Kỳ Anh– Hà Tĩnh: Đầm tôm gây ô nhiễm môi trường 5 năm qua, chính quyền 'bất lực'!?

Thứ ba - 25/02/2020 08:41
Một cơ sở nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường trong suốt 5 năm qua, người dân liên tục kêu cứu nhưng không hiểu vì sao chính quyền vẫn "bất lực" hay cố tình "làm ngơ"?
Báo đã có bài viết phản ánh trước đó, vào tháng 5/2019 tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Cơ sở nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường, người dân kêu cứu – chính quyền làm ngơ. Cho đến nay, đã gần một năm trôi qua nhưng cơ sở nuôi tôm này vẫn chưa có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Thậm chí, chính quyền UBND Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn chưa hề có động thái xử lý vấn đề này.

Dân vẫn tiếp tục kêu cứu

Những ngày gần đây, PV liên tục nhận được phản ánh của những hộ dân sống tại xã Kỳ Khang – Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về tình trạng hồ nuôi tôm trên cát “công nghệ cao” của ông Trương Quốc Sơn vẫn tiếp tục xả thải trực tiếp ra biển mà không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân địa phương.
 
T20200222507 1
Khu vực xử lý nước thải của đầm tôm được chủ đầm làm để chống chế, nhưng không có tác dụng sau gần 1 năm Báo chí phản ánh.

Thậm chí có người dân còn cho biết: “Chúng tôi đã kêu đến chính quyền địa phương nhiều lần rồi nhưng vẫn không hề thấy cơ quan nào xử lý, đầm tôm này có 3 người góp vốn chung, trong đó có một cán bộ là công an cũng tham gia cổ phần ở đó, có lẽ vì thế mà không ai dám động đến. Giờ chúng tôi chán rồi không biết kêu ai nữa, chỉ mong các nhà báo vào cuộc cứu giúp dân chúng tôi. Rất may là vừa rồi họ định triển khai tiếp một dự án nuôi tôm ở ngay kế bên nhưng dân chúng tôi tập trung ra phản đối quyết liệt nên họ lại tạm dừng, nếu không chắc chúng tôi không sống nổi”.

Theo tìm hiểu của PV, diện tích nuôi tôm của hộ ông Trương Quốc Sơn là 3ha, nếu như đúng quy định về đánh giá tác động môi trường thì khu xử lý nước thải phải đảm bảo 10% diện tích ao hồ. Nhưng thực tế khi PV đi khảo sát cùng Ông Hồ Xuân Trính – Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang ngày 13/2/2020 thì phần diện tích sử dụng để xử lý nước thải chỉ khoảng trên 100m2. Cũng theo quy định thì khi đánh giá tác động môi trường bắt buộc phải đảm bảo hệ thống hồ lắng lọc, xử lý nước thải. Nhưng sau 5 năm tồn tại thì hệ thống lắng lọc của cơ sở nuôi tôm này vẫn thô sơ, nước thải chảy thẳng ra biển.

Trong buổi làm việc với ông Hồ Xuân Trính – Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường của chủ nuôi tôm này, ông Trính cho biết: “Đây là dự án nuôi tôm do UBND tỉnh cấp phép với thời gian 20 năm, UBND xã không đủ thẩm quyền để xử lý ”. Khi PV hỏi ông có báo cáo vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại địa phương với lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh hay không, ông Trính cũng trả lời rất “hời hợt” thiếu trách nhiệm rằng: Chỉ báo cáo bằng miệng trong các cuộc họp mà không có bất kỳ văn bản nào.

Thực tế sau khi báo chí phản ánh vào hồi tháng 5/2019 cho đến nay thì chủ cơ sở chỉ làm thêm một bờ ngăn đơn sơ ở hồ lắng lọc mà không hề xử lý đầu ra trước khi thải ra biển. Trong suốt quá trình làm việc, PV cũng chưa hề được tiếp cận với báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như kết quả quan trắc nguồn nước của cơ sở nuôi tôm của ông Trương Quốc Sơn. Kỳ lạ thay, người dân nơi đây đã liên tiếp kêu cứu suốt nhiều năm qua lên cơ quan chức năng nhưng hộ nuôi tôm của ông Trương Quốc Sơn vẫn ngang nhiên xả hàng khối chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Chính quyền UBND huyện Kỳ Anh vẫn “làm ngơ”

Một lần nữa, chúng tôi liên hệ làm việc với UBND huyện Kỳ Anh, ông Bùi Quang Hoàn- Chủ tịch UBND huyện lấy lý do đi họp vắng, ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Dũng làm việc (vẫn như lần trước). Khi PV đề nghị ông Hoàn trao đổi trước với ông Dũng để nắm được nội dung làm việc (tránh như lần trước) thì vị Chủ tịch trả lời là “theo quy chế chúng tôi đã phân công rồi???”.

Quay lại thời điểm tháng 5/2019, PV liên hệ đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Sau khi được cán bộ Nguyễn Thị Phương Thảo, nhân viên văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận nội dung làm việc để báo cáo lãnh đạo rồi có thông tin lịch làm việc với PV thông qua số điện thoại để lại, nhưng từ đó đến nay vẫn không có thông tin phản hồi.

Một điều lạ thường là hàng năm đều có các đoàn của huyện, sở ngành về kiểm tra nhưng chỉ nhắc nhở. Và suốt 5 năm qua chủ cơ sở nuôi tôm này cứ mặc nhiên hành dân, đầu độc môi trường. Rõ ràng, dù có biện hộ gì đi nữa thì việc để một cơ sở nuôi tôm thản nhiên xả thải ra gây ô nhiễm môi trường suốt 5 năm qua mà không hề bị xử lý là điều không thể chấp nhận được.

Phải chăng cơ quan chức năng UBND huyện Kỳ Anh đã “chào thua”, "bất lực" trước chủ cơ sở nuôi tôm này!? Hay chính UBND huyện Kỳ Anh “cố tình” làm ngơ cho cơ sở nuôi tôm xả thải ra môi trường!?. Và liệu cơ sở nuôi tôm này có được các cơ quan chuyên môn kiểm tra đánh giá thẩm định đúng bản chất thực tế về tiêu chí môi trường để trong năm 2020 xã phấn đấu về đích nông thôn mới theo đúng như mục tiêu đề ra hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh đến bạn đọc!
 
Theo thống kê của các nhà khoa học, bình quân một vụ mỗi ha tôm thải ra đến 8 tấn chất thải rắn gồm vỏ tôm lột, thức ăn thừa…là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Ngoài ra, trong các chất thải còn có các hóa chất xử lý ao nuôi tôm như vôi, thuốc tím, clorin tan trong nước tích tụ dưới đáy ao…là những loại hóa chất có hại cho sức khỏe con người và cực kỳ nguy hiểm khi nó thấm vào nguồn nước ăn.
Hoàng Chiến và Nhóm PV
Theo giadinhvaphapluat.vn

Link gốc: http://giadinhvaphapluat.vn/ky-anh-ha-tinh-dam-tom-gay-o-nhiem-moi-truong-5-nam-qua-chinh-quyen-bat-luc-p71836.html?fbclid=IwAR1yBa24H5r9u3FxVuh6wuun9gZqfmLSNFYcFRCLJltDDbvHNHn5JJM2sb0

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây