Hạ tầng nghề cá thiếu và yếu
Tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài bờ biển hơn 137 km, ngư trường khai thác hải sản trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã từ Nam ra Bắc. Từ bao đời nay, ngư dân nơi đây vẫn quen hành nghề truyền thống với tàu nhỏ, khai thác vùng lộng.
Cát bồi lắng nghiêm trọng khiến nhiều tàu cá ra vào cảng cá Xuân Hội, Nghi Xuân "mắc cạn". Ảnh: Việt Khánh.
Những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ đóng tàu lớn của nhà nước đã tạo bước đột phá cho hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân Hà Tĩnh. Hiện toàn tỉnh có 3.695 tàu cá đã được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cập nhật trên hệ thống Vnfbase của Tổng cục Thủy sản; trong đó, 137 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi; 644 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng; 2.914 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m hoạt động tại vùng biển ven bờ.
Mặc dù số lượng tàu công suất lớn nội tỉnh và các tỉnh bạn tham gia khai thác trên vùng biển Hà Tĩnh rất đông đảo, song nhiều năm nay hạ tầng nghề cá trên địa bàn lại đang thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, tránh trú bão và giao thương buôn bán của ngư dân.
Năm 2010 khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh được đầu tư nạo vét vũng neo đậu tàu; san lấp mặt bằng và xây dựng kè bảo vệ bờ san lấp mặt bằng. Đến năm 2018 dự án hoàn thành nhưng không thể phát huy hiệu quả do tuyến luồng vào khu neo đậu, đê chắn sóng, các hạ tầng thiết yếu trên bờ đều chưa có. Toàn bộ tàu thuyền của ngư dân thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, thậm chí ở một số huyện của tỉnh Quảng Bình phải vượt hàng chục hải lý ra tận cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà để neo đậu, mua bán hải sản, vừa tốn kém thời gian vừa giảm hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến vươn khơi.
Còn tại huyện Cẩm Xuyên, dù là làng nghề cá truyền thống với khoảng 1.000 tàu thuyền, hơn 10.000 lao động trực tiếp khai thác và tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một cảng cá nào được xây dựng.
Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, lâu nay bà con đang hoạt động nghề cá trên gò Cửa Nhượng – một bãi cát tự nhiên, thường xuyên bị bồi lắng nên chỉ tàu nhỏ mới cập bến được, còn tàu lớn của địa phương phải di chuyển ra cảng Cửa Sót, thậm chí vào tỉnh Quảng Bình… để neo đậu, tránh trú bão.
“Việc thu mua hải sản trên bãi cát tự nhiên vừa giảm chất lượng sản phẩm sau khai thác, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vừa không đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền”, ông Hà nói. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng cần sớm khởi công xây dựng dự án cảng cá Cửa Nhượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khai thác hải sản trên biển.
Một trong những cảng cá trọng điểm khác trên địa bàn Hà Tĩnh dù được nạo vét thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền là cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân.
Cảng cá Xuân Hội được xây dựng năm 2009, kinh phí 110 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2015. Sau 5 năm, công trình bắt đầu xuống cấp. Khi thủy triều rút, khu vực cửa biển trước cảng cá lộ ra nhiều bãi bồi. Cảng có 5 luồng lạch thì 4 luồng bị cát biển bồi lấp, nhô lên cao. Đa số tàu cá công suất trên 300CV khi đánh bắt về phải đậu cách cảng khoảng 500m, chờ thủy triều dâng cao mới có thể cập cảng.
“Nhiều hôm không chủ động được thời gian chúng tôi phải bỏ tiền thuê thuyền nhỏ tăng bo đưa hải sản vào bờ bán. Việc này khiến hải sản khi đưa lên bờ bị ươn, ít khách mua, thương lái ép giá rẻ hơn so với thị trường”, ngư dân Tài, trú xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân nói.
Theo ông Đinh Sỹ Long, phụ trách cảng cá Xuân Hội, lúc đưa vào hoạt động năm 2015, cảng có thể tiếp nhận 80 tàu thuyền một ngày, công suất tối đa của tàu khoảng 400 CV. Tuy nhiên, hiện cửa lạch bị cát bồi lấp quá cao, mỗi ngày chỉ có khoảng 15 tàu công suất từ 14 - 60 CV của ngư dân địa phương đánh bắt các loại hải sản như mực, ghẹ ở khu vực gần bờ ra vào, không có tàu ngoại tỉnh.
Đồng loạt đầu tư 4 dự án
Mới đây để đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá góp phần cùng ngành Thủy sản cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đầu tư xây dựng, nâng cấp 4 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng, gồm:
Dự án xây dựng cảng cá Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tổng mức đầu tư 280 tỷ. Dự án này sẽ xây dựng cầu cảng, kè bảo vệ bờ, nạo vét luồng tàu, khu vực nước trước bến và san lấp mặt bằng. Các hạ tầng kỹ thuật hậu cần nghề cá như: sân bãi, đường nội bộ, nhà điều hành, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải, hệ thống phao tiêu, đèn báo hiệu; hệ thống phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, môi trường, máy cẩu, xe nâng; nạo vét chỉnh trị luồng vào khu neo đậu…
Việc đầu tư 400 tỷ đồng đồng bộ hạ tầng nghề cá sẽ giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, chung tay nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của EC. Ảnh: Việt Khánh.
Dự án thứ 2 là nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm hạn chế sự bồi bắng, đảm bảo tính ổn định của cửa, luồng vào khu neo đậu; giảm chi phí duy tu, nạo vét hàng năm.
Công trình tiếp theo, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh. Dự án này dự kiến đầu tư 40 tỷ đồng, tập trung đánh giá tốc độ bồi lắng luồng, lòng âu; xây dựng hàng trào, cổng, nhà điều hành, hệ thống điện, cấp nước, thu gom, xử lý nước thải…
“Tuy nhiên để dự án hoạt động đạt hiệu quả tối đa, đồng bộ, Trung ương, tỉnh cần đầu tư thêm khoảng 250 tỷ đồng xây dựng thêm đê chắn sóng và nạo vét tuyến luồng vào khu neo đậu”, ông Hà Huy Thành, Giám đốc quản lý dự án hạ tầng nghề cá (Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh) nói.
Cuối cùng là dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Đây là dự án đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy ngư dân chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề cá nhân dân; phát triển sản xuất hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Hà Huy Thành nhấn mạnh: “Cả 4 dự án trên đều rất cấp thiết, vì vậy Ban quản lý dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cuối quý 2 năm nay đưa vào khởi công; hoàn thành đưa vào sử dụng trước tháng 6/2022”.