Hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Na Hang, Trị An có tiềm năng nuôi trồng thủy sản cao
Hôm nay, 25/6, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT) cho thấy, Việt Nam hiện có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3, phân bố ở 45/63 tỉnh, trong đó gần 500 hồ thủy điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt.
Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.
Các tỉnh có nhiều hồ chứa nhất là Thanh Hóa (610 hồ), Đắk Lắk (599 hồ), Nghệ An (517 hồ), Hòa Bình (515 hồ), Tuyên Quang (493 hồ), Bắc Giang (412 hồ), Vĩnh Phúc (402 hồ) và Hà Tĩnh (350 hồ).
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa. Ảnh: P.V
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tận dụng tiềm năng mặt nước, những năm qua, nghề nuôi cá hồ chứa tiếp tục phát triển từ việc nuôi các loài cá truyền thống như: Mè, trôi, chép, rô phi, trắm cỏ, bỗng tượng… và mở rộng ra các loài có giá trị kinh tế như: Cá tầm, lăng, chiên, nheo mỹ, lóc, thát lát, bỗng tượng...
Đặc biệt những năm gần đây, cá tầm được nuôi nhiều ở khu vực nước mát có nhiệt độ từ 18 - 27 độ C chủ yếu tại Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản nêu một thực tế, số lượng hồ chứa nước rất lớn nhưng hiện các địa phương chỉ khai thác được phần nhỏ diện tích hồ cho nuôi trồng thuỷ sản. Số hồ chứa được cấp phép nuôi trồng thủy sản không nhiều.
Ví dụ như Đắk Lắk, chỉ có 61/597 hồ chứa thủy lợi được cấp phép để nuôi thủy sản. Một số hồ chứa nước có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực dân cư nên hạn chế phát triển nuôi trồng thủy sản trong hồ.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đang tiếp tục phát triển. Một số tỉnh có sản lượng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa cao đang xây dựng thương hiệu, hình thành các chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn để quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm như: hồ Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà.
Hoà Bình là tỉnh nuôi cá lồng trên hồ chứa lớn nhất cả nước, với số lồng nuôi cá là 4.750 lồng, sản lượng đạt 5,594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thuỷ sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động.
Tỉnh có 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP và 8 có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nhãn hiệu Cá, Tôm sông Đà Hoà Bình được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Tuy nhiên, theo ông Luân, các hồ chứa ở Việt Nam hiện nay ưu tiên phục vụ các mục đích thủy điện, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt… chưa chú trọng phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nuôi thủy sản hiện mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng mặt nước.
Sự kết hợp giữa khai thác, nuôi trồng, cũng như công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản và hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, thủy điện, thủy sản tại nhiều địa phương chưa tốt nên chưa tận dụng hết tiềm năng mặt nước và nguồn lợi sẵn có của hồ chứa. Ví dụ khi hồ thủy điện, thủy lợi khi xả đáy, xả lũ có thể gây ảnh hưởng tới các lồng nuôi hoặc khu vực nuôi đăng chắn.
Người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc, Hòa Bình ) đầu tư nuôi cá lồng trên hồ chứa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Báo Hòa Bình.
Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa
Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển nuôi hiệu quả các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa.
Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.
Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. -
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, khai thác và sử dụng tiềm năng mặt nước hồ chứa theo hướng đa mục tiêu dân sinh, nông nghiệp, thủy sản, thủy điện và du lịch; thống nhất, phân rõ trách nhiệm quản lý lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa có diện tích kéo dài nằm trên nhiều địa phương khác nhau; xây dựng các vùng sản xuất giống, vùng nuôi chuyên canh tập trung để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Điều tra, khảo sát tiềm năng nuôi trồng thủy sản tại địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển nuôi cá lòng hồ hiệu quả và bền vững.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, từng bước đưa các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện cơ sở nuôi, đăng ký nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, bến cá phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh, tập trung để thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn và vận chuyển sản phẩm.
Link gốc: https://danviet.vn/mo-duong-khai-thac-kho-bau-khong-lo-o-6695-ho-chua-20220625190101801.htm