Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Thứ tư - 30/06/2021 07:36
Ngày 29/6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể bằng hình thức trực tuyến để thẩm tra chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), trung bình giảm 1,43%/năm. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo giai đoạn 2016-2020 bình quân 3,74%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Đặc biệt một số nơi, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, một số xã vẫn còn trên 40% hộ nghèo, có nơi còn đến 60%; một số huyện cũng còn đến 40-50% hộ nghèo.

“Đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/ năm; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”- ông Thanh cho hay.

Tuy nhiên nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước việc trùng lắp đối tượng thụ hưởng giữa chương trình này với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), trong giảm nghèo làm sao phải tránh việc hộ nghèo ỉ lại, tư tưởng trông chờ tài trợ, ưu đãi, cũng như việc cán bộ đưa người dân vào danh sách hộ nghèo. Do đó phải có chính sách khen thưởng đối với những cá nhân vươn lên thoát nghèo.

Còn theo đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), trong giảm nghèo không chỉ trợ giúp cho đời sống người dân mà còn vấn đề văn hóa, giáo dục, nghề nghiệp. Muốn thoát nghèo thì “cái gốc” phải từ sản xuất, động lực phát triển kinh tế. Cho nên cần tăng cường giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề cho người nghèo không chỉ đào tạo trong ngắn hạn mà cần dài hạn để người dân có năng lực, trình độ để có thể chuyền đổi nghề nghiệp và thoát nghèo.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số…          

Theo daidoanket.vn

Link gốc: http://daidoanket.vn/khoi-day-y-chi-vuon-len-thoat-ngheo-5655807.html
 Từ khóa: thoát nghèo, hà tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây