi được lãnh đạo huyện “bật đèn xanh”, ông đã bắt mối với một “đường dây” xuất khẩu lao động, cho người con trai thứ hai đi sang Hàn Quốc. Nối tiếp là người con trai cả Hoàng Văn Tình và cô con dâu Trương Thị Mai. “Sau khi vài người đi lao động nước ngoài thành công, người đi trước kéo người đi sau, cho đến lúc cao điểm, cách đây độ 3 năm, gia đình tôi có đến 25 người con, cháu cùng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây Âu...”, ông Thanh chia sẻ.

Một tấm gương điển hình là anh Nguyễn Đại Dương, tỷ phú trẻ ở tuổi 30. Gia đình vốn làm nghề bám biển, bố anh đã đặt tên con là Đại Dương với khát vọng chinh phục biển khơi. Nhưng rồi, nguồn tôm cá dần mất đi do ảnh hưởng môi trường biển. Cả gia đình xót xa nhìn con thuyền chỏng chơ trên cát, nứt nẻ. Những ngày đi biển đều thua lỗ, không đủ tiền mua dầu và trả cho người làm thuê. Sau đó bố của anh quyết định vay tiền cho Đại Dương đi lao động nước ngoài. Chàng trai có vóc người chắc đậm, được bố truyền nghề đi biển và cả đức tính cần cù, chịu khó. Dương sang Hàn Quốc làm nghề đi biển, sau đó gặp và kết hôn với cô gái cùng làng sang Hàn làm ở xưởng may mặc. Giờ đây, khi có vốn trở về, Đại Dương mở một cửa hàng kim hoàn vàng bạc cạnh chợ Cương Gián, còn người vợ là chủ cửa hàng may mặc.

Tuy nhiên, đằng sau những con số biết nói về hiệu quả kinh tế, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra từ việc XKLĐ ở ngôi làng giàu có này. Một cán bộ xã Cương Gián thở dài khi nói về mặt trái mà XKLĐ đang gây ra cho địa phương, đó là tỉ lệ ly hôn rất lớn, rất nhiều gia đình đổ vỡ hạnh phúc. Theo thống kê của địa phương, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có trên 200 cặp vợ chồng ly hôn, trong đó riêng thôn Bắc Mới có trên 70 cặp đôi tan vỡ hạnh phúc gia đình. Cá biệt, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng chia tay. Đáng nói là, phần lớn những vụ việc ly hôn này đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về. Bà Lê Thị Lý, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Cương Gián chia sẻ: “Ly hôn hiện nay như một xu hướng ở xã Cương Gián, bùng phát mạnh nhất là 3 năm trước đây. Tình trạng ly hôn không chỉ ở lớp trẻ mà có cả ở những trường hợp lớn tuổi, đi xuất khẩu lao động lâu năm trở về quê”.

Qua khảo sát, phân tích các vụ ly hôn trên địa bàn, bà Lý tổng kết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng... chia ly. Một hệ lụy khác từ xuất khẩu lao động là mỗi năm ở Cương Gián có nhiều lao động kết thúc hợp đồng về nước mang theo tay nghề, vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc... mà họ tiếp thu được ở nước ngoài nhưng lại rơi vào cảnh thất nghiệp, bởi tìm ra nghề mới khi trở về quê không phải là chuyện dễ ở vùng quê biển này.

T.Q
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 27

Theo Đời sống & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây