Hà Tĩnh: Ngổn ngang tại làng thanh niên lập nghiệp Tây ​Kỳ Anh

Thứ năm - 02/08/2018 07:35
Dự án làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Tây Kỳ Anh được triển khai xây dựng tại các xã Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Phong (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư gần 53 tỉ đồng. Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai xây dựng, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang.

Kỳ vọng lớn cho hàng trăm hộ gia đình thanh niên

Dự án làng TNLN Tây Kỳ Anh được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2014 với mục tiêu phát huy vai trò xung kích sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định tại chỗ và tiếp nhận 180 hộ gia đình thanh niên, trong đó tiếp nhận mới 145 hộ và hỗ trợ 35 hộ gia đình trong vùng dự án.

Sau gần 4 năm triển khai xây dựng dự án thì chủ đầu tư mới triển khai được một số nhà điều hành cho ban quản lý dự án.

Tổng mức đầu tư cho dự án gần 53 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương là 39 tỉ đồng, nguồn ngân sách địa phương gần 14 tỉ đồng.

Với những kỳ vọng hết sức thiết thực như trên, chẳng mấy chốc làng TNLN Tây Kỳ Anh sẽ thay da đổi thịt, trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng trăm cặp vợ chồng trẻ để họ an tâm ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, kể từ ngày triển khai dự án, làng TNLN Tây Kỳ Anh đang gặp muôn vàn khó khăn với hàng loạt vấn đề bất cập nảy sinh.

Theo tìm hiểu, dự án làng TNLN Tây Kỳ Anh trải dài trên phần diện tích của 3 xã: Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Phòng (huyện Kỳ Anh) với số diện tích đất bị ảnh hưởng là gần 123 nghìn m2.

Dạo quanh một vòng dự án chứng kiến cảnh đến thời điểm hiện tại BQL dự án mới triển khai xây dựng được các hạng mục như: Nhà văn hóa, nhà làm việc của BQL, nhà ở BQL và một số tuyến đường bê tông cũng như một số diện tích trồng chè của các hộ đội viên.

Tại tuyến đường số 2, đường bê tông xi măng có chiều dài 1,7km nối từ đường kinh tế Quốc phòng đến vùng sản xuất số 6 hiện cơ bản đã xong nhưng phía nhà thầu là công ty TNHH Thư Phương vẫn chưa cho đổ hai bên lề đường và hệ thống ngầm vẫn chưa thi công.

Theo quan sát, do việc nhà thầu chưa đắp đất hai bên lề đường nên đã có hiện tượng lở, xói mòn hai bên. Nếu để thêm thời gian thì mưa lũ sẽ làm hỏng cả tuyến đường.  

Do chưa đổ đất 2 bên khiến cho đoạn đường tuyến số 2 có nguy cơ bị xói lở

Đau đầu vì thiếu vốn

 
 

Theo đại diện nhà thầu cho biết, do nguồn vốn phân bổ cho đơn vị quá ít, phần lớn là tự bỏ tiền ra để làm. Nguồn ngân sách Trung ương rót về nhưng không hiểu tại sao bên BQL dự án phân bổ không đều. BQL dự án chủ yếu tập trung tiền cho các gói thiết bị còn hệ thống giao thông thì tiền về chậm.  

Nói về tiến độ xây dựng dự án, ông Hồ Xuân Hiếu – Giám đốc BQL dự án làng TNLN Tây Kỳ Anh cho biết: Hiện tại, trong vùng dự án có 105 hộ chưa tách nhân khẩu, trong đó đã có 70 hộ trồng chè. Mới chỉ có một số hộ ra ở mới còn lại thì vẫn đang ở tại chỗ.

Nguồn vốn để xây dựng các tuyến đường thì chỉ mới có nguồn ngân sách của trên phân bổ về 11 tỉ trong tổng số 39 tỉ, còn nguồn ngân sách của tỉnh gần 14 tỉ thì chưa có.

“Đau đầu nhất hiện nay là vấn đề nguồn vốn để đền bù GPMB. Bên tỉnh Đoàn đã có nhiều tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin phân bổ nguồn để đền bù tiền GPMB nhưng đến nay tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ phân bổ được hơn 400 triệu để hỗ trợ cho các gia đình hội viên phát triển chè công nghiệp theo mục tiêu của đề án”, ông Hiếu cho biết.  

Theo các đơn vị thi công, do nguồn vốn eo hẹp cộng với việc phân bổ nguồn vốn không đều khiến cho các hạng mục tại dự án đang dang dở.

Ông Trần Văn Thể (xóm 8, xã Kỳ Tây) cho biết, gia đình ông có hơn 5ha đất bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhưng kể từ khi triển khai dự án đến nay, gia đình ông chưa nhận được khoản tiền đền bù nào mặc dù diện tích đất của gia đình ông đã được san ủi và xây dựng các công trình phục vụ dự án.

“Diện tích đất của gia đình đã có quyết định thu hồi của UBND huyện Kỳ Anh, đã áp giá đền bù và tôi đã ký hồ sơ rồi. Nhưng khi kiểm đếm xong thì không thấy tiền đền bù. Lúc đó, vì nhiều lý do nên tôi đồng ý cho họ làm mà chưa nhận tiền,” ông Thể nói.

Theo Bí thư tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hoàn thì dự an làng TNLN Tây Kỳ Anh triển khai có khó khăn hơn một số làng TNLN khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Hoàn lấy ví dụ, như các làng TNLN Tây Sơn, Phúc Trạch đã triển khai được trên dưới 15 năm. Hầu như lúc đó đất đai chưa được nhà nước phân về cho người dân nên dễ triển khai dự án mà không mất thời gian và kinh phí để GPMB.

Còn dự án làng TNLN Tây Kỳ Anh thì phần lớn diện tích đất để làm dự án đều đã giao cho người dân quản lý. Công tác đền bù, GPMB phức tạp hơn nhiều.

Thêm một vấn đề nữa theo ông Hoàn thì những năm gần đây nguồn vốn đầu tư vào các dự án được siết chặt hơn. Vì thế, mặc dù dự án này được đầu tư 53 tỉ đồng nhưng mỗi năm tỉnh cũng chỉ nhận được một vài tỉ để triển khai dự án. Tỉnh thì đã làm tờ trình về nguồn vốn nhiều lần nhưng vẫn chưa có.   

“Thế nhưng, dù có khó khăn thì chắc chắn đến năm 2019 bắt buộc các nhà thầu phải thi công xong các hạng mục của dự án”, ông Hoàn khẳng định.

Nguồn tin: Infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây