Hóng giá điện mặt trời, nhà đầu tư “mất ăn mất ngủ”

Thứ ba - 29/10/2019 11:34
Gần 4 tháng trôi qua kể từ mốc 30/6, khi mức giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 UScents/kWh hết hiệu lực, đến nay giá điện mặt trời mới vẫn chưa chính thức "chốt sổ". Phương án 1 mức giá điện mặt trời áp dụng trên toàn quốc mà Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng mới đây đang khiến không ít nhà đầu tư “mất ăn mất ngủ”.
hong gia dien mat troi nha dau tu mat an mat ngu
Quá tải lưới điện là bài toán nan giải hiện nay khi phát triển rầm rộ các dự án điện mặt trời tại một số địa phương. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Tiến thoái lưỡng nan

Công ty TNHH GA Power Solar Park (Đức) là DN 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã đầu tư 2 nhà máy điện mặt trời với công suất 60 MW ở Hà Tĩnh với số vốn 50 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ phát điện lên lưới để được hưởng mức giá ưu đãi là 9,35 UScents/kWh (tương đương 2.100 đồng/kWh). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án của DN này chưa thể phát điện theo đúng kế hoạch. Đó là lý do khiến cho lãnh đạo công ty cảm thấy khá lo lắng khi dự thảo giá điện mặt trời sau ngày 30/6 chỉ còn 1 mức giá, giảm xuống còn 1.620 đồng/kWh đối với dự án điện mặt trời mặt đất.

Ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH GA Power Solar Park chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã giải phóng mặt bằng, chuyển tiền đặt máy móc thiết bị… Thậm chí, có nhiều thiết bị đã cập cảng. Với mức giá mới dự kiến, làm tiếp cũng lỗ, không làm DN cũng khá khó khăn, gay go. Nếu chưa triển khai, chắc chắn chúng tôi không bao giờ làm nữa”.

Tương tự nỗi âu lo như trường hợp của lãnh đạo Công ty TNHH GA Power Solar Park, Giám đốc 1 DN đầu tư dự án điện mặt trời ở Thanh Hóa cho hay: Dự án mà DN này đầu tư đến nay đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Với 1 mức giá dự kiến là 1.620 đồng/kWh, chắc chắn nhà đầu tư sẽ bị lỗ. “Ngay sau ngày 30/6, khi chưa có mức giá mới, ngân hàng đã tạm dừng giải ngân cho dự án. Nếu 1 mức giá như đề xuất mới nhất được áp dụng, ngân hàng cũng không giải ngân tiếp. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ mất đi số tiền đã bỏ ra, thậm chí phá sản. Phía ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn. Mức giá thấp như vậy được ban hành chắc chắn sẽ khiến nhiều DN ra đi”, vị Giám đốc DN này bộc bạch.

Mong muốn chia nhiều vùng giá

Mặc dù mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án 1 mức giá điện mặt trời áp dụng trên toàn quốc, song chính Bộ này cũng đưa ra phân tích, bên cạnh ưu điểm lớn là chính sách giá FIT (là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện-PV) đơn giản do chỉ có một mức giá và không cần hỗ trợ cao hơn tại các vùng có tiềm năng bức xạ thấp, phương án này tồn tại 2 nhược điểm lớn. Thứ nhất, việc khuyến khích kém hơn đối với các dự án tại khu vực miền Bắc, miền Trung để góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện giai đoạn đến 2023 của khu vực miền Nam. Thứ hai, do tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải.

Liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Quang Cường phân tích chi tiết hơn: Nếu Chính phủ ban hành giá điện mặt trời với 1 vùng giá áp dụng trên toàn quốc, thu hút đầu tư vào điện mặt trời ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra là Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa sẽ rất khó khăn. Đó là bởi, bức xạ ở các tỉnh này không cao bằng các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận… Đương nhiên, việc này sẽ khiến các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô đầu tư vào các vùng có bức xạ cao, gây ra tình trạng quá tải hệ thống truyền tải như đã và đang xảy ra ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

Cũng tham gia đầu tư vào điện mặt trời, đang thấp thỏm đợi chờ mức giá điện áp dụng sau ngày 30/6, thậm chí đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương xung quanh vấn đề giá điện mặt trời, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành mức giá điện theo 3 vùng hoặc 4 vùng. “Dù mức giá không bằng giá cũ áp dụng trước ngày 30/6 nhưng cũng không nên để giá quá thấp”, ông Hoàng nói.

Phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam giữa tháng 9 vừa qua, ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bày tỏ quan điểm: Muốn thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần phải có các giải pháp tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc-Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt (sa thải phụ tải theo điện áp, theo giới hạn ổn định), đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng...

EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023 (ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải). Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị sớm hoàn thiện và ban hành các quy định phát triển năng lượng tái tạo theo hình thức đấu thầu nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án...

Trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam mới nhất, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quyết định theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc thay cho phương án chia thành 2 vùng giá hay 4 vùng giá trước đó (theo cường độ bức xạ). Cụ thể, dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScents/kWh. Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScents/kWh. Dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScents/kWh.

Thanh Nguyễn

Theo Hải Quan
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây