Nhiều tình nguyện viên ra sức hỗ trợ người dân thu hoạch lúa sau lũ. Ảnh: Sơn Nguyễn
3.000 ha lúa mất trắng
Sau nhiều ngày cơn lũ dữ đã đi qua, người dân Hà Tĩnh đang tranh thủ ra đồng để thu hoạch những gì còn sót lại của vụ lúa hè thu. Trên những cánh đồng tại xã Vĩnh Lộc (huyện Can Lộc) bông lúa trước đó trĩu nặng, vàng óng đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch. Nhưng sau nhiều ngày bị ngâm trong nước lũ, giờ hạt lúa chuyển màu, phần lớn lúa đã nảy mầm khiến người dân xót xa.
Nhìn đống lúa vừa vớt dưới ruộng lên còn bết bùn đất, chị Nguyễn Thị Mai (xã Vĩnh Lộc) chia sẻ: "Vụ lúa này coi như mất trắng, nhìn đống lúa mà tôi thấy xót quá. Vợ chồng quanh năm chỉ bám vào vài sào ruộng để sinh sống, ấy vậy mà chưa kịp thu hoạch thì đã chìm trong nước lũ. Số lúa này đã nảy mầm gần hết người không thể sử dụng được, bây giờ thu hoạch về chỉ dùng để chăn nuôi".
Trong khi đó, bà Trần Thị Phương (trú tại xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc) buồn rầu: "Người nông dân như chúng tôi chỉ mong vào mùa vụ, vậy mà thiên tai lại lấy đi mất. Trong xã không chỉ riêng gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác có diện tích lúa khá lớn bị ngập úng. Nhìn bao nhiêu công, của bỏ ra mà giờ mất trắng tôi buồn lắm".
Có nhiều hộ gia đình sau khi nghe tin áp thấp nhiệt đới chuẩn bị vào Hà Tĩnh cũng đã tranh thủ ra đồng để gặt lúa chạy lũ, nhưng sau khi lúa được đưa về nhà, mưa lớn kéo dài nên không thể phơi khiến lúa cũng bị ẩm mốc không thể sử dụng được.
Anh Nguyễn Thế Toàn (trú tại xã Khánh Lộc) cho biết: "Sau khi nghe đài báo là chuẩn bị có áp thấp nhiệt đới gia đình chúng tôi đã thuê người gặt bớt số lúa gần chín. Nhưng sau khi mang lúa về nhà thì trời mưa lớn liên lục, nước ngập băng nên không thể phơi khô được. Hôm kia trời bắt đầu hửng nắng gia đình chúng tôi đem ra phơi thì phát hiện lúa đã mốc và nảy mầm hết. Toàn bộ số thóc ấy giờ đành phải để cho vật nuôi chứ người làm sao mà dùng được nữa".
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ trong những ngày qua khiến gần 3.000 ha lúa vụ hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch bị ngập úng. Được biết, vụ hè thu năm 2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 45.000 ha. Với việc 2/3 số diện tích lúa bị ngập úng, nông dân Hà Tĩnh đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn trước mắt.
Gần 1.000 thanh niên giúp dân sau lũ
Ngay sau khi đợt lũ lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức 52 đội hình với gần 1.000 thanh niên tình nguyện đã chủ động thu hoạch gần 20 sào lúa, hoa màu, thu gom và tiêu thụ hơn 6.000 quả bưởi Hương Khê, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất.
Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mưa lũ đã làm ngập hàng trăm ha bưởi Phúc Trạch đến kỳ thu hoạch của người dân. Những ngày qua, người dân Hương Khê ngậm ngùi đem cắt bán dù chưa đến ngày chín rộ. Tuy giá bán không được như chính vụ nhưng các hộ dân đều hi vọng vớt vát được phần nào chi phí, công sức đã đổ ra cho vụ bưởi năm nay.
Trong hai ngày 6/9 và 7/9, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức thu gom và tiêu thụ hơn 20.000 quả bưởi Phúc Trạch, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất. Chiến dịch "Giải cứu bưởi giúp nhân dân vùng lũ" của tuổi trẻ Hà Tĩnh đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Nối tiếp hoạt động của Tỉnh đoàn, Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh cũng ngay lập tức tổ chức các đoàn thanh niên tình nguyện trực tiếp về các hộ dân bị ngập lụt thu mua bưởi đi bán cho bà con. Đã có hơn 3.000 quả bưởi được bán ra trong ngày đầu tiên Đoàn trường mở điểm bán.
Với phương châm "Nước rút đến đâu, dọn sạch đến đó", các tổ chức tình nguyện đã tập trung bám các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, kênh mương, đường giao thông, dọn dẹp, sửa chữa, dựng lại cơ sở vật chất trong đó ưu tiên hàng đầu là tại các trường học để các em học sinh sớm bắt đầu năm học mới.
Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ khẩn cấp người dân bị ảnh hưởng. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, chiều 7/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã đi thuyền vào xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê thăm hỏi, động viên một số bà con đang bị ngập do lũ. Thăm Trường Mầm non xã Phương Mỹ, nói chuyện với lãnh đạo và người dân huyện Hương Khê, Phó Thủ tướng lưu ý công tác khắc phục hậu quả sau lũ. Tại các điểm lũ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã động viên một số gia đình chính sách còn khó khăn, bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. |
Tác giả bài viết: Sơn Nguyễn
Nguồn tin: giadinh.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn