Những hóa đơn nước bất thường.
Phần lớn, phản ánh của người dân TP Hà Tĩnh tập trung vào những bất thường như: hàng tháng khối lượng nước sinh hoạt của gia đình khác nhau, nhưng hóa đơn tiền nước hàng tháng lại bằng nhau đến mức vô lý.
Bất thường hơn nữa, là nhiều hộ gia đình phản ánh hóa đơn tiền nước từng tháng chênh nhau gấp 3, 4 lần, dẫu việc sử dụng nước sinh hoạt hàng tháng không thay đổi nhiều.
Những hóa đơn thể hiện khối lượng nước hàng tháng bằng nhau, tăng, giảm bất thường. |
Anh Trần Văn Dương, nhà ở phường Nguyễn Du cho biết, liên tục 3 tháng 7, 8, 9 khối lượng nước sử dụng hàng tháng theo hóa đơn bằng nhau rất khó hiểu, dẫu tháng 8 gia đình anh đi du lịch hơn 1 tuần, tháng dùng ít, tháng dùng nhiều.
“Tình trạng hóa đơn nước bằng nhau bất thường gần như diễn ra theo chu kỳ 3 tháng một, trước đó hóa đơn tháng 4, 5, 6 của nhà tôi là cùng một khối lượng, bây giờ tháng 7, 8, 9 lại cũng cùng một khối lượng nước, dẫu việc sử dụng nước sinh hoạt hàng tháng của nhà tôi chắc chắn khác nhau” – Anh Dương cho biết.
Không gặp cảnh hóa đơn khối lượng nước bằng nhau, nhà chị Phạm Hoài Thanh ở phường Tân Giang thì gặp phải tình trạng hóa đơn nước tháng kế tiếp cao gấp 4, 5 lần, dẫu mức sử dụng nước không thay đổi quá nhiều.
Khối lượng nước tiêu thụ tăng, giảm bất thường của 1 hộ gia đình ở TP Hà Tĩnh trong năm 2019. |
Nhà anh Nguyễn Duy Tuấn ở xã Thạch Hưng cũng là một điển hình của tiền nước tăng đột ngột. Ví dụ: tháng 2/2019, nhà anh Tuấn sử dụng 18 khối nước, nhưng tháng kế tiếp, khối lượng nước tăng lên 44 khối. Các tháng kế tiếp sau đó lại trở về mức trung bình trên dưới 28 khối. Nhưng đến tháng 9 này, khối lượng nước sử dụng theo hóa đơn tăng đột ngột lên 52 khối.
“Nhà mình 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ, mỗi tháng dùng đến 20 khối nước là nhiều lắm rồi. Vậy mà tháng nào cũng trên 20 khối, có tháng lại đến 44, 52 khối. Có gì đó bất thường ở đây cần được nhà máy nước làm rõ” – Anh Tuấn bức xúc.
Lỗi thiết bị, khách hàng phải chịu thiệt
Theo một cán bộ kỹ thuật của nhà máy nước (đề nghị dấu tên), những bất thường nêu trên chủ yếu đến từ: thiết bị đo khối lượng nước (đồng hồ đo nước bị nghẹt cát hoặc chạy cà dật), nhân viên đọc sai số trên đồng hồ đo nước hoặc nhân viên đi đọc đồng hồ đo nước chậm ngay so với quy định.
Nhân viên công ty cấp nước đi đọc đồng hồ đo nước. |
Lý giải rõ hơn, cán bộ kỹ thuật này cho biết, khi nước chảy qua đồng hồ, nếu bị nghẹt cát hoặc chạy cà giật, thì đồng hồ không quay, số không nhảy nên số liệu phản ánh khối lượng nước đã tiêu thụ không đúng thực tế.
“Còn nhân viên đọc sai số cũng có dẫu ít xảy ra, chủ yếu đọc sai những số cuối như 123 thành 132, khiến khối lượng nước trong hóa đơn tăng thêm gần 10 khối. Riêng khối lượng nước hàng tháng tăng, giảm bất thường, ngoài việc đồng hồ lỗi, còn có thể do nhân viên đi đọc đồng hồ sớm hoặc chậm ngày so với quy định, khiến tháng đó khối lượng nước phản ánh ít, hoặc nhiều hơn, tương đương với thời điểm nhân viên đi đọc đồng hồ” – Cán bộ này phân tích.
Đem điều này làm việc với ông Võ Văn Huấn – Giám đốc Chi nhánh cấp nước TP Hà Tĩnh, ông Huấn thừa nhận có thực trạng đồng hồ đo nước bị lỗi, cũng như có thực trạng nhân viên đọc sai số trên đồng hồ hoặc đi đọc đồng hồ chậm ngày.
Ông Võ Văn Huấn thừa nhận có thực trạng đồng hồ đo nước bị lỗi. |
Tuy nhiên, ông Huấn khẳng định những lỗi này chỉ là thiểu số, vì gần 2 năm nay phía công ty đã triển khai phần mềm đọc bằng hình ảnh, truyền hình ảnh về công ty qua mạng để nhập dữ liệu, in hóa đơn.
Đáng chú ý, ông Huấn cho biết, nếu đồng hồ bị lỗi, không hiển thị hoặc hiển thị không chính xác, thì lấy khối lượng bình quân 3 tháng liền kề để tính khối lượng nước tiêu thụ tháng đó cho khách hàng.
“Nếu đồng hồ có vấn đề thì lấy số bình quân 3 tháng liền kề, đây là quy định. Việc khối lượng nước tăng đột biến thì anh em cũng khó xử lý, phải kiểm định đồng hồ. Còn như nhiều tháng khối lượng tiêu thụ nước không tăng giảm, dân gọi lên cũng có lý của họ, nhưng ở đây chúng tôi đọc quy tròn số lẻ hàng tháng, tính gối sang tháng khác, nên việc đó là bình thường” – ông Huấn lý giải.
Trước thông tin, có hộ gia đình mới lắp đồng hồ đo nước hơn 1 năm, đã sai số, thì ông Huấn cũng thừa nhận “trong 1 nghìn cái đồng hồ nhập về thì lỗi kỹ thuật là cũng có”, tuy nhiên theo ông Huấn, khi đưa đồng hồ vào lắp cho khách hàng thì đã qua kiểm định, quá trình sử dụng khách hàng phản ánh bất thường mới lập biên bản đưa đi kiểm định, vì quy định là 5 năm mới kiểm tra đồng hồ một lần?!
“Sai số này là không đáng kể, nhanh lắm cũng chỉ cộng, trừ 5 – 6 %, không thể đến 20% được” – ông Huấn nói.
Dẫu Giám đốc chi nhánh cấp nước TP Hà Tĩnh nói vậy, nhưng theo PV tìm hiểu, đã có những hộ gia đình đồng hồ sai số đến mức “khủng”, từ 52 khối ban đầu, sau khi kiểm định đã tính về 33 khối.
Đồng hồ đo nước mới sử dụng 1 năm đã sai số Hộ gia đình anh N.D.T về ở xã Thạch Hưng từ tháng 10/2018 và bắt đầu lắp đồng hồ đo nước. Hóa đơn tiền nước từ đó tăng giảm bất thường hàng tháng, như tháng 10/2018 sử dụng 15 khối nước, tháng kế tiếp tăng đột ngột lên 51 khối. Tháng 2/2019 sử dụng 18 khối nước, thì tháng liền kề tăng lên 44 khối. Đến tháng 8/2019 sử dụng 29 khối nước, thì tháng 9 kế tiếp tăng lên 52 khối nước.
Anh T “báo lệnh”, yêu cầu công ty cấp nước lập biên bản đưa đồng hồ đi kiểm định. Ngày 1/10/2019 có kết quả kiểm định từ Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh, cho thấy đồng hồ đo nước này dẫu chỉ mới lắp đặt, sử dụng hơn 1 năm đã không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, sai số tại các phụ tải Q vượt mức cho phép. Kết quả hóa đơn nước tháng 9 của gia đình a T từ 52 khối, giảm xuống còn 33 khối, giảm 19 khối nước. |
Tác giả bài viết: Bùi Tiến
Nguồn tin: Bảo vệ pháp luật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn