Làng đũa năng rưng nằm cạnh bên ga tàu ở thôn 1 xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có truyền thống hơn 20 năm. Thời gian tuy chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định sản phẩm của người dân Phúc Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều đặc biệt làm nên sự độc đáo của làng nghề không nơi nào có được, đó là đũa được làm bằng cây cau rừng, gọi là cau năng rưng. Là loại cau mà chỉ mỗi ở xứ rừng núi này mới có.
Để đi lấy cau thì người dân phải đến các vùng rừng của huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Mỗi chuyến đi phải mất 3 ngày may ra mới được một bó khoảng 20 đoạn (mỗi đoạn 2 - 3m). Sau đó đưa về bán lại cho người dân vót đũa với giá 50 - 80 nghìn đồng/đoạn.
Để có những đôi đũa chất lượng yêu cầu cau rừng phải rất già trên 20 năm tuổi, có đường kính từ 5 – 7cm, cao trung bình 7m, chỉ có 2m cau gốc mới sử dụng vót đũa được.
Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua các công đoạn: cắt – chẻ - đẽo – bào phả - bào trau – mít – chà - phơi, trong đó bào trau là công đoạn quyết định của sản phẩm. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều thì phải sấy đũa bằng than vì đũa khô thì mới không bị mốc.
Khi mới bắt đầu với nghề mọi người chủ yếu dùng dao để vót đũa nên sản phẩm làm ra không được trơn và đều. Hơn nữa lại hạn chế về số lượng. Từ đó, mọi người cũng đã nghĩ ra cách dùng bào để thay thế cho việc vót bằng dao, nên sản phẩm ra đời đều hơn. Sau đó, đũa được mang đi chà với lá chuối khô để được mịn và trơn hơn.
Đũa cau năng rưng tuy không thật sự tinh xảo và khá là đơn điệu về kiểu dáng nhưng độ bền, độ bóng của sản phẩm thể hiện được sự cần cù cũng như sự khéo léo của đôi bàn tay, khối óc của người dân Phúc Trạch.
Bên cạnh đó đũa năng rưng được làm bằng chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, màu lại rất đẹp, không sử dụng bất kỳ thuốc bảo quản nào gây nguy hiểm cho sức khỏe nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Liên cho biết, mỗi ngày 1 người vót được bình quân từ 150 – 200 đôi đũa. Với giá từ 3 – 5 nghìn đồng/ đôi mỗi ngày trừ chi phí một người thợ vót đũa cũng kiếm được trên 300.000 đồng.
Bà Liên cho biết thêm, đã hơn chục năm sống bằng nghề vót đũa, đến bây giờ nghề này đã trở thành nghề chủ đạo, mang lại thu nhập chính cho cả gia đình bà. Nhờ vậy, vợ chồng bà có thể nuôi được 5 đứa con ăn học, trong đó 4 đứa học đại học. Tất cả cũng nhờ vào đũa.
Đũa cau không chỉ được người dân ưa thích mua về sử dụng mà nhiều người còn mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước. Với những dịp cuối năm, nhu cầu về đũa cau lại càng cao, khách hàng phải đến để đặt trước thì mới có được. Thậm chí, nhiều gia đình phải tranh thủ làm thêm cả ban đêm vẫn không đủ đũa cho khách hàng.
“Hàng năm cứ từ tháng 10 âm lịch trở đi, nhu cầu mua đũa của khách hàng tăng lên nên gia đình tôi phải làm đũa từ 6h – 21h mới nghỉ. Người tiêu dùng đặt hàng nhiều, sản phẩm bán ra cũng tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, có nghĩa thu nhập cũng tăng lên rất nhiều” – ông Nguyễn Văn Hoành nói.
Tác giả bài viết: Tiến Hiệp
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn