Đơn khởi kiện của bà Trần Thị Bảy và con gái Nguyễn Thị Lâm. |
Không vay vẫn mang nợ?
Theo bà Trần Thị Bảy, năm 2014, con gái bà là Nguyễn Thị Lâm (SN 1990, trú tại thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) kết hôn với Đặng Ngọc Đức (SN 1989, nguyên quán xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).
Do điều kiện mẹ góa con côi, hoàn cảnh neo đơn nên sau khi cưới, vợ chồng Đức ở lại chung sống cùng bà. Cuối năm 2017, bà cho vợ chồng Đức hơn 177,2m2 đất (tại thửa số 222A, tờ bản đồ số 30), để làm nhà riêng trong khuôn viên đất của mình.
Sau đó, bà đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để Đặng Ngọc Đức đi làm thủ tục tách thửa, sang tên chuyển nhượng phần diện tích nói trên.
Bà Bảy cho rằng, bản thân không ký vào Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. |
Cũng theo bà Bảy, đầu năm 2018, Đặng Ngọc Đức gọi bà Trần Thị Bảy và vợ Nguyễn Thị Lâm đến Văn phòng công chứng Kỳ Anh (tại tổ dân phố (TDP) 3 phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, nay là TDP1 phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ghi họ tên, số chứng minh nhân dân, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú rồi ký tên vào phiếu yêu cầu công chứng. Còn nội dung yêu cầu công chứng về việc gì thì bỏ trống.
“Lúc này tôi có hỏi con rể là ký vào cái này để làm gì? Con rể tôi nói rằng, mục đích ký vào phiếu yêu cầu công chứng là để con lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về. Do không hiểu biết nên tôi và con gái đã ký rồi ra về”, bà Bảy nói.
Đến tháng 8/2018, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VpBank) Chi nhánh Hà Tĩnh, Phòng giao dịch Kỳ Anh gửi thông báo trả tiền lãi vay quá hạn đối với khoản nợ 266 triệu đồng tới nhà khiến bà Bảy ngã ngửa.
Chữ ký của bà Bảy trong Phiếu yêu cầu công chứng và chữ ký "giả mạo" trong Hợp đồng thế chấp vay tiền... |
Bà Trần Thị Bảy khẳng định: “Toàn bộ chữ ký liên quan đến tôi trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người khác giữa Trần Thị Bảy và Ngân hàng VpBank được Văn phòng công chứng Kỳ Anh công chứng ngày 15/01/2018 (số 64/2018/HĐTC quyển 01/TP/CC-SCC/HĐGD), chữ ký tại Biên bản định giá tài sản ngày 15/01/2018; Giấy biên nhận hồ sơ tài sản đảm bảo ngày 17/01/2018 là chữ ký hoàn toàn giả mạo, do cán bộ ngân hàng và con rể tôi - Đặng Ngọc Đức - đã cấu kết với nhau nhằm hợp thức hóa giao dịch”.
“Mặc dù tôi không hề giao dịch hay ký bất kỳ hồ sơ nào vay vốn của Ngân hàng VpBank chi nhánh Hà Tĩnh, Phòng giao dịch Kỳ Anh, nhưng do trình độ hiểu biết thấp, gia đình mẹ góa con côi, lo sợ ngân hàng sẽ xiết đất, xiết nhà nên tôi cùng con gái là Nguyễn Thị Lâm phải đi làm thuê, vay mượn tiền hàng xóm, bán cả xe máy và các khoản tài sản khác để trả nợ lãi cho ngân hàng” bà Bảy cho biết thêm.
Chữ ký của bà Bảy khi chứng thực tại UBND xã Kỳ Tân và chữ ký trong hồ sơ thế chấp. |
Ngân hàng, văn phòng công chứng nói gì?
Ngày 13/6/2019, bà Trần Thị Bảy và con gái Nguyễn Thị Lâm đã làm đơn gửi Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, khởi kiện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VpBank) Chi nhánh Hà Tĩnh, Phòng giao dịch Kỳ Anh; Văn phòng công chứng Kỳ Anh và ông Đặng Ngọc Đức.
Để thông tin được đa chiều, PV Infonet đã trực tiếp làm việc với các bên liên quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Hùng, Giám đốc phòng giao dịch Kỳ Anh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VpBank) Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Việc này cũng khá lâu rồi, bà Bảy cũng đã gặp và trao đổi với tôi. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như quyền lợi của Ngân hàng, tốt hơn hết là phải đề nghị cơ quan Công an giám định chữ ký.
Cũng theo ông Hùng, hệ thống giám sát chữ ký của Ngân hàng rất chặt chẽ. Trước khi trình hồ sơ sang lãnh đạo ký phải qua hai cán bộ kiểm soát. Đầu tiên là nhân viên tín dụng xem xét, đối chiếu chứng minh thư. Sau đó là nhân viên hỗ trợ tín dụng hoàn thiện hồ sơ, kiểm soát vấn đề chữ ký, rồi mới đến phòng công chứng.
Chữ ký của Nguyễn Thị Lâm khi chứng thực tại UBND xã Kỳ Tân và chữ ký trong hồ sơ thế chấp |
Còn ông Nguyễn Duy Sỹ, Công chứng viên Văn phòng công chứng Kỳ Anh khẳng định: “Quy trình công chứng ở đây là tất cả các khách hàng phải trực tiếp mang hồ sơ đến Văn phòng công chứng để ký trước mặt công chứng viên và trong văn bản công chứng phải có đầy đủ nội dung”.
“Trường hợp của bà Bảy vào đầu năm 2018, khi đó công chứng viên xác minh hồ sơ không phải là tôi, nên tôi không nhớ rõ vì khách hàng khá đông. Để xác định giả mạo hay không chỉ còn cách giám định chữ ký”, ông Sỹ nói thêm.
Tuy nhiên, trong Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản, được lập ngày 15/1/2008, người nhận phiếu lại là ông Nguyễn Duy Sỹ. Điều đáng nói, trong Phiếu yêu cầu công chứng này lại có hai nét chữ. Phần thông tin của khách hàng là do bà Trần Thị Bảy viết và ký tên, còn phần nội dung yêu cầu công chứng và các giấy tờ kèm theo lại do một người khác viết.
Bà Trần Thị Bảy đang trao đổi với PV Infonet. |
Sau khi đối chiếu chữ ký của bà Bảy trong phiếu đề nghị công chứng và trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người khác, ông Sỹ cho biết: “Nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt được hai chữ ký có khác nhau hay không. Vấn đề có giả mạo chữ ký hay không thì phải nhờ bên giám định”.
"Thời kỳ làm công chứng đó do bác Nguyễn Đình Oánh (một nhân viên công chứng tại đây-PV) phụ trách, nay chuyển ra Văn phòng công chứng Đoàn Minh Quyên ở thị trấn Thạch Hà rồi", ông Sý nói thêm để thoái thác vai trò của mình...
Infonet sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này.