Hiệu quả từ mô hình nuôi hàu và ngao thương phẩm của nông dân Lộc Hà

Thứ tư - 09/03/2022 21:45
Ban đầu đây là vùng nuôi ngao được quy hoạch từ chương trình xây dựng NTM của xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà – Hà Tĩnh) nhưng sau khi nhận thấy vùng đất phù hợp nuôi ngao, nhiều hộ đã đầu tư kinh phí và dưới sự định hướng của Hội Nông dân, các hộ đã liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác. Từ việc được tham quan ở các tỉnh phía Nam, các hội viên đã nuôi bổ sung thêm hàu thương phẩm, nhờ đó, kinh tế ngày một khấm khá và việc chăm nuôi, sản xuất luôn gắn kết.

Khi nói đến nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Lộc Hà ai cũng biết vùng nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa. Đây là phần đất đã được quy hoạch nuôi trồng thủy sản tại vùng "cụp tay lái" thuộc tổ dân phố Xuân Hòa - thị trấn Lộc Hà với tổng diện tích 23ha.
 
D2022031007 1
Tận dụng bề mặt tầng trung của nước nuôi hàu thương phẩm

Khu vực nuôi trồng được bao quanh là rừng phòng hộ, giáp ranh giữa rừng phòng hộ và khu nuôi trồng là hệ thống rãnh thoát nước. Từ khi được thuê đất nuôi trồng, các hộ chỉ mới tận dụng được hơn 10 ha diện tích bãi bồi nuôi ngao. Mặc dù, kể từ năm 2014 đến nay, một số diện tích đất thuộc diện này đã phát huy được hiệu quả kinh tế nhưng còn có những khu vực chưa được tận dụng còn khá nhiều. Do đó, Hội Nông dân đã đề xuất cho các hộ đi tham quan học hỏi ở các tỉnh phía Nam về cách nuôi hàu thương phẩm để khai thác hết phần đất còn lại.
 
D2022031007 2
Những con hàu giống được cấy lên trên những vỏ ngao chuẩn bị sẵn

Sau khi học hỏi được thêm kinh nghiệm kết hợp với trải nghiệm “lăn lộn” nuôi ao bấy lâu, các hộ gia đình đã mạnh dạn bằng các nguồn vốn của gia đình và vay ngân hàng về đầu tư nuôi trồng kết hợp ngao và hàu thương phẩm. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, các hộ đã liên kết với nhau thành lập Tổ Hợp tác nuôi trồng hải sản tổ dân phố Xuân Hòa - thị trấn Lộc Hà với 10 thành viên dưới sự định hướng của tổ chức Hội. Tổ đã nhất trí bầu ông Trần Hữu Liên (1953) làm tổ trưởng.

Việc thành lập dựa trên tiêu chí 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Và hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thảo luận và thống nhất hành động trên cơ sở thiểu số phục tùng đa số. Với đích hướng đến là cùng đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân thuộc cùng một lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh và tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho hội viên.
 
D2022031007 3
Trước khi đưa xuống hồ nuôi, hàu được buộc thành từng dãy để sau thu hoạch dễ dàng

Ông Trần Hữu Liên cho biết: Gia đình ông nuôi 5 ha ngao và hàu với hợp đồng thuê đất 20 năm tương ứng 1 năm trả hết 11 triệu/ năm. Cứ sau 1 năm chăm nuôi hàu và ngao thương phẩm đã cho gia đình ông lãi ròng hơn 200 triệu. Quá trình nuôi ngao, hàu có chút vất vả khi khai thác. Trước đây, khi chưa thành lập tổ hợp tác các hộ cùng nuôi trồng thủy sản ít khi có dịp để ngồi trao đổi mọi việc với nhau. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm chưa ổn định vì đang bán nhỏ lẻ, chưa liên kết được với đơn vị tiêu thụ nên bị động về đầu ra. Thế nhưng, sau khi tổ hợp tác được thành lập trên nguyên tắc 5 cùng, có quy chế hoạt động nên các thành viên trong tổ có điều kiện để cùng ngồi bàn bạc, chia sẻ với nhau nhiều hơn và có thể giúp nhau giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống. Quan trọng hơn là sản phẩm làm ra của gia đình ông nói riêng và các thành viên trong tổ hợp tác  nói chung bắt đầu có sự liên kết với các tiểu thương đến thu mua tại chỗ và thời gian tới sẽ hướng đến thị trường Đà Nẵng.

 
D2022031007 4
Sau khi thu hoạch, có thể bán nguyên con hoặc mổ lấy ruột bán với từng mức giá khác nhau. Hàu nguyên con dao động từ 40 đến 50.000đ/kg, hàu mổ từ 100 đến 110.000đ/kg

“Cứ 5 ha nuôi ngao cho sản lượng dao động từ 50 đến 60 tấn vì thế nếu có đầu ra ổn định sẽ tạo niềm tin cho các thành viên yên tâm hơn vào việc thả giống và chăm nom, thu hoạch. Hầu hết ngao giống đều được mua ở Nam Định và Thanh Hóa, còn hàu giống tự gây được nên không phải mất chi phí mua giống. Năm 2022, gia đình tôi thả 15 tấn ngao giống, nhiều nhất so với các năm, bình quân 1 tấn giống mua hết 18 triệu chưa kể công thuê người thả giống”, ông Liên cho biết thêm.
 
D2022031007 5
Ngao sau khi thu hoạch được đóng thành từng bao lưới có trọng lượng lớn để nhập cho các tiểu thương

Người dân nuôi hàu, ngao ở đây chia sẻ: Chỉ cần thả giống, không phải cung cấp thức ăn, khoảng 4 tháng có thể thu hoạch. Hơn nữa, môi trường biển khu vực Lộc Hà có điều kiện thuận lợi về độ mặn nước biển, ít sóng gió nên rất thích hợp cho con giống sinh trưởng và phát triển. Lộc Hà cũng là vùng có tiềm năng du lịch biển nên việc đầu ra cho sản phẩm có phần lợi thế hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Hà cho biết: “Việc xây dựng mô hình Tổ Hợp tác nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất có liên kết theo hướng thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn hiện nay trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, tổ hợp tác được thành lập cũng đã tạo nên tính đoàn kết trong đời sống sản xuất của hội viên. Chính việc thành lập tổ hợp tác này đã tạo nên sự đồng thuận cao trong mọi việc và cách thức làm việc có tính tập thể hơn. Nhờ đó, vai trò của Hội ngày càng được khẳng định, hội viên nông dân tin tưởng vào tổ chức Hội".
Theo Bùi Ánh tapchinongthonmoi.vn

Link gốc: https://tapchinongthonmoi.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-hau-va-ngao-thuong-pham-cua-nong-dan-loc-ha-18026.html?fbclid=IwAR2XbZw-gM9ofrdXreWLKxxS4YRxvqEd-2YsKnBPZg5zs1Lh83GSA3f9Zlo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây