Hà Tĩnh: Phát triển mạnh các sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu

Chủ nhật - 30/07/2023 06:05
Chủ trương của Hà Tĩnh về sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.
Thông qua việc kết nối trên các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã mở rộng được thị trường. Các sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trong làng, xã nay có mặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống siêu thị Big C, Vinmart; sàn thương mại điện tử voso, postmart, sendo, shopee… thậm chí còn “rộng đường” xuất khẩu.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Để đưa bánh đa truyền thống vượt “lũy tre làng”, từ năm 2020 HTX Nguyên Lâm ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn OCOP 3 sao là bánh đa vừng và miến vừng đen.
 
D2023073005 1
Quy trình sản xuất bánh đa nem Nam Chi đạt các tiêu chuẩn cao theo quy định quốc tế.

“2 năm trước, sản phẩm bánh đa vừng đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đến nay, đã xuất khẩu sang các nước như: Nga, Ba Lan và Nhật Bản…” - anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm cho biết.

Để làm được điều này, theo anh Duẩn: “Từ khi tham gia OCOP, các quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác và quảng bá, tiếp thị sản phẩm...đều được chuẩn hoá. Nhờ vậy, thị trường cũng vươn xa hơn. Khi đó, đòi hỏi phải thực hiện chuyển đổi số, đối với sản phẩm, mọi thông tin được cung cấp đầy đủ thông qua mã QR. Hầu hết các khâu kết nối từ mua hàng đến thanh toán đều trực. Đặc biệt, trên các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng, trang thương mại điện tử…được đối tác đặc biệt quan tâm…”

Chủ động số hóa sản phẩm, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu cũng là bí quyết thành công của Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm (xã Đồng Môn, TP.Hà Tĩnh). Hiện, với sản phẩm vỏ bánh ram đạt OCOP 3 sao mang thương hiệu Nam Chi được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Theo ông Hồ Sỹ Cầm - Giám đốc Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm, để chinh phục được thị trường Hàn Quốc, đơn vị đã nỗ lực tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc nhà xưởng, chú trọng chất lượng sản phẩm và mẫu mã, bao bì. “OCOP chính là tấm giấy “thông hành” để bánh ram Nam Chi tiến gần hơn với thị trường thế giới. Nhờ tham gia chương trình OCOP, Công ty đã rút ngắn một phần quy trình kiểm định, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước…”, ông Hồ Sỹ Cầm chia sẻ.
 
D2023073005 2
Lô hàng bánh đa vừng xuất qua Nhật, trên bao bì song song hai ngôn ngữ Việt - Nhật
 
Điều này cho thấy, những sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đang dần định vị thương hiệu, tự tin chinh phục thị trường nước ngoài. Đến nay, Hà Tĩnh có 6 sản phẩm OCOP 3, 4 sao đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu, gồm: Bánh ram Anh Thu (Thạch Hà), bánh ram Nam Chi - xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Cu đơ Bà Hường (Hương Sơn) - xuất khẩu sang thị trường New Zealand; Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) - xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản; Sứa Mai Dung (Thạch Hà) - xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh) - xuất khẩu sang thị trường Nga và đang hoàn thiện hồ sơ xuất sang Úc.

Hà Tĩnh hiện có 287 sản phẩm OCOP, trong đó có 110 sản phẩm của 89 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất. Nhìn chung, các sản phẩm sau khi được công nhận đã nâng cao chất lượng, bao bì mẫu mã, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Điều thành công là sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng của các cơ sở đều tăng lên, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh chia sẻ, các địa phương trong tỉnh rất tích cực chỉ đạo, rà soát các chủ thể, doanh nghiệp... để cho các cơ sở nắm bắt được chương trình OCOP. “Tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để các địa phương hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm cao hơn nữa. Đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…” ông Nghĩa cho biết thêm.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng đang được các chủ thể sản xuất và các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện nhằm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số. Cùng với đó là tạo tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương... Tổ chức tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh.
 
D2023073005 3
Công ty CP sản xuất thực phẩm Hồ Cầm xây dựng trang web riêng nhằm quảng bá sản phẩm và minh bạch thông tin sản xuất trên mạng internet.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee… Đến nay đã có 544 sản phẩm được giới thiệu và bày bán trên sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh, trong đó 416 sản phẩm là sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh.

Theo ông Lê Xuân Tùng - Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Hà Tĩnh được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng. 100% cơ sở OCOP đã tham gia chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Từ đó, một số sản phẩm đã tiếp cận với các đối tác nước ngoài và xuất khẩu thành công.

“Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ các cơ sở xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Trong đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP, bởi khi đạt chuẩn 5 sao, sản phẩm sẽ đạt một số tiêu chuẩn quan trọng, cơ bản đủ điều kiện xuất khẩu. Văn phòng đã kết nối các cơ sở sản xuất và các đơn vị chuyên xuất khẩu qua không gian mạng để tạo cơ hội hợp tác…” - ông Tùng cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025. Theo đó, đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Trong đó, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại trên hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo…

Lam Hoàng
Theo  Công thương
 Từ khóa: OCOP Hà Tĩnh, OCOP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây